Jump to content

Thợ Làm Vườn

Ban Quản Trị
  • Số bài viết

    1.365
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    10

Mọi thứ được đăng bởi Thợ Làm Vườn

  1. Cái này hơi bị khó nhỉ? Nếu trong CD thì may ra, đằng này phát trên đài mà VOV hiện không thể nghe online các chương trình cũ như VOH.
  2. Nếu bạn muốn làm bản quyền cho những bài thơ đó để không bị đánh cắp thì làm sao thì tốt nhất là để những bài thơ đó trong đầu, đừng công bố bất cứ đâu cũng như đừng viết thành văn bản, đọc thành âm thanh. Còn nếu muốn được bảo đảm bởi pháp luật Nhà nước Việt Nam thì thử ghé website của Cục Bản quyền Tác giả tại địa chỉ http://www.cov.org.vn/ nghiên cứu xem. Muốn in thành sách, hiện nay có 2 cách cơ bản sau: 1. Đưa tới NXB, nếu NXB thấy OK, họ sẽ in cho bạn (Cái này hơi bị khó trong tình hình hiện nay) 2. Liên kết xuất bản với các Nhà xuất bản. (Bỏ tiền túi ra in ấn và tự phát hành). Tuy nhiên thơ của bạn cũng phải đạt chất lượng (theo tiêu chí của từng NXB) để họ vui vẻ cho bạn cái giấy phép in. Chúc bạn vui và giữ được bản quyền cho những đứa con tinh thần mà bạn đã "mang nặng đẻ đau".
  3. TLV không trả lời Congiodem "Thơ trẻ là nơi dành cho những nhà thơ trẻ đã nổi danh" mà chỉ nói box Thơ Trẻ hiện tại chủ yếu giới thiệu các bài thơ của các tác giả trẻ và thơ của các bạn thành viên sưu tầm được. TLV cũng công nhận với bạn là các box trên Thơ Trẻ hiện nay là chưa hoàn chỉnh và chưa có sự rõ ràng. TLV đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này với đại ý sẽ đợi một thời gian nữa khi có một số thành viên nhất định, một lượng bài viết nhất định sẽ định hình từng box. Còn nội quy diễn đàn thì đã có rất lâu nhưng dường như không ai xem. (Nội quy, post ngày 15/06). Xin lưu ý: TLV không đánh đồng topic thơ trẻ là topic của những nhà thơ trẻ đã nổi danh. Các bạn vẫn có thể post vào đó sáng tác của những người trẻ và những sáng tác có nhiều cách tân về nội dung và hình thức. Cảm ơn những ý kiến đóng góp của bạn nganthao. TLV đã chuyển bài viết theo yêu cầu của bạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện từng box trong Thơ Trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, TLV có cảm giác khác nhiều bạn quan trọng quá việc chia các box. Hình như các bạn cảm thấy chia như vậy là quá phân biệt "đẳng cấp thơ" chăng??? Thay mặt BQT xin khẳng định, chúng tôi chia như thế là để phân biệt giữa thơ sưu tầm và THƠ CỦA THÀNH VIÊN THƠ TRẺ sáng tác chứ không hề có ý phân biệt về chất lượng. Một chú ý quan trọng: Đề nghị các bạn khi post thơ của mình cần đề rõ bút danh ký dưới mỗi bài thơ. Vài dòng lan man...
  4. Xin chào bạn! Có phải bạn đề cập đến cuộc tranh luận về nhóm Ngựa Trời không ạ? Bạn cho là: "có lẽ sau vụ trang luận chưa có tiếng nói cuối cùng nên các bạn đã bỏ đi hết rồi" thì điều này hơi vô lý. Vì tranh luận đang sôi nổi, chưa ngã ngũ thì càng gây chú ý chứ tại sao lại bỏ đi giữa chừng? Còn chuyện hiểu lầm hay bất mãn thì mình cho là không có vì không khí tranh luận rất thẳng thắn và "hòa bình". Có lẽ bạn thỉnh thỏang mới ghé diễn đàn vì diễn đàn vẫn còn ít thành viên nên trước nay vốn vẫn lặng lẽ là thế. Hy vọng một ngày đẹp trời nào đó bạn sẽ có cảm hứng để "viết cái gì đó". Chúc bạn vui!
  5. Vâng, TLV đã ghé Onboom rồi và thỉnh thỏang sẽ trở lại để học hỏi thêm...
  6. Sau khi đọc khá kỹ tất cả ý kiến của từng bạn về sự tồn tại hay không tồn tại những sáng tác của Ngựa Trời trên Diễn đàn của chúng ta, TLV xin thay mặt Ban Quản trị diễn đàn có đôi lời về vấn đề này: TLV rất hiểu sự bức xúc của các bạn về Ngựa Trời và thật ra NT cũng đã gây ra nhiều sự tranh cãi nhiều ý kiến trái ngược nhau trên văn đàn thời gian qua. Vấn đề sex, tính dục trong văn chương đang là vấn đề thời sự văn chương nóng bỏng mà chúng ta khoan hãy có kết luận nó tốt hay xấu, phù hợp hay không phù hợp. TLV rất cảm ơn anh N.H.Đ và bạn K.N đã đồng cảm với tôn chỉ của Diễn đàn Văn học trẻ. Vâng, đây là một diễn đàn tự do về các vấn đề liên quan đến văn học trẻ nên lẽ đương nhiên chúng ta không thể bỏ qua, không thể né tránh các vấn đề văn học trẻ đang nóng bỏng hiện nay. Tôn chỉ chung của diễn đàn là sẽ giới thiệu các sáng tác có sự thể nghiệm, có sự đầu tư sáng tạo cho dù nó hay hay chưa hay, được đồng tình hay không. Có thể nhiều người đã quen với những điều bình thường nên đôi khi cảm thấy bị sốc trước những cái mới. Đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên cuộc sống luôn biến động và thay đổi từng ngày, từng giờ nên thơ cũng phải đổi mới. Đổi mới là một xu hướng tất yếu để tồn tại. Lẽ dĩ nhiên thơ của thế hệ 8X, 9X phải khác so với những thế hệ trước đó. Một điều quan trọng, thời gian sẽ thanh lọc những tác phẩm có giá trị. Bạn K.N có nhắc cho TLV nhớ về những Quy định chung của diễn đàn, tuy nhiên có lẽ TLV là người nhớ rõ nhất những quy định này vì những điều đó là do TLV soạn thảo nên. Về chuyện đưa các sáng tác của N.T, bạn K.N cho rằng điều này phạm với quy định chung của diễn đàn, tuy nhiên T.L.V không cho là như vậy. Tập “Dự báo phi thời tiết”, theo những người đưa ra quyết định đình chỉ thì sở dĩ nó bị cấm là vì có bìa gây phản cảm và một số tác phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Điều này không phủ định hoàn toàn những sáng tác của Ngựa Trời là không tốt, không được phép lưu hành. Một số báo chí hiện vẫn đăng tải các sáng tác của thành viên Ngựa Trời đấy thôi. Thậm chí, Phương Lan - thành viên nhóm còn được mời tham dự Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 tại Hội An tháng 5 vừa qua. Chúng ta không nên tẩy chay những sáng tác của họ. Họ còn rất trẻ và người trẻ thì có quyền sai. Tuy nhiên, theo TLV, sau sự kiện DBPTT, nếu Ngựa Trời lại tiếp tục đi theo vết xe đổ này thì trước sau họ cũng sẽ tự giết mình mà thôi. Chúng ta hãy động viên họ để họ tiếp tục có nghị lực sáng tác nên những tác phẩm khác. Việc lập box Ngựa Trời, BQT không hề có ý lăng xê hay cổ xúy cho nhóm này mà chỉ muốn phân tách riêng ra để dễ theo dõi và rộng đường dư luận hơn về một nhóm thơ đang gây tranh cãi hiện nay. Nếu trong thời gian tới, trên diễn đàn của chúng ta có một nhóm sáng tác nào được thành lập TLV cũng rất sẵn sàng lập riêng box để đăng tải những sáng tác cùng những “tuyên ngôn” của nhóm. Một bài thơ có thể hay với người này nhưng là dở đối với người khác. Cũng có khi lúc này đọc thấy hay nhưng khi khác đọc ta lại cảm thấy cực dở. Vì thế, TLV tin rằng thơ của Ngựa Trời vẫn có độc giả riêng của mình. Về đề nghị nên đóng chủ đề này theo tôi là không nên. Tại sao lại cấm một chủ đề đang sôi nổi khi nó không hề vi phạm quy định của diễn đàn. Diễn đàn cũng đang cần lắm những sự tranh luận như thế này. BQT cũng mong rằng các bạn nên bình tĩnh và giữ hòa khí chung của diễn đàn để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Xin được cám ơn tất cả các bạn trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này và nhiều bạn đã mạnh dạn “thổi còi” BQT. Chúng tôi xin ghi nhận và mong tiếp tục nhận được ý kiến của các bạn sau bài viết này. Điều cuối cùng, TLV mong các bạn thành viên nên có cái nhìn rộng lượng và bao dung hơn đối với những thể nhiệm trong sáng tác của những cây bút trẻ.
  7. Xin chào darkwater, Chào mừng bạn đến với Diễn đàn Văn học Trẻ. Chúng tôi rất vui khi bạn tham gia diễn đàn này. Hy vọng bạn sẽ là một trong những thành viên tích cực của diễn đàn. darkwater là thành viên kể từ: July 13, 2006, 12:59 am. Xem Hồ sơ cá nhân của darkwater
  8. Diễn đàn không khuyến khích các sáng tác mới theo thể thơ Đường trên Thơ Trẻ. Lý do: - Thứ 1: Xem ở đây - Thứ 2: Thơ Đường khó có sự đột biến về nội dung và hình thức để chúng ta cảm thấy mới mẻ, chưa nói đến việc gọi là hay. - ...
  9. Hôm bữa nhận được thông tin về NĐT, do đi công tác chưa kịp post lên thì anh Đoàn đã post rồi. Các bạn nhớ đón ủng hộ và cộng tác với NĐT nhé. Có điều ở Tiền Giang chưa thấy bán. Hic... hic! Ở tỉnh lẻ thiệt thòi ghê vậy đó!
  10. Hic, diễn đàn hiện nay có rất nhiều thành viên mới đăng ký, nếu không chào tự động thì có lẽ thời gian chào đã chiếm hết thời gian online của TLV rồi và đương nhiên sẽ bỏ sót. Vì thế chào tự động là giải pháp không hay nhưng tối ưu. Mong các bạn thông cảm. Câu chào tự động còn được gửi tin nhắn đế hộp tin nhắn cá nhân. Nếu thành viên nào muốn chào hoặc bắt tay rủ đi nhậu thì TLV cũng sẵn sàng thôi. Người Việt mình vẫn xem lời chào cao hơn mâm cỗ mà. Một lời chào dĩ nhiên sẽ làm mọi người vui hơn. Chào cả nhà! Cả nhà vui vẻ nhé!
  11. Một tuần nay, TLV đi công tác miền Trung, không có thời gian lướt net nên hôm nay mới thấy chủ đề này. Không ngờ bà con bức xúc dữ quá. Tối nay TLV sẽ đọc lại toàn bộ các bài viết và sẽ có ý kiến trả lời sau...
  12. Trời ơi, lo xa quá! Vậy thì gửi EMS đi, 48 giờ (theo lời hứa của bác bưu điện) sẽ tới thôi. Gửi email coi vậy chứ cũng nhiều bất trắc. Ví dụ: Bị bỏ quên bởi người mở, bị del nhầm, bị lọc vô mục rác và người nhận không thấy, gửi lúc đường truyền có vấn đề nên 0 tới, v.v...
  13. Hiện nay Thơ Trẻ đã có rất nhiều mục nhưng đa số đều chưa có nhiều bài viết. Theo TLV thì không nên chia nhỏ thêm nữa sẽ rất loãng. Theo ý của TLV, thơ thiếu nhi nếu là của bạn sáng tác thì post vào mục: "Sáng tác của thành viên" còn nếu là bài sưu tầm thị tạm thời post vào "Những bài thơ đi cùng năm tháng" nhé! Nhân đây TLV cũng muốn hỏi ý kiến các bạn khác về vấn đề này...
  14. Trời ơi, TLV và KN biết nhau quá rồi thì còn chào hỏi gì cho nó trịnh trọng. Cái dzụ chào được thực hiện hoàn toàn tự động bởi hệ thống khi có thành viên mới đăng ký. Chức năng này mới thiết lập sau này, KN đăng ký trước đó nên không có trong danh sách. Thôi, nhân dịp này mình bắt tay cái nhé!
  15. Xem ra mocxuyen khá bức xúc nhỉ? Đọc mấy bài phỏng vấn đ/c Phạm Thanh Khương TLV thấy trả lời chẳng thỏa đáng gì hết. Đọc DSTN có chi tiết cô Hến là dì của cô gái buồn cười không chịu được. Chi tiết y hệt cải lương và tiểu thuyết thị trường. DSTN có hậu hơn CĐBT, đó phải chăng là cái dở của DSTN??? Mà chuyện văn chương mà kéo nhau ra xét cho minh bạch thì cũng khó và kỳ lắm. Nên chẳng chuyện hậu kỳ của vụ này chỉ để NNT và PTK tự phán xét mà thôi?
  16. Khi bạn gửi được bài này lên đồng nghĩa bạn đã biết cách post bài rồi đúng không? Trước lạ, sao quen. Bạn cứ mạnh dạn làm quen cùng mọi người thì sẽ không lạc lõng nữa đâu. À, nhớ post bằng tiếng Việt có dấu nhé!
  17. Cuốn này chắc không có bán tại Việt Nam. Anh Khế Iêm có lẽ là người đang giữ file của các bài thơ trong tuyển tập. Hiện anh là mod của box này, hy vọng anh sẽ post một số bài viết lên chia sẻ với những có điều kiện tìm mua sách nhé!
  18. Vâng, cứ lu bu nên chưa kịp soạn hướng dẫn chung cho từng box, chuyển tất cả bài của KN trong box đó đúng không?
  19. Gửi bao nhiêu cũng được, không có hạn chế số lượng.
  20. congiodem có phải "nà" người "Hà Lội" không nhỉ? TLV đã thiếp lập lại theo góp ý của congiodem, bận bịu quá riết rồi chẳng còn nghĩ ra được gì nữa. Còn mod thì hiện nay diễn đàn vẫn đang rất cần vì trong một ngày TLV không thể nào đọc hết các bài viết của các bạn gửi lên nữa rồi. Đúng là có hiện tượng các thành viên mới hay post lung tung và post bài không có dấu. Post sai còn chuyển được còn post không dấu thì TLV không có thời gian gõ lại, bỏ thì thương, vương thì tội. Hì...hì....
  21. Hiện nay mục giới thiệu sách được cập nhật... bằng tay nên có lẽ thực hiện 10 cuốn mới nhất hơi cực. TLV sẽ nghiên cứu để thực hiện đề nghị này vì như thế cũng hay. Đồng thời các quyển sách mới cũng sẽ được cập nhật ở trang chủ: thotre.com. Cảm ơn anh Đoàn nhé, người luôn có những ý kiến hay cho Thơ Trẻ.
  22. Ặc... ặc! Sắp tới diễn đàn nhà ta chắc sẽ có đông chị em ghé thăm hơn đây! Có ai muốn làm mai, cho tui xin trước cái đầu heo nhe!
  23. Ở thủ đô, một người cần khoảng 700.000 đồng/tháng để sống. Với mức nhuận bút thơ hiện nay, mỗi tháng nhà thơ phải cho xuất trình trên báo tròn đủ 10 bài thơ. Một tháng 10 bài thì một năm 12 tháng phải là 120 bài. Ở đời, có nhiều nghề thực sự cứu sống con người, như vịnh lặng bình yên giúp tàu có thể buông neo lúc đại dương bão tố. Nhưng thực tế cũng có những nghề mà bất đắc dĩ con người mới phải “bám” vào. Và một khi ai đó cố tìm cách “trụ” với nó đến cùng, thì rồi không biết nó sẽ nhấn chìm họ lúc nào! Nói về phương diện vật chất thì “nghề” thơ là một nghề như thế. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong một bài thơ, Xuân Diệu từng khái quát thân phận người nghệ sĩ: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Đây là hai câu thơ rất phổ biến trong giới sáng tác. Người ta hay nhắc tới nó khi bị cuộc sống thử thách trong nỗi lo vật chất thường ngày. Thực tế, có nhà thơ nào sống được bằng nhuận bút - bây giờ? Khó lắm! Và nếu có thì cũng ít lắm. Thông thường ở ngoài Bắc, một bài thơ người ta trả cho tác giả khoảng 50.000 đồng. Đặc biệt, có báo trả tới 200.000 đồng, bù cho có chỗ chỉ trả 25- 30.000. Bây giờ ta hãy cùng nhau làm một phép tính đơn giản nhất. Ở thủ đô này, một người cần bao nhiêu tiền để tạm coi là có thể sống được (ở mức thật tằn tiện). Khoảng 700.000 đồng một tháng? Vậy là mỗi tháng nhà thơ ấy phải cho xuất trình trên báo tròn đủ 10 bài thơ. Một tháng 10 bài thì một năm 12 tháng phải là 120 bài. Thử xem, cứ đều đều vậy, trong lịch sử văn học thế giới đã mấy ai có sức viết như thế chưa? Puskin- nhà thơ vĩ đại của nước Nga, sau hơn 20 năm làm thơ đã để lại một di sản gồm trên 800 bài (có nghĩa là mỗi năm bình quân ông viết được 40 bài), đã được xếp vào loại “thiên tài lao động” rồi. Vậy mà ở đây, mỗi năm phải đạt con số trên 100, hẳn thuộc vào loại nhà thơ có sức viết khủng khiếp. “Có sức viết khủng khiếp” để mà có cơ may sống được một cách hết sức bình thường (nếu không nói là căn cơ, hà tiện) thì quả là một điều xem ra hơi… khó hiểu. Vậy mà đấy là điều ta có thể lý giải được. Trước nhất phải khẳng định rằng nhuận bút thơ thấp như thế là bởi: 1- In thơ không kinh tế: Ai làm báo cũng đều có thể nhận thấy ngay: Với một số tờ báo không có chức năng văn nghệ, thì việc in thơ được xem như việc trong nhà bày đôi chậu cây cảnh cho vui mắt, chứ với tiết diện nhỏ như vậy, nhuận bút thơ dù có thấp đến mấy chăng nữa cũng vẫn còn là cao hơn các chuyên mục khác (nếu tính về tỉ lệ số chữ). Điều này dễ chứng minh: Những báo nhuận bút thơ cao thì thường in ít thơ hơn những báo trả nhuận bút thơ thấp, ví như các báo Nhân dân, Hà Nội mới mỗi số chỉ in vài ba bài. 2- Quan niệm về công sức lao động: Không phải đơn thuần mà các báo hầu như đều thống nhất trong việc trả nhuận bút thơ thấp hơn so với các bài bút ký, phóng sự hoặc bài báo nào đó dài dài, đơn giản vì đó là những bài có kích cỡ lớn hơn. Cũng có lãnh đạo báo cho như thế là cách tính thô thiển nên đã phóng tay nâng nhuận bút thơ lên một mức cao hơn hết thảy. Điều này thực tế không được hưởng ứng. Có người lý luận (ngẫm ra cũng phải): đã là thơ hay thì nhuận bút có trả cao đến bao nhiêu cũng không đủ. Thơ hay là vô giá. Nhưng nếu là thơ làng nhàng, vô thưởng vô phạt thì có ích lợi gì? (trong khi các bài báo dù ít dù nhiều đều có tác dụng vì nó nêu được vấn đề). Vậy hà cớ gì phải cho nhuận bút thơ cao lên? Rõ ràng, các nhà báo đã có cái nhìn rành mạch đến độ có thể “cân, đong, đo, đếm” được. Điều này hợp lẽ, họ phải tìm một cái thang chung cho hết thảy mọi người để thực hiện lẽ công bằng. Những trường hợp cá biệt đành phải lãnh theo “mẫu số chung” vậy. Liệu có giải pháp nào để nhuận bút thơ cao lên, đời sống người sáng tác thơ được đảm bảo? Đây quả là một vấn đề nan giải. Không phải chỉ đơn thuần nâng thật cao nhuận bút thơ lên là được, vì nếu nhuận bút thơ mà quá cao so với mức thu nhập bình thường của người dân thì coi chừng, tiêu cực rất dễ xảy ra. Các nhà thơ phải hết sức tỉnh táo để nhận ra điều này. Rõ ràng, khi thơ ca đã trở thành phương tiện để kiếm tiền thì tiêu cực xảy ra là điều bình thường. Vậy chỉ còn một cách hết sức “cổ điển” là các nhà thơ ngày nay hãy noi gương các nhà thơ tiền bối: Làm thêm một việc gì đó, coi như lấy ngắn nuôi dài, cốt là đừng để cái nọ chi phối nhiều đến cái kia. Ấy là chưa kể nếu cần, có thể tay trái viết báo, tay phải làm thơ. Cuộc sống sôi động cũng đang đòi hỏi những nhà thơ đóng góp những trang báo giàu nhiệt huyết của mình. Theo CAND
  24. Tác dụng thanh lọc (catharsis) của văn học - nghệ thuật đến từ sự phát hiện và tôn vinh cái Đẹp của cuộc đời, gắn với một giá trị nhân văn, vì hạnh phúc của con người; vì sự giải phóng và phát triển con người. Trong cuộc tìm kiếm ấy, nhà văn như một kẻ tử vì đạo, dũng cảm trong chống trả, đối phó với mọi uy hiếp, đe dọa đến từ các hệ quyền lực và cả với sự không an toàn của xã hội. Lao động của nhà văn tựa như một sự tự vắt kiệt mình đi trong một khao khát kiếm tìm chân lý; hướng tới lẽ phải và giảm nhẹ những khổ đau cho con người. Những tấm gương như vậy không phải là dễ tìm trong tất cả mọi người có nghề viết văn; và tài năng văn chương trong sự quên mình như thế, cũng như bất cứ tài năng nào khác, đều là hiếm, khiến cho sự sàng lọc của thời gian có lúc gần như làm rơi rụng hết tất cả, để chỉ còn mỗi thế kỷ le loi một vài, hoặc dăm bảy tên tuổi. Những đỉnh cao văn học, những tên tuổi lớn gắn bó và làm nên vinh quang cho mỗi nền văn hóa dân tộc - đó chính là mục tiêu, và là mơ ước của bất cứ nền văn học nào. Nhưng logic thuận của sự xuất hiện là thế nào thì vẫn cứ còn là một lối ngỏ cho những ngẫu nhiên; và tài năng cùng đỉnh cao thường lại xuất hiện một cách đột ngột như không có gì báo trước. Mặt khác, nói đỉnh cao văn học là nói đến những hiệu quả tinh thần không dễ đo đếm; và thường thì không dễ dàng được chấp nhận trong sự tiếp nhận của công chúng một thời. Có khi nó còn bị phê phán, bị lên án gay gắt do lợi ích của các tập đoàn người, do áp lực của các hệ quyền lực đã cũ, mà không tự chịu nhận là cũ. Văn chương chân chính hướng về tình yêu, lòng nhân ái, cái thiện; nhưng cũng chính vì mục tiêu đó mà có lúc, có bộ phận, nó hoàn toàn dành chỗ cho sự miêu tả cái ác, nó nhằm vào sự phê phán và cảnh tỉnh con người trước cái ác. Vị đắng và sự chua chát của nó thường khi lại gây nên sự khó chịu và là một cú sốc mạnh cho sự tiếp nhận của người đọc đương thời. Và gây nên trong công luận những ý kiến khác nhau. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phải chịu bao trầm luân trong dư luận. Và Vũ Trọng Phụng, “ông vua phóng sự đất Bắc”, cha đẻ của những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Nghị Hách…, bất hủ có dễ phải sau hơn nửa thể kỷ chìm nổi mới nhận lại được giá trị của mình. Cuối cùng dẫu các giá trị của văn học đã được công nhận và đang tồn tại dưới bất cứ dạng thái nào, vẫn không thôi ẩn hiện một câu hỏi: Văn học đã và sẽ là gì đối với xã hội? Từng có lúc nó được giao rất nhiều trọng trách. Từng có lúc, qua một số tên tuổi nào đấy, nó được hưởng rất nhiều vinh quang… Victor Hugo - cây đại thụ tỏa bóng rợp thế kỷ 19 ở châu Âu từng được xem là người “gây nên bão tố từ đáy lọ mực”, người không sợ sự đày ải của Napoleon và tuyên bố chỉ trở về Paris khi đất nước có tự do - vào tuổi 80 được sống ngay trên đại lộ mang tên mình ở Paris. Qua cửa sổ ngôi nhà riêng, ông chứng kiến sáu mươi vạn người diễu qua chúc mừng sinh nhật mình; ngày ông mất được tổ chức quốc tang với hai triệu người tham dự; thi hài được đưa vào điện Pantheon, trong khi lúc sinh thời ông chỉ mơ ước được chôn trong quan tài của kẻ khó… Hugo là thế, nhưng còn Honore de Balzac, ông tổ của chủ nghĩa hiện thực, người đồng thời với Hugo lại suốt đời mang nợ… Balzac không nhận mình là “kẻ nghèo” nà chỉ là “người giàu túng bấn”; nhưng xem ra không thành đạt ở bất cứ nghề gì, trừ nghề văn. Ở tuổi thọ 51, trong chưa đầy 20 năm, Balzac viết 91 tác phẩm, với 2.209 nhân vật, trung bình mỗi năm viết 2.000 trang. Ông từng mơ ước có được hai bộ óc và cả hai bàn tay cùng cầm bút để làm việc; và có khả năng làm việc 20 giờ trong mỗi ngày nhưng Balzac không vào được viện hàn lâm, không qua được các khoản nợ… Hugo là thế, nhưng còn Fedor Dostoievsky, người của thế kỷ 19, nhưng vẫn tiếp tục tỏa bóng sang thế kỷ 20 - Dostoievssky đã trải qua những phút giây bị đưa ra hành quyết và sống nhiều năm ở nhà tù khổ sai… Văn học với sức mạnh của nó qua các tên tuổi lớn là như thế. Nhưng không phải không có những lúc nhìn vào sự tồn tại của văn học, nhìn vào tình cảnh và số phận của không ít nhà văn, ta lại đâm ra hồ nghi? Giữa bao sức mạnh của quân sự, của chính trị, của kinh tế, của luật pháp, của các hệ quyền lực, thì sức mạnh của văn chương nghệ thuật quả là mong manh. Nhà văn không có bất cứ thứ vũ khí gì ngoài trang chữ. Nhà văn chỉ có tiếng nói trên trang chữ là nơi thể hiện quyền lực vô hình của mình. Trang chữ - ngày xưa, ở Việt Nam ta, các nhà nho tự ghi trên giấy bản, và nếu được khắc bản thì số lượt đến với người đọc cũng không có bao nhiêu; nhưng với các giá trị đích thực thì luôn luôn nó có cách khẳng định sự tồn tại cùng lịch sử. Trang chữ ngày nay bằng con chữ in, và sau năm trăm năm kỷ nguyên in, bây giờ nó đang được đưa vào các đĩa mềm và phóng lên mạng, văn học trong thế tiềm năng là càng có khả năng được đọc nhiều hơn và lưu giữ bền hơn. Đời người viết văn là ngắn ngủi, số phận nhà văn có lúc là mong manh; nhưng lấy gì đo được giá trị của trang chữ với xã hội nhân vật và thế giới tinh thần do nhà văn tạo ra? Văn học “chắc chắn không phải để làm lại thế giới” - nói như Camilo Jose Cela - nhà văn giải Nobel 1989 của Tây Ban Nha. Nhưng “đối với một dân tộc, văn học là tất cả, nó đảm bảo cho dân tộc trường tồn chắc chắn hơn cả kiến trúc. Lời chữ bền vững hơn đá”. Bia đá không phải là không bền. Văn học cổ điển của chúng ta từ trước thế kỷ 15, sau cuộc tàn sát văn hóa của giặc Minh, may mà còn lưu giữ được một phần trên các bia đá. Nhưng bia miệng quả còn bền hơn. Như phương ngôn, tục ngữ đã nói. 2. Trong sự quan tâm đưa văn hóa, văn học - nghệ thuật vào sự phát triển xã hội hôm nay, lẽ cố nhiên văn học không thể đứng ra ngoài một cách thờ ơ, mà cũng trở thành một nhân tố, một động lực tinh thần như chúng ta mong muốn. Nhưng tổng kiểm điểm lại lịch sử thì, với văn học, hiệu quả đó không phải dễ nhận dạng và đo đếm được. Trong quan hệ với đời sống chính trị, rõ ràng văn học không dễ và không thể xa lánh, nhưng cũng có lúc, có bộ phận như là xa lạ, vì cái mà văn học nghệ thuật kiếm tìm là nhằm vào những đòi hỏi của tâm thế của tinh thần rộng hơn đời sống chính trị, vượt ra ngoài các khuôn khổ của chính trị. Cũng vì lẽ đó nên những giá trị lớn của văn học là đi suốt nhiều niên đại, nhiều hình thái kinh tế xã hội, là vượt qua nhiều thể chế chính trị. Những giá trị văn học lớn không chỉ làm vẻ vang cho dân tộc mà còn là tài sản chung của nhân loại. Tất cả những tên tuổi lớn trong văn học khắp các khu vực, các dân tộc đều trổ được đường vào nhân loại, qua đó mà nâng cao vinh dự của dân tộc mình và khẳng định các giá trị phổ quát và vững bền chung cho con người, cho loài người. Như vậy trong sự mở rộng cách hiểu về đóng góp của văn học và về vai trò văn học như một động lực tinh thần của xã hội thì câu trả lời luôn luôn vẫn là: cần một nền văn học với những tác giả lớn, tác phẩm lớn. Câu hỏi đó trong nhiều chục năm qua chúng ta luôn đặt ra, tưởng đã có cách trả lời, có lúc tưởng đã ở trong tầm tay. Chẳng hạn ở thời điểm năm 1983, với Đại hội Hội nhà văn lần thứ ba, đã có không ít tác phẩm được dẫn ra thường xuyên, như chính là một thứ quả chín, hoặc là quả chín đầu mùa, hứa hẹn rất nhiều ngọt lành nhưng rồi cùng với thời gian và trong sự thẩm định của lịch sử lại thấy gần như quá nhiều sự rơi rụng. Một thế kỷ đã qua, hành trình văn học hết lớp này qua lớp khác, và càng về sau càng tấp nập; nhưng những tên tuổi xứng đang là niềm tự hào chung của dân tộc tựa như Nguyễn Trãi thế kỷ 15, Nguyễn Du thế kỷ 19… sẽ còn lại là những ai? Nói Nguyễn Trãi (1380-1442) là nói người không chỉ viết Bình Ngô đại cáo mà còn là tác giả của 254 bài thơ Nôm trong Quốc âm thi tập. Và với Quốc âm thi tập, ông đã đến được một tầm cao bất ngờ nơi thượng nguồn nền văn học Nôm dân tộc, vừa mới xuất hiện đã chủ động dấn vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành quyền tồn tại với chữ Hán, rồi không thua văn học viết bằng chữ Hán. Phải có ông, phải từ ông, để hơn 300 năm sau, xuất hiện Nguyễn Du (1765-1820) - người đứng ở đỉnh cao chót vót những tiềm năng và vẻ đẹp của ngôn ngữ và tiếng nói dân tộc, chưa có ai, cho đến nay, sau ngót 300 năm vượt nổi. Tôi nói điều này không phải để coi thường, xem nhẹ những thành tựu văn học đã thu được của hơn ba hoặc bốn thế hệ người viết trong thế kỷ 20. Một thế hệ trước 1945 đã thực hiện được cuộc chuyển đổi mô hình và làm mói tư duy nghệ thuật, để làm nên diện mạo hiện đại cho văn học dân tộc, ngay trong xã hội thuộc địa. Hai thế hệ tiếp nối sau 1945 cho đến cuối 80 đã góp sức cùng nhau trong một đồng tâm nhất trí gần như tuyệt đối, để làm nên bản hùng ca của hơn 30 năm đất nước ra trận; và ngay khi dứt tiếng súng, đã tiếp tục là người tiền trạm, người chuẩn bị cho một cuộc đổi mới , mà quy mô cũng không khác với Cách mạng tháng Tám 1945. Rõ ràng, ở cả ba giai đoạn, sức mạnh của một đội ngũ là điều dễ thấy, nhưng sự vượt trội để có các đỉnh cao, với tầm vóc lực lưỡng ở mỗi cá nhân, là chuyện còn phải bàn. Điều đáng quan tâm là ở thế hệ mới, thế hệ thứ tư, gắn liền với giai đoạn từ đầu 90 đến nay, sản phẩm của chính thời kỳ đổi mới, là gồm những tên tuổi nào, câu trả lời thật không dễ. Một thế hệ trẻ - ở tuổi 20 hoặc 30, cho cả sáng tác và lý luận - phê bình gần như quá thưa vắng. Văn học hôm nay, đang đứng trước một tình thế thuận lợi cho sự phát triển - có dễ là hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây. 20 năm trước, nếu nhu cầu “cởi trói” đặt ra là đúng thì sự tháo cởi cho đến nay quả là điều không còn nghi ngờ. Ai có khả năng và ham muốn viết đều có thể viết hết mình. Và viết bằng chính suy nghĩ và cảm xúc của mình chứ không phải bằng những vay mượn, hoặc để đáp ứng những đặt hàng ép uổng hoặc tự nguyện; nói cách khác, cái được gọi là cá tính sáng tạo hoặc chủ thể sáng tạo đã được chú ý, nếu không nói là được coi trọng. Và giao lưu thì đang mở ra với rất nhiều cái mới và lạ của thế giới bên ngoài. Cái mới rất cần được đón nhận, còn cái lạ thì phải xem xét, tìm hiểu. Và giữa mới và lạ, đôi khi cũng không dễ phân biệt. Tóm lại, 20 năm đất nước đổi mới cũng đã đủ là một hoàn cảnh khách quan nếu không nói là thật thuận thì cũng không thể nói là trái là nghịch cho sự sáng tạo ở mọi lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Vấn đề còn lại là ở cái phía chủ quan, ở sự chuẩn bị của chính ngay nhà văn, ở mọi thứ vốn nhà văn cần có để trở thành người viết có nghề trước khi trở thành tài năng, thành thiên tài; một thứ nghề không chỉ trông dựa vào bản năng, vào cái vốn trời cho hoặc được hiểu là quá dễ. Cái công việc kiểm điểm này trước đây gần như lúc nào ta cũng làm - trong các văn kiện, nghị quyết nhân các kỳ họp; trong các bài nói bài viết của giới lãnh đạo và quản lý nghề nghiệp, nhưng xem ra, một là chưa thật trúng, hay là tất cả hiển nhiên đều đúng nhưng chưa đủ. Có một bí ẩn gì đó của sáng tạo còn chưa được nhìn ra, hoặc đã được nhìn một cách đơn giản, dễ dàng tưởng như ai cũng có thế với tới - trong cả một phong trào sáng tác ngày mở rộng, ai ai cũng có thể viết văn, làm thơ như hôm nay. Một bí ẩn của sáng tạo còn tiềm tàng đâu đó, và vấn đề đặt ra cho chúng ta, nói như Mark, không phải là tạo ra thật nhiều Raphael, mà là tạo ra hoàn cảnh để những ai có Raphael trong mình đều có thể tự nhiên nảy nở… Vậy là, sau khi nhấn mạnh đến sự chuẩn bị chủ quan không chút dễ dàng ở chính nhà văn, mà sự chọn lọc của thời gian là cực kỳ khắc nghiệt, lại cần thiết trở về với sự quan tâm đến các hoàn cảnh, các môi trường gieo trồng nhằm tạo nên một khí hậu tự nhiên cho sự thanh lọc dần những cái vô bổ, cái tầm tầm, cái nhảm và cả cái xấu, cái độc hại vốn không lúc nào hết đất sống, và cũng đừng mong là hết dễ dàng trong bất cứ thể chế nào của sự phát triển xã hội, để đưa dần văn học lên một giá trị chuyên nghiệp cao, trong tương ứng với một nền kinh tế trí thức và văn minh trí tuệ. Văn học - như một giá trị tinh thần và thẩm mỹ chỉ có được kích thích và tìm được nguồn lực thúc đẩy bên trong bởi các giá trị cao. Chỉ những giá trị cao trong văn chương, chỉ có nó, chứ không phải là bất cứ cái gì khác, mới tạo được sự kích thích ấy, mới chứa đựng được nguồn lực ấy. Cũng chỉ thông qua những giá trị cao mà văn học mới thực sự trở thành một sức mạnh tinh thần vững bền trong đời sống con người. Nguồn: Văn Nghệ số ra ngày 1/7/2006

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...