Jump to content

duonghoanghuu

Thành viên
  • Số bài viết

    328
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    8

Bài viết được đăng bởi duonghoanghuu


  1. Kết quả thi sáng tác thơ Haiku tiếng việt tại sự kiện Giao lưu văn hoá Hội An-Nhật Bản lần thứ XI

     

     Tại đêm bế mạc “Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản lần thứ 11”, 25/8, TP Hội An đã trao giải thưởng cho 18 bài thơ haiku bằng tiếng Việt xuất sắc nhất.

    thu-phap.JPG

    Các tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi lần này được trưng bày ngay trên phố cổ

    Cuộc thi sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt được thành phố Hội An phát động vào cuối tháng 7/2013 và kết thúc nhận bài ngày 15/8/2013. Chủ đề chung của cuộc thi là chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản lần thứ 11”. Trong đó tập trung thể hiện sự cảm nhận về đất nước và con người Nhật Bản, Hội An; truyền thống giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản.

    Thơ haiku có lịch sử hơn 400 năm, là lối thơ không đặt đề; là thể thơ ngắn của Nhật Bản gồm 17 âm tiết 5-7-5, ngắt nhịp thành 3 câu. Thơ haiku ghi lại sự vật, sự việc một cách hiện thực, đơn giản nhưng truyền tải một cách sâu sắc cho người đọc. Thơ haiku nói về một khoảnh khắc cảm nghiệm của người viết trước thế giới cuộc sống. Cảm nghiệm từ khoảnh khắc ấy hình thành từ sự hòa quyện của 3 thứ  mà K.Yasuda gọi là 3 yếu tố tương đương với 3 câu hỏi: nơi nào? chuyện gì? khi nào?.

     
     56 tác giả với 433 bài thơ Haiku tiếng Việt tham gia hội thi sáng tác Thơ Haiku tiếng Việt tại sự kiện “Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ XI-2013. Sau khi chấm chọn qua 02 vòng sơ khảo và chung khảo , BTC thống nhất với kết quả như sau:
     
     
    Giải Nhất:

    01/ Bài thơ:         Phố xưa
                                 Lanh canh guốc mộc
                                 Tan vào cơn mưa
    Tác giả: Đỗ Thượng Thế - Trường Phạm Như Xương, Điện Ngọc, Điện Bàn,Quảng Nam.

    Giải Nhì:

    01/ Bài thơ:        Sông Hoài
                                Dùng dằng
                               Thơ ai sóng vỗ
    Tác giả: Phan Văn Tám- 196 Tôn Đức Thắng - Tân Lập – Tân An – Hội An.
     
    02/ Bài thơ:       Con thuyền trên sông                                                                 
                               Chòng chềnh ngọn sóng                                                               
                               Mái chèo bỏ quên                                                                         
    Tác giả: Đỗ Văn Nhàn (Minh Nhàn) - 101 Nguyễn thị Minh Khai– Hội An.
     
    Giải Ba:

    01/ Bài thơ:    Thấp thoáng Kimono                                                     
                             Trên con đường phố cổ                                                            
                             Gợi nhớ hoa anh đào  
    Tác giả: Lê thị Kim Hoa  (Kim Hoa) - 101 Nguyễn thị Minh Khai – Hội An.              
     
    02/ Bài thơ:    Phố cổ                                                                  
                             Đèn lồng soi bóng          
                             Chờ ai.        
    Tác giả: Lê thị Tân (Lê Trầm Thanh)- Xã Tam Anh Nam – Núi Thành, Quảng Nam

    03/ Bài thơ:    Hoa tay
                             Kim Bồng
                             Phố cổ bay lên
    Tác giả: Phan Văn Tám- 196 Tôn Đức Thắng - Tân Lập – Tân An – Hội An.
     
     04/ Bài thơ:   Đứa bé
                             Phóng sanh bầy sẻ
                             Sáng chân trời                        
    Tác giả: Đỗ Thượng Thế - Trường Phạm Như Xương-Điện Ngọc-Điện Bàn-Quảng Nam.

    05/ Bài thơ:     Cánh đồng vàng
                              Bông lúa cong mình
                              Tôi nhìn thấy mẹ
     
    Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Hòa - Hội An
     
    Giải Khuyến khích:

    01/ Bài thơ:     Mái chùa Cầu mến thương                                                     
                              Ngàn năm soi bóng dòng Hoài phố                                    
                              Tưởng nhớ người viễn phương...                                                         
    Tác giả: Nguyễn Văn Lớn (Kiều Lam) - 55 Sinh Trung-Nha Trang.
     
    02/ Bài thơ: .  Mái Chùa Cầu                                                     
                             Rêu xanh                                                                     
                             Hồn phố cổ    
    Tác giả: Nguyễn Nguyên Khương - Cẩm Phô-Hội An
     
    03/ Bài thơ:   Trăng Thu
                            Rơi
                            Mái chùa Cầu
    Tác giả: Nguyễn Nguyên Khương - Cẩm Phô-Hội An
     
    04/ Bài thơ:  Hồ sen                                                         
                           Yếm thắm                                                                    
                          Ngực hương.                                                                
    Tác giả: Phan Vũ Khánh - Số nhà 30 ngõ 123A phố Thụy Khuê Hà Nội.
     
    05/ Bài thơ:  Thời gian nghiêng bóng
                           Xanh giấc mơ đời
                           Chiều rơi
    Tác giả: Lương Thị Đậm - 2A/7 Hùng Vương – Tp Nha Trang
                                         
    06/ Bài thơ:   Đàn cò trắng
                           Bay về phương nam
                           Chiều nắng
    Tác giả: Lê Thị Kim Chi (Phong Chi)- 99/5 ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
     
    07/ Bài thơ:  Lai Viễn Kiều                                                                    
                          Thức giấc                                                                       
                          Đôi mắt cửa nhìn nhau                                                   
    Tác giả: Tăng Xuyên - 51/9 Phan Châu Trinh – Thành phố Hội An                             

    08/ Bài thơ:   Cái bắt tay thật chặt
                           Gửi tình phố cổ
                           Nụ cười hoa anh đào.
    Tác giả: Tạ Lê Phương - 38 Đường 46, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP.HCM
     
    09/ Bài thơ:  Tà áo dài tha thướt
                          Ki-mo-no đằm thắm 
                          Trao niềm tin!
    Tác giả: Tạ Lê Phương - 38 Đường 46, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP.HCM
     
    10/ Bài thơ:  Biển biến hình
                          Lặng im không nước mắt
                          Thế giới nghiêng mình
    Tác giả: Nguyễn Tiến Long-64/81C ; KP: 3 ; F. Tam Hòa ; Biên Hòa ; Đồng Nai

     


  2. Quy tắc sử dụng chữ I và Y

                                       Tháng 8 rồi, đi tập huấn chuyên môn, nhiều đồng nghiệp "hỏi thăm" ĐHT về cách viết chữ I và Y . Đại loại : dùng "i" và "y" trong trường hợp nào? "kỹ thuật" hay "kĩ thuật", công ty hay công ti, ký tên hay kí tên,....? Có quy tắc nào để sử dụng đúng không? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn quy tắc sử dụng I và Y.
    5ea8b05d-2701-4ddd-abe0-52854d7fe6e56348

     

    Kiểu mới

    Trừ tên riêng, đề xuất tương đối hợp lí cách dùng hai chữ i-ngắn và y-dài hiện nay như sau:

    • Đối với các âm tiết có phụ âm đầu /ʔ/, âm đệm /zero/, âm chính /i/ và âm cuối /zero/, thì có hai cách viết:

    - Dùng "i" trong các trường hợp từ thuần Việt, cụ thể là: i - i tờ; ì - ì, ì ạch, ì à ì ạch, ì ầm, ì oạp; ỉ - lợn ỉ, ỉ eo, ỉ ôi; í - í a í ới, í oắng, í ới; ị - ị, béo ị

     - Dùng "y" trong các trường hợp còn lại (thường là từ Hán-Việt), ví dụ: y - y tế, y phục; ỷ - ỷ lại; ý - ý nghĩa, ý kiến...

     

     

    • Đối với các âm tiết có âm đệm /zero/ và âm chính /ie/ thì dùng "i". Ví dụ: chịa, đĩa, tía... kiến, miền, thiến... Trừ trường hợp có âm đầu /ʔ/ và âm cuối không zero thì dùng "y": yếm, yến, yêng, yêu...
    • Đối với các âm tiết có âm đệm /w/, âm chính là /i/ hoặc /ie/ thì dùng "y". Ví dụ: huy, quý, quýt... khuya, tuya, xuya... quyến, chuyền, tuyết, thuyết...
    • Việc biểu diễn nguyên âm /i/ trong các trường hợp còn lại (âm đệm zero) thì dùng "i". Ví dụ: inh, ích, ít... bi, chi, hi, kì, khi, lí, mì, phi, ti, si, vi... bình, chính, hít, kim, lịm, mỉm, nín, phình, tính, sinh, vinh...
    • Việc biểu diễn âm cuối /-j/ không có gì thay đổi, vẫn dùng "y" trong các trường hợp có nguyên âm chính ngắn: (bàn) tay, (thợ) may, tây, sấy... và dùng "i" trong các trường hợp còn lại: (lỗ) tai, (ngày) mai, cơi, coi, côi...

    - Dùng "i" trong trường hợp các tiếng có phụ âm đầu + vần "i" ( ví dụ: lí, mĩ, kĩ, thi, sĩ...) đều thống nhất viết bằng "i" (i ngắn). Ví dụ: lí luận, lí tưởng, thi sĩ, nước Mĩ, Hoa Kì, bánh mì, vua Lí Thái Tông, Lí Bí, kỉ niệm, v.v... (mà không viết "y" (y dài) như trước đây. Đây là quy định của Bộ Giáo duc Việt Nam từ năm 1963 . Hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục vẫn thực hiện nghiêm chỉnh quy định này trong việc in Sách giáo khoa các loại.

     

    Kiểu cũ

    Cách dùng "i" hoặc "y" kiểu cũ thì thường căn cứ vào Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh (1931). Theo đó thì "y" được dùng thay "i" với những từ gốc Hán Việt nếu đứng sau các phụ âm h, k, l, m, t, và q (qu). Vì vậy nên có "ngựa hí", "tì tay" (gốc Nôm) nhưng "song hỷ", "tỵ nạn" (gốc Hán Việt). Những phụ âm khác thì vẫn dùng "i" như "tăng ni" chứ không có ny. Người Việt ở hải ngoại dạy tiếng Việt cho trẻ em dùng mẹo để nhớ sáu phụ âm trên bằng câu "học mau lên kẻo ta quên".

                                                                                             Theo wikipedia.org

     


  3. YẾU KÉM DỄ THẤY KHÓ CÃI CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM

    Nguyễn Hoàng Đức

     

    Trong kinh tế chúng ta không minh bạch thì có vô số những kẻ hãm tài nhưng tham nhũng giầu sụ, giầu đến mức có thể đánh một ván cờ vài tỉ đồng, mà đấy mới chỉ là cán bộ cấp tỉnh, cấp cao hơn thì không biết cỡ nào?!

    Trong học tập nếu không minh bạch có vô số kẻ dốt nát nhưng quay cóp xin điểm vẫn đỗ xuất sắc.

    Trong văn học có vô số những kẻ không muốn minh bạch để à uôm ra vẻ văn học là miền đất thánh không phải ai cũng xía vô được, rồi họ còn tự bảo kê mình với luận điệu phải có thiên bẩm mới viết được văn thơ, nhưng mà với cái “thiên bẩm” giả vờ tưởng tượng đó họ lại co cụm cấu kết bè cánh nấp sau các ban biên tập và giám khảo thoải mái tung tác duyệt bài, trao giải thưởng cho nhau, toàn quyền văn học bụng: cho người này là biết viết văn, người kia không có văn. Để tránh tình trạng này kéo dài mãi mãi, kéo cho đến khi tất cả “văn học bụng” kia kiếm xong danh vọng và hạ cánh an toàn, tôi xin nêu rõ vài điểm chính yếu kém của văn học Việt Nam.

    Theo đánh giá chung, thì người Việt mới chỉ có thể tạng văn học vui đùa giải trí, thơ mẩu, thơ vụn là chính, chứ chưa yêu văn thơ theo kiểu đó là những văn bản dẫn dắt, định hướng hay thiết lập lối sống cho cuộc đời. Ở phương Tây, có rất nhiều tác phẩm, nhân vật đã trở thành hình mẫu “phát sốt” cho một lối sống mở rộng như phong trào hay xu thế thời đại. Ở ta thì chỉ có mấy câu đối, vài vần thơ bẻm mép ở trên môi.

    Cuộc đời cũng như thế giới không thể có nếu không có CON NGƯỜI.

    Văn chương không thể có nếu không có NHÂN VẬT.

    Cái yếu kém đầu tiên của văn học Việt Nam, chưa nói cái gì sâu xa hay cao siêu, mà cái dễ thấy nhất, đó là: Tình tiết yếu.

    Tôi xin lý giải từ thấp đến cao. Mới đây khi ngồi bàn luận với một anh bạn khá trẻ thế hệ 8x, có tên là Quách Đình Đạt, anh bạn này trông sáng sủa thông minh, đã từng du học ở Pháp nhiều năm, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức như thế cũng chưa có gì ghê lắm, nhưng cái chính anh bạn trẻ này rất hồn nhiên và thẳng tưng, không có kiểu nói ấp úng nước đôi. Anh ta bảo: “Văn học trước hết muốn hấp dẫn thì tình tiết phải hay hoặc đặc biệt, nghĩa là nó như một bản lề hay cuộc bùng nổ nào đó, dẫn bạn đọc vào một thế giới khác. Một anh chàng gặp một cô nàng, họ hẹn nhau đi uống cà phê, điều ấy chẳng có gì đặc biệt. Nhưng một anh chàng sau khi nghe tin người yêu mắc bệnh ung thư, vẫn quyết định cầu hôn nàng. Đó là một tình tiết khác hẳn”. 

    Tại sao văn học Việt Nam vắng bóng những cuộc đấu súng, đấu gươm? Vì đó là những cuộc đấu vì danh dự. Người Việt cũng như người Trung Quốc chưa có lối sống trọng danh dự, thậm chí người ta còn thích thú bài học của Hàn Tín lòn chôn thằng hàng thịt để bảo toàn thân thể. Trong một bộ phim của Hồng Kông có cảnh một nữ tu nắm chặt lấy thánh giá rồi quyết định làm chứng dối để cứu vớt một cô gái điếm nghèo nàn trước những kẻ giầu có uy quyền gian ác. Một cảnh như vậy trong văn học Việt Nam  cũng khó mà có nổi. Tại sao? Vì người Việt đâu có giầu đức tin sám hối trước Đấng toàn năng để có thể giằng xé lương tâm thực hiện một quyết định “sáng tạo” như vậy.

    Điện ảnh, theo từ của Bách khoa thư là “kịch màn ảnh” hiện nay đang là môn nghệ thuật hùng hậu hấp dẫn và uy quyền bậc nhất. Căn cứ vào chữ “kịch” của nó, điện ảnh là thứ bản mềm của văn học. Kịch đó đòi hỏi phải có nhân vật. Nhân vật muốn hấp dẫn thì phải có những tình tiết đáng giá. Đó là cái văn học Việt Nam cực kỳ yếu ớt. Yếu ớt từ già đến trẻ. Cụ thể, những ông vua bà chúa của truyện ngắn từ đó leo lên tiểu thuyết mi ni ba xu đã thất bại cháy vốn nặng nề vì không có được tình tiết. Truyện của lớp trẻ ngày nay như trò lắp ráp vội vàng trên điện thoại di động hay laptop, nhân vật nhạt nhẽo, tình tiết hiếm khi đi ra khỏi bản thân để trở thành “văn học được khách thể hóa”.

    Về mặt học thuật. Có hai đẳng cấp viết văn:

    1-     Kể chuyện: Theo Bách khoa, được dùng tên có gốc Latin là “Recite”, có nghĩa, kể lại, tường trình. Chuyện kể, cổ nhất là ngụ ngôn của các dân tộc, luôn có ông thánh bà tiên, các con vật biểu tượng cao với những tình tiết đắt giá. Con sói xin thò một chân vào chuồng của con thỏ là một tình tiết hay.

    Văn học Việt Nam có bao nhiêu tình tiết hay đây? Hay nó hiếm đến mức hàng nghìn các nhà thơ viết trường ca không có nổi nhân vật? Dăm mười năm hiếm hoi mới sinh ra nhân vật thì người này dại đến già, chẳng biết làm gì vẫn còn ngồi gãi háng? Đó có phải thất bại gần như tuyệt đối của nền thơ Việt? Thất bại đến mức, gần đây, theo các nhà thơ phản ánh, hầu hết các nhà thơ đều muốn tự gọi mình thành nhà văn. Nhà văn là ai? Mới đây CLB sáng tác thơ chui xuyên Việt đã trao giấy chứng nhận nhà thơ cho bất kỳ ai nộp 150 nghìn đồng cộng với 2 bài thơ đi chép cũng được. Sau khi có giấy chứng nhận là nhà thơ rồi, số này tất nhiên lại tự xưng mình là nhà văn. Trời ơi, thật là một cú bắc cầu ngoạn mục, lấp liếm ăn gian. Ở đời, cái bếp khác cái nhà. Cái bếp to mấy cũng không được gọi là nhà vì chức năng nấu ăn của bếp. Cái nhà bé mấy dù bị ám khói do đun nấu cũng không phải là cái bếp vì chức năng sinh hoạt của nó. Nhà văn khác nhà thơ nhiều lắm. Nhà văn là lao động nghệ thuật, hì hục viết. Nhà thơ ở Việt Nam chủ yếu mới chỉ có sinh hoạt vui thú trà dư tửu hậu vần vèo. Tư duy hai bên khác hẳn nhau. Một đằng tiệp cận trà sát thẳng thừng với cuộc đời. Một đằng chỉ thích ẵm nựng với mấy câu khen bùi tai giành cho vài câu lèo tèo cảm xúc ngọt như đường.

    2-     Sáng tạo, hay Kiến tạo: Theo Bách khoa nó có tên gốc Latin là “Compose”. Trong từ sáng tạo này nó mang ý nghĩa của từ Kiến trúc hay Thiết kế. Nó bao gồm chữ Pose: tức là đặt để, từ này biết thành danh từ vị trí như Position. Nó được ghép với chữ “Com” – có nghĩa là Cùng nhau. Vậy hiểu theo nghĩa đen: Sáng tạo là lắp đặt mọi vật thành một tổ hợp lớn. Mọi vật lớn ở đời như lâu đài, máy bay, hay tác phẩm đều là sự lắp đặt từ nhiều bộ phận riêng lẻ. Có một câu nói của triết gia Hegel: Tất cả mọi vì kèo phải ăn khớp với cột. Đấy muốn lắp đặt một tòa nhà, người ta phải lắp đặt mọi vì kèo theo hướng vuông góc với cột.

    Một tác phẩm sáng tác văn học đúng nghĩa luôn phải bao gồm các nhân vật rồi các tình tiết, chúng phải được lắp đặt hoàn hảo với nhau. Chính vậy tác giả mới mang vai trò của một kiến trúc sư. Giới văn học Anh mới đây phát hiện văn hào vĩ đại bậc nhất thế giới Shakespeare chủ yếu viết lại những vở kịch của người khác. Vậy thì cái vĩ đại của ông nằm ở tổ hợp kiến trúc nhiều hơn là sáng kiến. Tại sao với hầu hết các nhà văn Việt Nam, cốt truyện rồi nhân vật, rồi tình tiết lại trở thành một thách thức không thể vượt qua? Chúng ta hãy nhớ, hầu hết các truyện thơ dài có nhân vật như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, hay Tống Trân – Cúc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ của thơ hay sân khấu kịch hát Việt Nam là phải lấy của Tầu. Có phải đơn giản chỉ vì: các tác giả Việt yếu ớt về lý trí từ đó không thể lắp đặt và kiến trúc thành tác phẩm lớn được. Than ôi, có bao giờ rèn luyện về lý trí đâu mà đòi có lý trí, chưa học đã lo biện hộ “không có thiên bẩm thì học mấy cũng không thành tài”. Chúng ta nên chắc chắn, nhạc sĩ dù có thiên bẩm bao nhiêu, nếu không học không bao giờ sáng tác được giao hưởng. Ít học thì chỉ có viết mấy đoản ca bé tẹo.

    Nhân vật muốn có tư tưởng thì phải đối thoại và hành động. Nhưng lý trí đã yếu nhà văn ta lấy đâu ra tư tưởng? Một cô  Thị khát uống nước rồi đi tiểu, đấy không phải là hành động mà là Sinh hoạt. Rồi cô thập thò chờ đợi, rồi tình ái, rồi rửa ráy, thậm chí kể cả nhớ nhung sụt sùi, đó vẫn chỉ là sinh hoạt. Văn học Việt chủ yếu mới dừng ở sinh hoạt, có rất ít tư tưởng và hành động. 

    Bài đã tạm dài, tôi xin rút lại: Cái yếu hiển nhiên của văn học Việt Là mì không người lái, tức thơ không có nhân vật. Kể cả một số truyện ngắn của các tác giả trẻ, nhân vật rất nhợt nhạt. Viết văn mà không có nhân vật khách thể hóa tư duy của bản thân thì có khác gì tự sướng?! Ngay đó là cái yếu về tình tiết, nó chủ yếu là sinh hoạt chứ không phải thời khắc mang tính quyết định của tư tưởng. Tư tưởng là gì? Tất nhiên nó nằm trên não và không có mùi của thức ăn theo kiểu giá áo túi cơm được. Một khi chúng ta không bao giờ ưu tư về những thứ lý tưởng như tự do, bình đẳng, bác ái, thì tư tưởng chỉ là thứ bị dạ dầy che lấp mà thôi. Cái yếu về tình tiết là rất cụ thể, mong rằng những nhà văn yếu kém nên nhận ra điều đó để vượt qua chứ không nên à uôm tưởng bở xây lâu đài kính cho mình rằng đó là tài năng theo cách của riêng ta. Văn học cũng như nghệ thuật nếu không đạt đến giá trị phổ quát nó mãi mãi chỉ là thứ ẻo lả màn the nhếch nhác nghèo nàn chỉ đáng nấp sau chiếc ri-đô. Như vậy thì bàn gì đến tầm quốc gia và thế giới?

     

                                                              NHĐ   20/08/2013

    Nguồn:Bà Đầm Xòe

     


  4. Cải cách tiếng Việt

     

    Kể ra từ khi tiếng Việt được hình thành tới nay biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học và không ngôn ngữ học đề xướng thay đổi nó. Nhiều quá kể ra không xuể.

     

    Khi tiếng Việt mới ổn định và đã có những tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng Việt, nhà văn muốn cải cách tiếng Việt được nhiều người biết đến có lẽ là Nguyễn Trọng Thuật, tác giả tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ. 

     

    Với cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa xuất bản năm 1928, Nguyễn Trọng Thuật có nhiều nhận xét về tiếng Việt thời đó và đồng thời đề nghị một số cải cách nhưng những cải cách của ông bị văn phạm Pháp văn ảnh hưởng khá sâu đậm.

     

    Thấy tiếng Pháp có số nhiều, số ít, giống đực, giống cái, ông đề nghị tiếng Việt cũng nên có những chữ câm đằng sau để phân biệt khi nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ "kinh" có nhiều nghĩa khác nhau nên mỗi khi viết chữ kinh theo nghĩa nào phải viết khác nhau cho chính xác như viết kinh sợ, kynh đô, kynh Thánh, kinh nghiệm, v.v... Những đề nghị của Nguyễn Trọng Thuật chỉ gây thêm rắc rối phức tạp vì tất cả mọi nghĩa của chữ kinh khi đọc nguyên một câu văn hoặc có kèm theo một chữ khác là đủ nghĩa rồi. 

     

    Do đó cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa của ông dù có nhiều nhận xét, phân tách Việt ngữ rất hay nhưng những đề nghị của ông không được mấy người tán thành cả.

     

    Ngoài Việt Văn Tinh Nghĩa của Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim soạn cuốn Việt Nam Văn Phạm (chung với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ) có những tiến bộ rõ rệt. Ngay trong bài tựa, Trần Trọng Kim đã công bố minh bạch rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ đơn giản, không nên mô phỏng văn phạm Pháp văn để áp đặt cho tiếng Việt. 

     

    Nhưng xét về nội dung Việt Nam Văn Phạm cũng chia ra danh từ, động từ, tỉnh từ ... Một ví dụ: ba chữ "cái nhà ở", Trần Trọng Kim cho là động từ vì có chữ ở. Thế nhưng khi cuốn Việt Nam Văn Phạm được dịch sang tiếng Pháp với tên Grammaire Annamite do Lê Thăng xuất bản thì "cái nhà ở" được dịch là "maison d'habitation" thì không thể coi là động từ được nữa.

     

    Thành ra chủ trương không theo văn phạm Pháp khi soạn tiếng Việt nhưng vô hình trung các tác giả đã bị ảnh hưởng nặng nề văn phạm Pháp mà không hay. Y như bây giờ có khá nhiều nhà văn, nhà báo hải ngoại mặc dầu biết Việt cộng đã đặt ra những chữ rất ngô nghê, lố bịch nhưng khi viết thì vẫn vô tình lôi cuốn và dùng những chữ lố lăng mà cộng sản đã chế ra.

     

    Sau Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim, nhiều lần vấn đề cải cách ngôn ngữ được đề ra. Cái trở ngại của tiếng Việt là năm dấu và những chữ cái mà vần Pháp ngữ không có trong khi chúng ta đang sống dưới thời thuộc Pháp. 

     

    Có một dạo ngành bưu điện đã đề nghị và áp dụng thử những chữ Việt mà tiếng Pháp không có như "ưng ý", "ăn cháo" ... thay bằng "uung ý", "aan cháo" để dùng khi gửi điện tín. Ngành in cũng muốn bỏ năm dấu và thay những tiếng thuần túy Việt bằng chữ cái Pháp nhưng không thực hiện nổi mà vẫn phải dùng con chữ đúc riêng cho tiếng Việt không tinh xảo lắm để chờ tới khi kỹ thuật đúc chữ Việt Nam tinh vi hơn.

     

    Tới nay máy điện toán (computer) được phát minh, các nhu liệu tiếng Việt được sáng chế kịp thời vấn đề sắp chữ không còn nữa. Nhưng tới thư điện tử (e-mail) thì gặp trở ngại khi không đọc được hết các loại tiếng Việt từ nhu liệu không thống nhất ở nhiều vùng khác nhau trên trái đất. Người dùng đành tùy tiện gửi e-mail cho nhau với nhu liệu tiếng Anh không đánh dấu. 

     

    Khi nhận được một e-mail có câu như sau: "Bac Duong cuoi vo cho chau Hung ngay 7 tháng 3 vua qua. Tuy không xa nhung co chu Duong cung ve du dam cuoi." Người ngoài có thể biết có một người tên Duong mới làm đám cưới cho con nhưng chỉ người trong gia tộc mới hiểu được người anh tên là Hùng, hai vợ chồng người em là Dương và chủ rể là Hưng chứ nếu đoán sẽ có thể lộn hai tên Duong và Hưng với Hùng.

     

    Phải chăng vì biết đưa ra đề nghị cải cách có nhiều người không theo nên có những cuộc cải cách được đề xướng và chính người đề xướng tự thực hành lối viết của mình để làm gương.

     

    Vào thập niên 1960, khi in tập phiếm luận Chuyện Vô Lý của Lãng Nhân, nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn đã áp dụng lối viết các từ kép bỏ dấu nối và viết liền vào nhau như ânái, hạnhphúc, chínhchuyên, giađình...

     

    Lối này mới trông cũng thấy ngồ ngộ nhưng không phải là không có trở ngại. Nếu những từ kép "ô mai", "phát hành", "bác sĩ thú y" mà viết liền thành "ômai", "pháthành", "bácsĩ thúy" người ta cũng có thể lộn với "ôm ai", "phá thành", "bác sĩ Thúy". 

     

    Phải chăng thấy chuyện thí nghiệm này cũng gian nan nên bút ký Chuyện Vô Lý lần đầu chỉ in 160 bản tặng bạn bè và chuyện dính liền cũng rơi vào quên lãng một thời gian khá dài.

     

    Nguyễn Hữu Ngư một mình một chợ đưa ra nhiều thay đổi cách viết tiếng Việt: như bỏ Y dài thay bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH ... Không ai nghe theo thì ông tự thực hành một mình. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí đơn phương độc mã áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình.

     

    Sau năm 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều tác giả đưa ra những cải cách có khi mới, có khi không. Về việc viết I ngắn thay thế Y dài hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục, Nguyễn Ưình Hòa nêu lại vấn đề này và hỗ trợ nó. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này nhưng có người yểm trợ và người yểm trợ mạnh mẽ nhất là Dương Đức Nhự. 

     

    Theo một bài đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Wesminter (CA) số Xuân Kỷ Mão của Đỗ Hữu và Diên Nghị (sau đăng lại có sửa chữa trên tạp chí Tinh Hoa, Minneapolis (MN) số tháng 10/99 với tên Đức Cố và Diên Nghị), hai tác giả cho biết Dương Đức Nhự không những yểm trợ chuyện thay thế Y dài do Lê Hữu Mục và Nguyễn Ưình Hòa theo đuổi mà còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm, hoặc du nhập chữ cái F, J, W, Z. 

     

    Ông đề nghị viết "ngẫm ngĩ", "ngễnh ngãng", "gồ gề" thay cho "ngẫm nghĩ", "nghễnh ngãng", "gồ ghề"; viết "zễ zàng", "zu zương" thay cho "dễ dàng", "du dương"...

     

    Nhà thơ Diên Nghị và Đức Cố hẳn cũng không tán thành lối cải cách của ông Dương Đức Nhự khi đưa ra thí dụ chép truyện Kiều như sau:

     

    Trăm năm trong cõi người ta,

    Cữ tài, cữ mệnh quá là gét nhau.

    Trải qua một cuộc bể dâu

    Những điềm trông thấy mà đau đớn lòng

    .........

     

    Có thể bị ám ảnh về kiến thức uyên bác của mình, về những điều đã dày công học hỏi và nghiên cứu nên thạc sĩ ngôn ngữ học Dương Đức Nhự thấy cần phải thay đổi một cái gì mà ông cho là mới chăng? 

     

    Nhưng thực ra những cải cách của giáo sư Nhự tưởng là mới lại không có gì là mới cả. Viết toàn I ngắn thì đã có từ khi Paulus Của viết tên ông là Huỳnh Tịnh Của vào cuối thế kỷ 18. Nguyễn Hữu Ngư cũng chỉ làm công việc lập lại. Còn cộng sản Hà Nội thì quen cách cai trị theo lối độc tài nên đã ra hẳn một pháp lệnh về việc thay đổi I ngắn, Y dài.

     

    Cách viết tiếng Việt với những chữ cái la tinh F, J, W, Z, thì ông Hồ đã thực hiện và lần cuối cùng là trong chính di chúc viết tay của ông đã có những chữ "nhân zân", "fe xã hội chủ nghĩa", "fục vụ"... 

     

    Lối viết đó được đàn em bợ đỡ, điển hình nhất là Nguyễn Kim Thản, Viện Trưởng Viện Ngôn Ngữ Học đã tâng bốc như sau:

     

    "Ngay từ khi viết Đường Kách Mệnh, người đã dùng F thay cho Ph, Z thay cho Dược và G, dùng K thay cho C, hoặc bỏ H trong GH và NGH. 

     

    Những người làm công tác ngôn ngữ học ngày nay ở nước ta vô cùng khâm phục những sự sửa đổi nói trên của Bác. Thiên tài và sự vĩ đại của Bác biểu hiện ở từng việc làm, từng chủ trương cụ thể như vậy đó." (Tiếng Việt của chúng ta, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983 trang 40).

     

    Di chúc viết tay của ông Hồ với cách viết lố lăng như trên đã được chụp lại in trong báo Nhân Dân sau khi ông chết và năm 1976 cũng bút tích ấy trong cuốn Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tiểu Sử và Sự Nghiệp do Ban Nghiên Cứu lịch sử đảng Trung Ương biên soạn.

     

    Sự thay đổi chữ nghĩa đó sau này đã được ban hành bằng một pháp lệnh của chính quyền và được thực hiện trong Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) từ ấn bản 1988 và trong Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo xuất bản năm 1998. Cách viết dính liền những từ kép thì cũng là lập lại điều mà Nam Chi Tùng Thư đã làm từ năm 1962 mà không ai theo.

     

    Sống ở Mỹ ảnh hưởng lối viết cắt xén chữ nghĩa trong ngôn ngữ nên đã có khá nhiều người lên tiếng hoặc tự cải cách tiếng Việt theo một lối riêng mà mạnh mẽ nhất là viết tắt.

     

    Nhà thơ Du Tử Lê sau những sáng kiến về thơ gạch chéo cũng đã cho in hẳn ra ngoài bìa sách của ông cái tên với chữ thật lớn "K. Khúc Của Lê" mà không viết ca khúc như thường lệ. 

     

    Báo Văn Nghệ Tiền Phong đã từng lên tiếng châm biếm lối viết tắt này khi đưa ra những "dự phóng" (đao to búa lớn cho nó oai):

     

    K nhac, H hong, C xich

     

    Chan minh nhung lam b b

     

    Lai cam bo duoc ma d chan nguoi

     

    Những người ủng hộ lối viết tắt lý luận rằng người Mỹ viết Toy R Us (chữ Rồi viết ngược), BBQ, U R here, Open on Nite thay cho Toys are us, You are here, Open all night mọi người vẫn hiểu. 

     

    Không những viết mà khi đọc họ cũng bỏ những khuôn mòn sáo cũ. Khi nói về "Quân Đoàn Một" họ viết chữ số La Mã "I Corps" nhưng khi đọc họ đâu cần đọc First Corps hay Corps One mà đọc là Ai Co. Nước Mỹ là cường quốc bậc nhất thế giới tại sao ta không bắt chước họ cho tiện lợi?

     

    Nghĩ cho cùng thì những cách viết lạ lùng khác thường ở Mỹ cũng thường chỉ thấy trong những bảng hiệu, trong những quảng cáo thương mại. 

     

    Ở một quốc gia tư bản tự do, cạnh tranh kịch liệt thì các chuyên viên quảng cáo chỉ nghĩ làm sao cho mọi người chú ý, làm sao lôi kéo được sự tò mò, lôi kéo nhiều khách hàng nghĩa là mang lại nhiều lợi lộc. Nếu không có luật lệ hạn chế thì quảng cáo thương mại có thể sử dụng mọi hình thức dù lố bịch, vô luân, bạo lực, dâm đãng để làm sao kiếm được nhiều tiền. 

     

    Nếu đúng như vậy có lẽ cũng chẳng nên dễ dãi thu nhập vào văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để coi như một cải cách tân kỳ.

     

    Tiếng Việt có ưu điểm của nó nhưng cũng làm cho những người ngoại quốc muốn nghiên cứu phải bối rối về việc sử dụng uyển chuyển các từ ngữ mà chẳng cần văn phạm và năm dấu Việt độc đáo không có trong ngôn ngữ nào trên thế giới.

     

    Có thể vì lẽ đó tác giả Phụng Nghi trong cuốn "100 Năm Phát triển tiếng Việt" (nxb Văn Nghệ, 1999) đã dành hẳn một chương để bàn chuyện có nên bỏ một trong hai dấu hỏi (?) ngã (~) tiếng Việt không? (Trang 137). 

     

    Ông dẫn chứng ba khuynh hướng khác nhau về vấn đề này là khuynh hướng chỉ dùng một dấu trên toàn quốc, khuynh hướng dùng một dấu riêng tại miền Nam và khuynh hướng giữ nguyên trạng không cần thay đổi. 

     

    Vấn đề đáng nói nhất là khuynh hướng đầu được báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1990 là hai dấu hỏi ngã nên nhập chung làm một cho tiện, hỏi ngã gì cũng được. Ý kiến của tác giả bài báo thật dễ dãi nhưng khó chấp nhận và thực tế thì đã chín năm trôi qua chưa có ai tán thành đề nghị đó. Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau không thể đồng hóa thành một được.

     

    Nếu câu nói: "Anh nỡ bỏ cô ấy mà không nghĩ tới tình nghĩa những năm qua sao?" mà viết toàn một dấu hỏi là "Anh nở bỏ cô ấy mà không nghỉ tới tình nghỉa nhửng năm qua sao?" Thì chắc cả trăm năm nữa cũng khó có thể quen tai. 

     

    Nếu báo thanh Hồ chủ trương viết một dấu cho dễ thì cũng nên theo những anh bộ đội nói ngọng không phân biệt được hai chữ L và N, mà bỏ một chữ L đi. Khi đó học trò viết Nu nàng nu nống cái Bống nằm trong cái Ong nằm ngoài hoặc là Não nính nệ nàng Náng nên nàng Nư nấy nòng nơn nuôn nuôn đều được coi là đúng chính tả. Và nhân tiện cũng bắt chước giọng đọc của người miền Nam tất cả những chữ bắt đầu bằng V đầu viết thành Dz cho tiện việc mặc dầu trong Nam đồng bào dù đọc Dz nhưng vẫn viết V trúng phóc, (la ve). 

     

    Cũng như không thể viện cớ thông tin trung thực, vô tư để khi rỗi rãi ngồi ghi âm hai người nói chuyện gẫu rồi cứ thế ghi chép lại nguyên văn in thành sách, chắc chắn tác phẩm này phải dày cả nghìn trang với đầy rẫy thì, mà, à, ờ, ừ, và nhiều khi còn chửi thề, nói tục.

     

    Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. 

     

    Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì, ... thân thương, độc đáo của Việt ngữ.

     

    Vấn đề cải cách một ngôn ngữ không phải là một chuyện dễ dàng. 

     

    Người Trung Hoa hẳn cũng biết chữ viết của họ phức tạp, bất tiện nhưng không hề nghĩ tới chuyện la tinh hóa chữ Hán mà chỉ thay đổi Hán tự từ văn ngôn ra bạch thoại cho đơn giản hơn thôi. Người Nhật mạnh dạn hơn đã đặt ra một cách viết tiếng Nhật bằng chữ cái la tinh gọi là romaniji được chính quyền tích cực truyền bá nhưng cho tới nay có lẽ vẫn chưa có sách Nhật in bằng tiếng Nhật cải cách romaniji. Họ vẫn yêu thích lối chữ Nhật hiện hành, hình thức hơi giống chữ Hán nhưng ít nét và không rườm rà.

     

    Việc thay đổi chữ viết có ảnh hưởng tới kho tàng thư tịch của các dân tộc nên khó bề thực hiện. Giả thử có một nền văn học lâu đời như Trung Quốc, nếu thay đổi chữ Hán bằng chữ la tinh thì phải có một đội ngũ hùng hậu người mình dịch các áng văn của mình sang chữ mới của chính mình. Học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn đã nghiên cứu những đề nghị cải cách tiếng Việt của các tác giả trước ông, đã biết sự khó khăn khi cải cách nên năm 1942 ông đã viết trong cuốn Danh Từ Khoa Học rằng: "Tiếng hiện thời của các nước đều đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được."

     

    Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiên nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. 

     

    Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm. 

     

    Việc thay đổi chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết cho việc diễn đạt tư tưởng, hay cải đổi những phi lý rõ rệt mà không nên quá dễ dãi để a dua, mô phỏng nhất thời ngôn ngữ nước ngoài với mục đích làm duyên khiến cho mất sự đơn giản nhưng phong phú và uyển chuyển của tiếng Việt chúng ta.

     

    Đặng-Trần-Huân


  5. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thơ độn và những chuyện khác

     

     

    THU HUYỀN thực hiện

     

    ( Bài đăng trên VNT số 49 - 2006 )

     

    Trong báo Văn nghệ số 44 có một bạn đọc viết Tản mạn về thơ độn Tiếng Anh. Nhân ý kiến này chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ

    Phóng viên Văn nghệ Trẻ (PV): - Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đã từ lâu, phảng phất đây đó cũng đã có những ý kiến rằng: Lớp trẻ bây giờ giỏi thật, biết làm thơ, viết văn độn cả tiếng Anh vào. Không hiểu có phải vì tiếng Việt của các cụ ta xưa nay nghèo quá chăng? Quan điểm của anh về hiện tượng này là thế nào?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Báo chí thường có in ý kiến bạn đọc, chuyện ấy là hết sức bình thường. Nhưng cũng cần lưu ý rằng ý kiến nào nên in, ý kiến nào không nên in. Ví dụ, các cơ quan chức năng mỗi ngày nhận rất nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo. Nếu tất cả các đơn thư ấy đều mang ra giải quyết ở... Quốc hội chẳng hạn,  thì có đến nghìn năm cũng không hết. Vấn đề là người tiếp nhận phải biết lựa chọn, xử lý.

    Tôi cho rằng thơ Việt Nam hiện nay, nếu có thêm một vài tiếng nước ngoài vào thì cũng là bình thường. ý kiến phàn nàn loại này không cần thiết phải in lên báo. Hiện tượng trong một bài thơ ta có mấy câu tiếng nước ngoài không phải là một xu thế, không phải là mối đe doạ đến ngôn ngữ Việt, nó cũng không phải là sự suy đồi của thơ ca nghệ thuật và điều đó đang diễn ra hết sức bình thường. Như tôi biết có nhà thơ Mỹ đã viết những bài thơ về Việt Nam và họ cũng có nhiều câu thơ tiếng Việt chêm vào, điều đó đôi khi tạo một hiệu ứng rất hay. Tôi nghĩ việc "độn" một số từ nước ngoài vào không có nguy hại gì, nó không mang lại thông tin cho người ta nỗi lo sợ dù là rất mơ hồ xa xôi về sự phá sản hay ảnh hưởng đến ngôn ngữ Việt hay thi ca Việt gì cả.Tôi cho rằng với những góp ý như vậy, chúng ta cần cám ơn bạn đọc. Nhưng cũng không nhất thiết phải in lên báo, và điều đó tức là chúng ta đã có thái độ rồi. Tiếng Việt, trên rất nhiều loại văn bản, kể cả văn bản pháp luật của Nhà nước, đã phát triển. Nếu đánh giá sự trong sáng của ngôn ngữ theo cái cách thiển cận rằng có pha hay không pha tiếng nước ngoài thì rất nhiều loại văn bản đang tồn tại trong xã hội ta phải loại bỏ vì có sử dụng tiếng Anh và các tiếng quốc tế khác. Đó là tôi nói về mặt ngôn ngữ hành chính, chứ chưa kể đến ngôn ngữ văn chương. Và tôi nghĩ về chuyện này không có gì để phải lên tiếng cả.

    PV: -  Vâng, việc này là nhỏ, rất nhỏ. Nhưng từ những việc nhỏ như thế này, chúng ta có thể nghĩ rộng hơn đến những chuyện lớn hơn: phải chăng cách đọc văn chương của một số lượng nhất định bạn đọc chúng ta còn chưa... đổi mới? Phải chăng,  ở ta, vẫn đang tồn tại một lối đọc văn chương có phần cũ kỹ và "độc đoán", không chịu chấp nhận những cách đọc khác. Anh có thể nói một chút về điều này?

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Tôi nghĩ rằng những xu hướng của văn chương nghệ thuật thế giới vào nước ta cũng như sự sáng tạo của bản thân các nhà văn ta đã mở ra rất nhiều hình thức biểu hiện. Và ngôn ngữ văn chương có những biến động . Thế nhưng... phải nói thẳng một điều rằng bạn đọc chúng ta còn rất nhiều người đọc văn với một cách thức cũ. Một câu chuyện với kết thúc có hậu, một câu văn phải đúng ngữ pháp, vân vân và vân vân. Người đọc nhiều khi đặt ra những câu hỏi tại sao lại thế này, thế kia? Không phải ai cũng biết đặt mình vào vị trí của một "người khác" để thưởng thức văn chương theo những "cách không giống mình". Nhiều người trong chúng ta không dân chủ, và không đa chiều trong việc  đọc. Việc đọc của chúng ta còn hạn hẹp. Cho nên, ngay trong số những người đứng tuổi (chứ không phải chỉ những người trẻ) cũng có người cố tình không chấp nhận thể thơ truyền thống. Có những người không làm thơ lục bát cho rằng thơ lục bát không phải là thơ. Lại có những người làm thơ lục bát thì cương quyết tất cả những gì phi lục bát, không thể là thơ. Đây là sự ấu trĩ, sự hạn hẹp của chúng ta. Tôi không tưởng tượng được tại sao có những người nước ngoài đọc tác phẩm Việt Nam, họ biết ngay được toàn bộ tư tưởng còn người Việt chúng ta lại không đọc được điều đó. Hoặc ngược lại có nhiều tác phẩm nước ngoài, tác phẩm văn xuôi chẳng hạn ở đó là phong tục khác, ẩm thực, thiên nhiên, sự kiện, lịch sử, chính trị, thời đại khác nhưng chúng ta vẫn có thể đọc và nhận được ở đó sự chia sẻ, sự đồng cảm lớn, và chúng ta có thể đón nhận ở đó một cái gì cho bản thân mình. Trong khi đọc rất nhiều cuốn sách của Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt, thói quen Việt, ẩm thực Việt, rồi cây cối Việt, nhà cửa Việt, sự kiện chính trị Việt... mà chúng ta vẫn không thể chia sẻ nổi. ở đây hoàn toàn là do cách đọc.

    PV : - Hiện tượng này, có lẽ liên quan đến câu chuyện người ta gọi là "định kiến" trong khi đọc. Nếu chịu khó lắng nghe, có thể thấy việc phê phán tác phẩm văn chương, ví như phê phán "Cánh đồng bất tận", không phải chỉ xuất phát từ "thói quen đọc" của các "cơ quan chức năng" ở nơi này nơi kia. Một bộ phận độc giả cũng cùng cách đọc với "cơ quan chức năng". Trong nhiều trường hợp, "dư luận" đã làm nên sức ép với chính các "cơ quan chức năng". Tất nhiên trách độc giả là chuyện không nên, mà nên trách mình chưa làm cho độc giả hiểu.

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Đúng thế. Ngay cuốn sách gần đây là cuốn tự truyện của Lê Vân, có những người trẻ họ phản đối, và phản đối một cách hoàn toàn bản năng, rằng họ nghĩ cái đạo đức, cái phận làm con nó phải thế này thế kia. Tôi không ủng hộ hay bảo vệ nhưng tôi cho rằng việc viết tự truyện như Lê Vân là một cái ví dụ trong cách chúng ta tập nói  thật. Chỉ khi chúng ta nói thật thì chúng ta mới dũng cảm được. Trong nói thật có thể đẩy chúng ta đến sai lầm này hay sai lầm kia nhưng nếu không có sự hiện diện của việc nói thật thì chúng ta sẽ không biết được như thế nào.

    PV: - Vâng. Thuốc đắng dã tật… Sự thật, cần quá đi thôi. Nhưng mà sự thật là thế này chăng: có sự thật trong mắt anh, sự thật trong mắt tôi và sự thật trong mắt ai. Có lời nói thật chín chắn và có lời nói thật bồng bột…

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Phải đọc trong một tinh thần khác. Nếu không chúng ta không mở rộng được và tất cả mọi thứ chúng ta đọc sẽ rơi vào những điều rất khó xử, chúng ta sẽ phản ứng rất ghê gớm, thậm chí không ủng hộ cái đúng. Vấn đề vẫn là cách đọc, thái độ văn hoá, dân chủ công bằng. Nên trong chuyện những bài thơ có độn chữ tiếng Anh và nhiều chuyện khác và chúng ta phải chấp nhận. Vì đó là sự thật và phải tiến đến điều đó. Bây giờ đã khác, và sau WTO, APEC chúng ta nhìn lại thì thấy rằng ở đó là một tinh thần mới, cách thức nhìn nhận mới.

    Theo quan điểm của tôi, không cần xem lại những bài thơ có vài chữ nước ngoài mà chính là cần phải xem lại quan điểm của những người có ý kiến đó. Dù không thích, bản thân tôi cũng không bao giờ phản đối những cách làm thơ như nhóm Mở miệng, Năm con ngựa trời, thơ Dương Tường hay Lê Đạt... có thể tôi không thích họ nhưng tôi không phủ nhận đó không phải là thi ca. Cũng như Lê Đạt, Dương Tường... có thể không thích tôi hoặc những người khác nhưng không có quyền phủ nhận tôi. Khi anh phủ nhận một nhà thơ khác có nghĩa anh ta không phải là thi sĩ, anh ta không hiểu gì về nghệ thuật thì mới phủ nhận người khác, mà anh ta chỉ công nhận chính bản thân. Thi ca không chọn lựa hình thức nào để được sinh ra cả. Khi nó cần phải lục bát thì nó sinh ra trong hình thức lục bát, khi nó cần tự do thì sinh ra tự do, khi nó cần phải văn xuôi thì nó sinh ra văn xuôi, khi nó cần đệm thì nó sẽ có ngay những từ đó. Bởi vì ngay trong Kinh Phật  có những chữ, những câu ta đọcầm không hiểu nghĩa, nhưng tại sao tất cả đều coi là linh thiêng, đều cảm nhận  một cách khác... Tôi đã từng làm một lễ giải hạn cho con gái tôi và nghe ông thầy cúng nói u a u ơ. Tôi không biết ông ấy nói cái gì cả, nhưng tôi biết rằng lòng tôi đang hướng đến một điều gì đó và tự nhiên tất cả những cái không có nghĩa trong ngôn ngữ lại có nghĩa trong tinh thần. Việc đọc văn chương cũng thế, có thể anh không quen cách nói đấy, hình ảnh đấy nhưng nếu người đọc không hướng tới tác giả thì anh ta sẽ không bao giờ chia sẻ được, cảm nhận được tinh thần của tác giả. Có những bài thơ ngân lên véo von thuận tai, bùi ngọt nhưng bài thơ đấy không tác động được tới chúng ta một cái gì. Gọi đúng thì đấy mới là một bài thơ vô nghĩa. Còn bài thơ chúng ta đọc có thể là một loại văn bản khác, phức tạp hơn, đa dạng hơn, biến ảo hơn với những cách thức mới hơn và... có nghĩa. Có thể chúng ta không hoà nhập được và chúng ta muốn chối từ nó. Tôi nghĩ cách đọc là quan trọng. Cách đọc của chúng ta hiện nay là khiếm khuyết. Cần phải nói rằng công chúng có quyền phán xét. Nhưng chúng ta cũng cần những trí thức tiên phong, cần những nhà hiền triết, bác học, giáo sư để khai mở dân trí. Sự bình đẳng và chủ nghĩa nhân quyền không có nghĩa là chân lý luôn thuộc về số đông.

    PV: - Không chỉ có thơ đâu, khi cuốn "Cơ hội của Chúa" ra mắt bạn đọc, nhiều  người cũng nói: Nguyễn Việt Hà sử dụng nhiều từ nước ngoài quá. Rồi dần dần, cũng quen…

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Có lẽ do sự tác động của lịch sử bị đô hộ quá lâu, chúng ta bằng mọi cách để chống lại sự đồng hoá của một nền văn hoá khác, một thể chế khác. Ngày xưa, chúng ta không chịu nổi những biển hiệu trên đường phố, chúng ta không chịu nổi quần loe, chúng ta bảo mặc thế là sexy nhưng xin thưa rằng cái sexy nhất lại chính là cái áo dài. Nhưng vì nó quen rồi, nó thành truyền thống rồi và người ta cho rằng truyền thống là sự đúng còn sự không truyền thống là sự sai.

    PV: - Và có một lượng độc giả không nhỏ vẫn quen coi văn chương, cụ thể là bài thơ, cái truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết là sản phẩm cho mọi người và nó phải mang tính chất phục vụ...

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỗi một người đọc đều mang thói ích kỷ của họ, rằng cuốn sách đó phải viết cái gì cho tôi, tôi phải hiểu được nó, và nó phải có cái gì giống như tôi, giống tôi nghĩ. Hồng Lâu Mộng không phải đáp ứng cho mọi người nông dân Trung Quốc đọc, nhưng nó có thể chia sẻ, quyến rũ tất cả mọi người. Nguyễn Du viết Truyện Kiều với tất cả những ngôn ngữ đấy, tư tưởng đấy, hình thức đấy, văn phong sang trọng, kỳ ảo, và tinh tế đó thì không phải cho nông dân đọc.Nhưng ở Truyện Kiều có những điều vĩ đại đến mức được giản đơn hoá, nhiều tầng và ai cũng đọc được. Cho nên người ta có thể bói Kiều được là vì điều đó. Chắc chắn Nguyễn Du không định soạn cuốn sách bói Kiều để người ta giở ra là thấy thân phận mình, nhưng ở đó ông đã tổng kết tất cả các số phận con người và ai cũng có thể đặt mình trong đó. Tôi muốn nói lại rằng khi một nhà văn viết họ không viết cho một đám đông và chỉ có vậy thì tính sáng tạo mới cao và yếu tố cá nhân mới được thể hiện. Tôi cam đoan nếu chọn những tác phẩm xuất sắc của chúng ta từ cổ đại cho đến hiện đại - những tác phẩm sống cùng chúng ta cho đến ngày hôm nay, sẽ thấy đó là những tác phẩm được nhà văn viết ra cho chính mình. Nói điều này chắc nhiều người không đồng ý, và còn mơ hồ. Nhưng tôi cam đoan khi nhà văn ngồi vào bàn viết, họ không bao giờ mang sổ hộ khẩu toàn bộ dân tộc Việt Nam ra để xem có bao nhiêu người để mà viết cho bấy nhiêu người. Không bao giờ có chuyện đó. Bài thơ ra đời nó mang một đời sống độc lập hoàn toàn, nó trôi qua, nó  phải bị phán xử và số phận của nó hiện ra theo cách đọc của từng người. Có lần tôi đã viết về tính đa văn bản của một văn bản gốc. Khi tôi sáng tác bài thơ và in ra thì... một kẻ đau khổ đọc khác, qua một kẻ thù hận đọc khác, một  người uyên bác đọc khác, qua một kẻ đang hạnh phúc bất tận đọc khác, qua một kẻ sắp chết đọc khác... nghĩa là nó mang tâm thế của người đọc, văn hoá của người đọc, ngôn ngữ của người đọc, thói quen ứng xử của người đọc, tư duy của người đọc, quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật của người đọc. Có thể là văn bản chữ nghĩa đó nhưng nó mang lại một thế giới cực kỳ lạ lùng mà chính kẻ sinh ra nó không nhận ra, hoặc có thể nó trở nên bỉ ổi vô cùng mà chính tác giả đó không bỉ ổi đến như thế.

    Chúng ta không trách móc những bạn đọc thông thường. Bởi vì có những nhà văn nhà thơ hẳn hoi, nhưng khi viết anh ta cũng áp đặt khủng khiếp quan điểm cá nhân của anh ta. Vì vậy việc trao đổi là rất cần thiết và để chúng ta nhận thức đúng hơn và bớt đi những ấu trĩ.

    PV: - Vâng, thưa nhà thơ. Cũng chính vì vậy, từ một ý kiến dù nhỏ, một bài báo tưởng rất bình thường mà chúng ta có cuộc trò chuyện hôm nay. Xin cảm ơn anh!


  6. NHÂN CUỘC TRANH LUẬN VỀ THƠ CON CÓC
    Góp ý về một số vấn đề trong phê bình văn học
       fleurs096.gifThụy Khuê 
        Mời vào link này tham khảo! (“Thơ con cóc”: Một bài thơ hay – Bài viết Nguyễn Hưng Quốc)

     
        Những bài tranh luận về thơ con cóc trên báo Văn Học giữa Đỗ Minh Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc cho thấy hiện nay đang manh nha khuynh hướng đối thoại giữa người viết trong và ngoài nước. Chưa bàn đến nội dung các cuộc trao đổi, chúng ta cũng thấy là vấn đề đối thoại văn học nên tiếp tục mở rộng.
        Trong tinh thần ấy, tôi có bài góp ý này về một số vấn đề liên quan đến khế ước văn hóa (chữ của Đỗ Minh Tuấn), giao lưu văn hóa, phê bình văn học, quan điểm cũ, mới, với mục đích giúp độc giả thấy rõ hơn bản chất của công việc phê bình và những đóng góp của nó trong đời sống văn học.

    I. Vấn đề khế ước văn hóa, giao lưu văn hóa
        Cuộc tranh luận về thơ con cóc nếu xẩy ra trong điều kiện lập luận bình thường thì có thể rất hào hứng cho hai tác giả và bổ ích cho người đọc. Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ con cóc hay, đó là quyền thẩm định tự do của anh. Độc giả chờ đợi một lập luận tân kỳ cũng như họ có quyền đánh giá lập luận của Nguyễn Hưng Quốc. Nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn có quyền phê bình nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, và Nguyễn Hưng Quốc trả lời v.v... Đó là tiến trình bình thường của các cuộc tranh luận văn học.
        Nhưng ở đây có một cái gì đó không bình thường khiến mọi người chú ý, không phải trên khía cạnh lý thú của lý luận văn học, mà ở những điều, những chữ quá tải đã được đôi bên viết ra. Đỗ Minh Tuấn dùng những chữ rất nặng cho một cuộc tranh luận văn học và chính ở chỗ đó mà người đọc bị chệch hướng, không thấy rõ mục đích "phê bình một nhà phê bình" của Đỗ Minh Tuấn. Anh viết: "Vậy cãi lại tổ tiên, đem lý trí và học vấn cãi lại vô thức cộng đồng chỉ là sự xâm lăng về văn hóa, đem chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này áp đặt cộng đồng khác vì mỗi nền văn hóa là một thực thể tinh thần có diện mạo riêng, có khóa mã riêng, có độ bảo thủ riêng. Sự áp đặt đó, dù có thành công về phương diện lý luận thì vẫn luôn thất bại trong thực tế. Từ góc độ nhân chủng học, quốc tế học, từ góc nhìn của mẫu quốc, ta có thể chứng minh rằng những kẻ bán nước trước đây là tiến bộ cao cả, có công. [...]" (Đỗ Minh Tuấn, Khế Ước Văn Hóa Trong Bài Thơ Con Cóc, Văn Học số 134, tháng 6/1997, trang 22)
        Có cần mang cả những thứ nặng ký như: nhân chủng học, quốc tế học, chuẩn mực văn hóa, vô thức cộng đồng, xâm lăng văn hóa, mẫu quốc, kẻ bán nước, v.v... ra để bàn về ... thơ con cóc hay không? Chính những chữ quá tải này, không những khiến cho người đọc hồ nghi thiện chí (muốn phê bình) của Đỗ Minh Tuấn mà còn triệt tiêu tính chất thuyết phục trong lập luận của anh vì bản chất của chúng (một vài chữ) chống lại hai đối tượng văn hóa và phê bình mà Đỗ Minh Tuấn muốn đề cập.
        Thật vậy, phải nói ngay rằng nếu chúng ta không được quyền "cãi lại tổ tiên" thì làm gì có văn hóa để mà bàn cãi hôm nay: Tổ tiên ta ăn lông ở lỗ, nếu chúng ta cứ ngoan ngoãn vâng lời, rập theo khóa mã của tổ tiên thì ngày nay chúng ta vẫn còn là người vượn, người khỉ, lấy đâu chữ viết, lấy đâu văn chương mà đọc, mà bàn?
        Văn hóa là hậu quả của tính chất biến thiên và sinh động nơi con người: Vượt hoàn cảnh lịch sử để tồn tại. Và trong tiến trình cải tiến và biến đổi không ngừng ấy, họ để lại những thành quả gọi là văn hóa. Ăn sống nuốt tươi là vô văn hóa. Ăn cơm là có văn hóa. Vậy muốn có văn hóa phải "cãi lại tổ tiên".
        Bản chất phê bình cũng là cãi lại, xét lại. Không những chỉ ở mức độ cãi lại tổ tiên mà còn cãi lại, đặt vấn đề với tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Phê bình văn học là cãi lại, đặt lại vấn đề với văn học, về chuyện viết thế nào? Về bản thân chữ nghĩa. Chữ nghĩa hôm qua và chữ nghĩa hôm nay. Và nếu muốn đặt vấn đề mà không đem "lý trí và học vấn" ra thì dùng cái gì để làm hành trang suy tưởng? Nếu anh không dám "cãi lại tổ tiên", nếu anh chỉ biết gật đầu chấp nhận những gì người đi trước để lại trong tất cả mọi địa hạt văn hóa, chính trị, khoa học, xã hội, tư tưởng mà không đặt lại vấn đề thì vô tình hay cố ý anh đã phủ nhận nguyên tắcphê bình và lý do tồn tại của văn hóa.
        Điều mâu thuẫn nữa là khi anh nói đến sự "xâm lăng văn hóa, đem chuẩn mực văn hóa cộng đồng này áp đặt cho cộng đồng khác" là chính Đỗ Minh Tuấn muốn khép cửa, tức là đặt lại vấn đề đã có từ xưa: vấn đề giao lưu văn hóa. Sự phát biểu của Đỗ Minh Tuấn khiến người ta nhớ đến các quan điểm dân tộc cực đoan, cho rằng: mỗi nền văn hóa, hoặc văn chương của mỗi dân tộc đều riêng rẽ, không thể pha trộn. Nếu đem pha trộn thì sẽ lai căng, mất gốc, sẽ mất bản sắc dân tộc ... Quan điểm này được một số người dùng làm điểm tựa để đưa đến chính sách bài ngoại, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
        Thực tế đã không xẩy ra như vậy, tính chất giao lưu văn hóa nằm trong bản chất con người. Thời kỳ du mục, những bộ lạc đã di chuyển, giao lưu, đã sống lẫn lộn với nhau. Tất cả các nền văn hóa đều có tính laitrong cơ thể, nhưng chúng vẫn khác nhau vì những nét đặc thù. Những nét đặc thù này do hoàn cảnh tạo nên (hoàn cảnh hiểu theo nghĩa situation của Sartre: Con người tác động vào môi trường mà sinh ra hoàn cảnh), hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh ngôn ngữ, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh nghèo đói, ... Mỗi hoàn cảnh tạo ra những vị thế khác nhau và chính những vị thế ấy cấu tạo nên sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
        Hai nền văn hóa cạnh nhau có thể ngấm vào nhau: Hoa-Việt, Hoa-Nhật, ... và đem lại những nguồn sinh lực mới cho những hoàn cảnh sống đã cũ: Nếu không có hiện tượng người Việt di dân ra nước ngoài thì làm gì có văn chương Việt Nam hải ngoại? Thì chắc gì người Pháp, người Mỹ ngày nay đã bán nem (chả giò), gừng, nước mắm,bún, miến, bánh tráng, bánh phở ... ở các siêu thị của họ? Hiện tượng thẩm thấu văn hóa là một hiện tượng tự nhiên. Khi có sự tiếp xúc giữa hai dân tộc hoặc hai trào lưu tư tưởng, thường nẩy sinh những trào lưu văn hóa mới: Có thể nói hội họa ấn tượng nẩy sinh từ sự tiếp xúc của Tây phương với thi ca Trung Quốc và hội họa Nhật Bản; hoặc nếu Picasso không gặp điêu khắc Phi Châu thì chắc gì ông đã mở đường cho hội họa lập thể?
        Nếu không có "một ngàn năm đô hộ giặc Tàu" thì chưa chắc văn chương cổ điển Việt Nam đã có hình thái như vậy. Và nếu không có "một trăm năm đô hộ giặc Tây" thì nền văn chương quốc ngữ của chúng ta có như ngày nay hay không? Mỗi dân tộc (Tàu, Tây, Việt Nam, ...) đều có hai khía cạnh: giặc và người. Chúng ta tiếp nhận khía cạnh "người" của họ, tức là khía cạnh văn hóa để bổ xung cho đời sống văn hóa của chúng ta, và chống lại khía cạnh "giặc", tức là khía cạnh thực dân, xâm lăng, gây chiến tranh, chiếm hữu lãnh thổ người khác: Khía cạnh vô văn hóa của họ. Một nền văn hóa mạnh, như văn hóa Hán, có khả năng Hán hóa quân "xâm lăng" Mông Cổ, biến "giặc" thành "người".
        Vậy khi nói đến văn hóa thì khó có thể dùng những chữ "xâm lăng văn hóa", "cái bẫy văn hóa"... Bới văn hóa biểu dương khía cạnh đẹp của con người. Văn hóa nâng cao trình độ con người. Bản chất văn hóa là giao lưu, chia sẻ, là nguồn cảm thông chung của nhân loại. Giao lưu văn hóa không thể đưa đến sự "diệt chủng văn hóa", mà ngược lại, đóng cửa văn hóa, chỉ đọc mình, chỉ tôn vinh dân tộc mình mới đáng ngại, có thể dẫn đến nguy cơ diệt chủng văn hóa.
        Tất nhiên người đọc cũng không nghĩ là Đỗ Minh Tuấn chủ trương "đóng cửa văn hóa", nhưng anh chỉ sa đà trong việc sử dụng từ ngữ, cũng như anh đưa ra những xác quyết sai lầm về J.P. Sartre, Camus, Barthes ... mà những ai biết rõ các tác giả này đều phải ngạc nhiên.
    Nếu sáng tác đòi hỏi sự thực thì phê bình đòi hỏi sự chính xác. Và đó là lý do tồn tại của một ngòi bút phê bình.

    II. Thơ con cóc
        Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ con cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? Con cóc có nhẩy lên hỏi ông trời thì trời cũng chịu. Cũng như chưa ai định nghĩa được tình yêu, Thượng Đế, v.v... và người ta cũng không hi vọng Nguyễn Hưng Quốc hay Đỗ Minh Tuấn sẽ là những người đầu tiên định nghĩa được thi ca trên trái đất này.
        Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong.
        Nhưng người ta có thể giải thích được Thơ con cóc hay hoặc dở dựa trên những tiêu chuẩn nghệ thuật, hoặc những phương pháp phân tích ngữ học. Điều cốt yếu là sự giải thích ấy có tính thuyết phục hay không, mà thôi.
        Thơ con cóc vốn mang tiếng là dở. Tại sao? Tại vì những câu: Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi không mang một kiến trúc nghệ thuật nào cả: Vắng hình ảnh, không vang âm, không có khả năng biểu cảm, không có tính chất phức âm, đa nghĩa.
        Điểm thứ nhì, nó cũng không "miêu tả" cho biết con cóc như thế nào: sần sùi hay nhẵn nhụi, mắt lồi hay mắt lõm, cẳng nghêu, chân trạc, chân kiềng? v.v... cho nên nó chưa thành văn.
        Vậy chỉ còn mục đích thông tin: Nó cho biết có con cóc từ trong hang nhảy ra. Nhưng đây cũng lại là một thông tin dài dòng và không cần thiết về một con cóc đang nhảy, rồi nghỉ, rồi lại nhảy ... Một thông tin như vậy chỉ cần viết ngắn gọn: "Con cóc nhẩy từ hang ra ngoài" là đủ, vì phần còn lại "con cóc ngồi đó, con cóc nhẩy đi" là một thông tin thừa, vì ai cũng biết rõ là cóc không biết đi, không biết chạy, chỉ nhẩy cẫng, vì thế mà người ta gọi là nhẩy cóc. Thông tin này giống kiểu "nàng là phận gái ta là phận trai" của Nguyễn Đình Chiểu hoặc "15 phút trước khi chết, ông ấy còn sống" mà người Pháp gọi là vérité de La Palice: một thông tin ngây ngô vì ai cũng biết cả rồi.
        Bây giờ Nguyễn Hưng Quốc muốn chứng minh điều ngược lại: Thơ con cóc hay. Chúng ta thử khảo sát quan điểm của anh:
        1) Luận điểm 1, theo Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc hay vì được người ta nhớ.
        Anh viết: "Một tác phẩm văn học đã trở thành điển hình và được mọi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thời đại này qua thời đại khác ghi nhớ thì không thể nào dở được" (Thơ, V.V... và V.V..., trang 41). Câu này chứng tỏ Nguyễn Hưng Quốc có cùng một quan điểm với Đỗ Minh Tuấn về quyền năng của ký ức cộng đồng, hay vô thức cộng đồng (chữ của Đỗ Minh Tuấn). Nếu đã chấp nhận: tác phẩm nào được người ta nhớ thì tất phải hay, như vậy còn cần bàn cãi làm gì? Chứng minh bằng cả một quyển sách cũng là thừa. Cho nên, cái "trí nhớ cộng đồng" mà hai tác giả đưa ra, chính nó, cũng không phải là điều làm họ tin tưởng. Vì sao? Vì được nhớ chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để bảo đảm tính chất hay của một tác phẩm: Hay thì người ta nhớ, nhưng những gì mà người ta nhớ chưa chắc đã hay.
        a- Người ta có thể nhớ một câu thơ tầm thường hoặc dở vì phải học thuộc lòng. Thầy giáo bắt học một trích đoạn Kiều hay Lục Vân Tiên, bạn phải học cả câu hay lẫn câu dở. Đó là trường hợp bị nhớ. Trường hợp này trí nhớ bị huấn luyện, bị chỉ đạo mà không có "choix".
        b- Nếu để tự nhiên lựa chọn, trí nhớ có vẻ rất sang, nó thích nhớ những gì ngoại hạng, ví dụ ác như Kiệt, Trụ, Ngọa Triều Lê Long Đĩnh. Đẹp như Tây Thi. Xấu như Quỷ Dạ Xoa, Hay như Truyện Kiều. Dở như Thơ con cóc v.v...
        c- Sau cùng, người ta cũng nhớ những gì có tính cách điển hình cho một thái độ, một phong cách. Người ta nhớ những câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu:
              Khoan khoan ngồi đó chớ ra
              Nàng là phận gái ta là phận trai

        không phải vì hay mà vì nó ngây ngô, buồn cười, lập lại những điều dĩ nhiên: Khoan khoan thì tất phảingồi (đứng) đó, mà ngồi đó thì chớ raNàng thì chắc chắn là gái rồi mà ta (chàng) thì không thể không là trai. Tiếng Pháp có thành ngữ "La vérité de La Palice" phát xuất từ việc đại úy La Palice hy sinh anh dũng ở mặt trận Parvie năm 1525. Vì thương tiếc, lính của ông làm một bài hát truy niệm trong có những câu thơ:
              Un quart d'heure avant sa mort
              Il était encore en vie ...
              (15 phút trước khi chết
              ông vẫn còn sống ...)
        Hai câu thơ này chỉ có ý niệm vinh thăng hành động can đảm của người anh hùng, đã chiến đấu đến chết, nhưng vì làm dở, cho nên hình ảnh cao siêu bị mất đi, và người ta chỉ nhớ sự ngớ ngẩn của nó và sau đó tạo nên thành ngữ mang tên người anh hùng La Vérité de La Palice (sự thật kiểu La Palice) để chỉ những câu nói ngây ngô, biểu dương những điều hiển nhiên, ai cũng biết.
        Tóm lại, nhớ mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để bảo đảm tính chất "hay" hoặc "dở" của một tác phẩm.
        2) Luận điểm 2: So sánh Thơ con cóc với Thị Nở của Nam Cao.
        Nguyễn Hưng Quốc viết: "Trước hết và có lẽ cũng hiển nhiên hơn hết đó là bài thơ hay nhất trong tất cả những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở mức độ nào đó có thể coi Thơ con cóc cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của Nam Cao. Nếu Thị Nở là điển hình của cái xấu, Thơ con cóc sẽ là điển hình của cái dở. Chỉ riêng khía cạnh này, Thơ con cóc đã là cái gì khác mới mẻ và đầy táo bạo, khác hẳn với mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình thành một lối đi độc đạo trong sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những nhân vật đẹp, những khung cảnh đẹp. văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra khỏi quan điểm hẹp hòi này khá sớm, có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ, cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên trở thành lãnh địa dành riêng cho thơ trào phúng" (Thơ, V.V... và V.V..., trang 44)
        Trích đoan trên đây có một câu chính xác: Nếu Thị Nở là điển hình của cái xấu, Thơ con cóc sẽ là điển hình của cái dở. Nhưng tiếc rằng nó lại trộn trong rất nhiều khái niệm khác nhau bị hiểu sai hoặc bị chập làm một:
        a- Trước hết, thơ dở khác với thơ miêu tả cái dởXấu khác với dở. Con cóc nó xấu, chứ nó không dở. Nếu (Nguyễn Hưng Quốc) cho rằng bài thơ con cóc "miêu tả" được con cóc, thì đó là bài thơ miêu tả cái xấu, chứ không phải là bài thơ miêu tả cái dở. Và để miêu tả cái xấu, thì nó không đạt mục đích vì nó không cho biết gì về sự xấu xí của con cóc.
        Ngược lại, đoạn văn tả chân dung Thị Nở của Nam Cao, miêu tả một người đàn bà xấu với nghệ thuật cao: Không những nó miêu tả được dung nhan Thị Nở mà nó còn đi ra ngoài địa hạt mô tả để đạt tới trò chơi quái ác của con tạo đã đang tâm hình hài hóa định mệnh xui xẻo trên diện mạo con người.
        Do đó không thể so sánh bài Thơ con cóc và đoạn văn mô tả Thị Nở vì một đoạn văn hay và một bài thơ dở, dù cùng có mục đích để tả cái xấu, chúng không có gì giống nhau.
        b- Từ bao giờ "mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật mô tả"? Người đọc không biết Nguyễn Hưng Quốc muốn dùng chữ "mỹ học truyền thống" để chỉ người thưởng ngoạn hay người sáng tác theo quan điểm mỹ học truyền thống? Hiểu cách nào chăng nữa thì câu này cũng sai vì không ai lẫn lộn đối tượng miêu tả với nghệ thuật miêu tả cả. Nói như vậy không khác gì bảo người ta nhầm nghệ thuật tả nhan sắc của Nguyễn Du với Thúy Kiều, nghệ thuật tả những phường buôn thịt bán người của Nguyễn Du với Tú Bà, Mã Giám Sinh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ. Và thơ cổ điển cũng không hề "đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ". Vì từ Homère đến Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Victor Hugo ... thi ca cổ điển đã viết nên biết bao nhiêu trang bi tráng về những cảnh chiến tranh, lầm than, tang tóc, khốn nạn của con người?
        Trên đây chúng ta mới chỉ thử phân tích hai trích đoạn ngắn trong các bài viết của Nguyễn Hưng Quốc và Đỗ Minh Tuấn để thấy cách lập luận và cách dùng từ của hai tác giả. Ngoài ra cả hai đều có khuynh hướng đưa ra những nhận xét rất chủ quan về những địa hạt có vẻ họ chưa thực sự tham khảo. Ví dụ, Nguyễn Hưng Quốc viết: "Theo tôi, một trong những nguyên nhân khiến ngành phê bình Việt Nam cứ ở mãi trong tình trạng ấu trĩ và què quặt là do rất thiếu tự giác. Chúng ta cứ nhắm hoài đến một mục tiêu không thể và không nên theo đuổi. Việc chọn nhầm mục tiêu ấy khiến cho phê bình tự động biến thành việc nghiên cứu lịch sử nếu tác giả thuộc một thời xa xưa; biến thành việc nghiên cứu xã hội nếu ... " (Thơ, V.V... và V.V..., trang 73)
        Phê bình Việt Nam có những tác giả viết yếu, thậm chí viết nhảm nhưng những tác giả đứng đắn không ít. Nếu ai có dịp đọc những Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Văn Tâm, Lê Ngọc Trà, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Như Phương, ... thì thấy dù họ đứng ở trên quan điểm phê bình nào đi chăng nữa (cũ hoặc mới), những bài viết của họ cũng không ở trong tình trạng ấu trĩ, què quặt, thiếu tự giác ... và họ cũng không chọn nhầm mục tiêu phê bình.
        Về những khuynh hướng phê bình cũ, mới, trước đây Nguyễn Văn Trung đã tổng lược tương đối khá đầy đủ trong Lược Khảo Văn Học (quyển 3), in năm 1968 tại Sàigòn, Xuân Thu tái bản tại California năm 1990.
    Năm 1994, Đỗ Đức Hiểu trong cuốn Đổi Mới Phê Bình Văn Học (NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố Hồ Chí Minh) cũng viết bài tóm lược tổng quát những khuynh hướng phê bình mới của Tây phương (đặc biệt Pháp và Nga), và đã áp dụng nguyên tắc phê bình mới để phê bình các tác phẩm văn thơ cổ điển lẫn hiện đại như Kiều, Xuân Hương, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Phạm Thị Hoài v.v... Nếu Nguyễn Hưng Quốc có dịp đọc sách của Đỗ Đức Hiểu thì chắc anh không dám chê phê bình Việt Nam ấu trĩ và què quặt.
        Đỗ Minh Tuấn, ở trong nước, chẳng hay anh có dịp tìm đọc sách của Đỗ Đức Hiểu không? Và nếu đọc rồi, anh có thấy mảy may ý đồ "xâm lăng văn hóa"đem chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này áp đặt lên cộng đồng khác trong tác phẩm của Đỗ Đức Hiểu?
    Người đọc không trách nhà văn viết sai. Cũng không trách nhà phê bình cảm nhận sai về một câu thơ, nhưng người đọc khó chấp nhận những lý luận sơ hở, những xác quyết không chính xác ở những ngòi bút lý luận phê bình.

    III. Lý thuyết văn học của Nguyễn Hưng Quốc
        Bây giờ đến phần trọng yếu là phần lý thuyết văn học của Nguyễn Hưng Quốc. Nguyễn Hưng Quốc giải thích mục đích của anh:
        "Bài thơ con cóc hay thật hay không hay thật, với tôi, không phải là điều quan trọng. Đem bài con cóc ra để phân tích, tôi nhắm tới hai mục tiêu khác quan trọng hơn là việc bình luận bài thơ ấy nhiều: Thứ nhất, mượn nó để phê phán những quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ cho đến giờ vẫn thống trị trong sinh hoạt thi ca Việt Nam. Thứ hai, mượn nó để chứng minh ý nghĩa của việc đọc, của người đọc, qua đó, đưa ra luận điểm cho rằng thơ là cái gì đong đưa giữa văn bản và người đọc chứ không phải là cái gì có sẵn, tự tại, nhất thành bất biến bên trong tác phẩm; bản chất của thơ là một cái gì "trống" để người đọc có thể nhập cuộc, nhập vui, làm đồng tác giả với tác giả; từ đó, hình dung con đường phát triển thơ như một quá trình hòa giải giữa nhà thơ và người đọc; chủ nghĩa hiện đại như một chủ nghĩa đặc tuyển; Thơ mới rất gần với văn xuôi ở tính chất tự sự của nó, v.v... Với tôi, mục tiêu thứ hai này quan trọng hơn hẳn: nó chiếm gần hết số trang của cuốn sách. Đó là lý do tại sao tôi xem Thơ, V.V... và V.V... trước hết là một cuốn sách về lý thuyết văn học chứ không phải là phê bình văn học"
        (Trả lời Đỗ Minh Tuấn,Văn Học số 134, tháng 6/1997)
        Độc giả giật mình: Đọc xong cuốn sách mới được biết tác giả không cho điều mình muốn chứng minh là quan trọng. Vậy chúng ta thử tìm hiểu chỗ mà Nguyễn Hưng Quốc cho là quan trọng là gì đây? Đó là: Lý thuyết văn học mới mà anh đưa ra, gồm hai phần:
        - Phê phán những quan điểm thẩm mỹ cũ;
        - Nói lên sự quan trọng của việc đọc.

        1. Để phê phán những quan điểm thẩm mỹ cũ kỹ, anh phát biểu:
    "Không thể dựa trên những quan điểm thẩm mỹ cũ, những cái tôi gọi là trường-phái-thơ-Đồ-Chiểu hay trường-phái-thơ-Thúy-Kiều để đánh giá cái hay, cái dở cuả bài thơ con cóc."
        (Trả lời Đỗ Minh Tuấn, Văn Học số 134)
        Nếu trường phái thơ Đồ Chiểu và trường phái thơ Thúy Kiều là quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Đình Chiểu và quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du, hoặc những người đi theo hai quan niệm thẩm mỹ này để làm thơ thì có gì đáng trách mà phải phê phán? Hiển nhiên là chúng cũ kỹ, chúng thuộc vào quan điểm thẩm mỹ thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX.
        Công việc của người phê bình không phải là đả phá quan niệm thẩm mỹ của người đi trước vì nó cổ. Và cũng không ai dùng quan niệm thẩm mỹ của người này để đánh giá người kia. Ví dụ không ai dùng quan niệm thẩm mỹ của Phạm Thị Hoài để đọc và đánh giá Nguyễn Mộng Giác; hoặc dùng quan niệm thẩm mỹ của Thanh Tâm Tuyền để đánh giá Chinh Phụ Ngâm.
        Mỗi tác giả sáng tạo ra quan niệm thẩm mỹ của riêng họ. Và người phê bình cũng không thể sáng chế ra một quan niệm thẩm mỹ riêng một cách độc đoán để đánh giá người sáng tạo. Người phê bình có nhiệm vụkhám phá ra quan niệm thẩm mỹ của người sáng tạo để thẩm định giá trị tác phẩm.
        Muốn làm công việc đó, người phê bình phải dựa trên một số tiêu chuẩn:
        - Hoặc trên tiêu chuẩn nghệ thuật do chính tác giả đề ra như văn phong, cấu trúc, cách tạo hình, v.v... Trong trường hợp này, nhà phê bình dựa trên tiêu chuẩn nghệ thuật của chính tác giả để đánh giá tác phẩm (trường hợp thường xuyên với các tác phẩm hiện đại).
        - Hoặc dựa trên tiêu chuẩn nghệ thuật chung của một thời (thời mà tác phẩm xuất hiện): trường hợp phê bình các tác phẩm cổ điển.
        - Hoặc dựa trên các tiêu chuẩn khác (ngoài nghệ thuật) như luân lý, sử học, tâm lý, xã hội, triết lý, ... Thường thường một nhà phê bình có thể đứng trên nhiều tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật.

    2. Sự quan trọng của việc đọc.
        Để nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của việc đọc, Nguyễn Hưng Quốc đưa ra một số luận điểm:
        a- "Ý nghĩa của bài thơ luôn luôn thay đổi [...]. Có biết bao tác phẩm ở thời này bị rẻ rúng, ở thời kia được tán tụng; ở chỗ này bị đả kích, ở chỗ kia được hoan hô. Với người này là tiếng đàn trên bến Tầm Dương dẫu "chưa thành khúc tình đà thoảng bay", với người kia chỉ là một chuỗi tạp âm vô nghĩa và vô vị. Tất cả không còn hoài nghi gì nữa, chỉ là hệ quả của những cách diễn dịch khác nhau."
        Từ đó anh rút ra hệ luận: "Nếu ý nghĩa do sự diễn dịch mang lại có thể làm thay đổi giá trị bài thơ, thì giá trị, như vậy, không phải là một cái gì tự tại, có sẵn, nhất thành bất biến"

        (Thơ, V.V... và V.V..., trang 56)
        b- "Chúng ta không thể căn cứ vào ý đồ của tác giả khi sáng tác và cũng không thể căn cứ vào bản thân câu chữ của bài viết ấy. Cơ sở quan trọng nhất chính là việc đọc"
    (Trả lởi Đỗ Minh Tuấn, Văn Học số 134, trang 25)
        c- "Giả dụ một ngày nào đó, không có ai đọc hay nói tiếng Việt được nữa, số phận của truyện Kiều sẽ ra sao? Thì cũng giống như một tờ giấy bạc cũ sau một đợt đổi tiền. vậy thôi. Giá trị của một tác phẩm chỉ được thừa nhận khi ý nghĩa của tác phẩm được thừa nhận"
        (Thơ, V.V... và V.V..., trang 56)
        Trong những phương pháp phê bình mới, người ta nhấn mạnh đến tính cách và vai trò của người đọc đối với một tác phẩm (xin đọc bài Đọc Văn Chương của Đỗ Đức Hiểu, trích trong sách Đổi Mới Phê Bình Văn Học, in lại trong Văn Học số này), nhưng không chỉ có việc đọc là quan trọng, đến nỗi giá trị của bài thơ không còn tùy thuộc vào bản thân câu chữ của nó nữa, và một ngày nào đó, nếu không ai đọc được tiếng Việt thì truyện Kiều sẽ vứt đi.
        Việc đọc, chắc chắn là quan trọng rồi, nhưng nếu không căn cứ vào văn bản thì chúng ta đọc cái gì?
        Cách lấy một câu trong toàn bộ hệ thống phê bình mới, rất đa dạng, của nhiều tác giả, rồi suy diễn ra và độc nhất hóa nó thành nguyên lý như thế này, rất nguy hiểm và tối kỵ trong phương pháp luận, bởi nó sẽ dẫn đến nhiều hệ quả sai lầm. Ví dụ: ý nghĩa của câu thơ không phải là cái mà tác giả định nói mà chỉ là hệ quả của những cách diễn dịch khác nhau; thì như vậy giá trị của bài thơ không phải là cái gì tự tại, có sẵn, v.v...
        Thật ra: Bài thơ có những giá trị tự tại, và người đọc đã hoặc sẽ khám phá ra.
        Một bài thơ, có thể có một ý nghĩa do tác giả định, nhưng ý nghĩa đó chỉ đúng với tác giả mà thôi (Paul Valéry). Ngoài ý nghĩa ấy, bài thơ còn có rất nhiều nghĩa khác, ẩn dưới ngôn ngữ của văn bản, những ý nghĩa này có sẵn, tự tại, bên trong tác phẩm. Nhưng không phải ai cũng cảm nhận được. Khi người đọc khám phá ra được những ý nghĩa ấy, thì người đọc trở thành "đồng sáng tác" với tác giả.
        Chữ "đồng sáng tác" chỉ có trong nghĩa đó và chỉ trong nghĩa đó mà thôi. Ngoài ra, người đọc, hay người phê bình, không có quyền "sáng chế ra" những ý nghĩa không chứa chất trong ngôn ngữ văn bản, tức là không có quyền đọc thế nào cũng được, xuôi cũng được mà ngược cũng xong.
        Mỗi tác phẩm có giá trị tự tại. Kiều không cần nhà phê bình nào đánh giá cũng là một tuyệt tác. Một tuyệt tác vẫn có thể bị đả kích, nhưng không vì thế mà nó trở thành một chuỗi tạp âm, vô nghĩa.
        Tất nhiên, một tuyệt tác khi bị xếp trong xó tủ, không ai đọc thì nó chưa hiện hữu. Nhưng khi đã được đọc rồi, thì giá trị của nó vĩnh viễn.
        Tính chất quan trọng của việc đọc và mối tương quan giữa người đọc và tác phẩm là ở chỗ đó: một tuyệt tác nếu không được đọc, không được biết đến thì cũng như không, chứ không phải người đọc có quyền sinh sát trên tác phẩm và muốn bảo sao thì nó nghe vậy. Những tuyệt tác nghệ thuật, kể cả ngay khi nó đã bị tiêu tán mất đi (như hầu hết những tuyệt tác kiến trúc, bẩy kỳ quan thế giới) chúng vẫn tồn tại trong ký ức văn hóa loài người. Bao nhiêu ngôn ngữ đã chết như tiếng hébreu, tiếng la tinh, nhưng những tuyệt tác văn học của những ngôn ngữ này vẫn còn.
        Sau này, nếu không còn ai nói tiếng Việt, thì tiếng Việt sẽ trở thành địa hạt khảo cổ, dành riêng cho những nhà nghiên cứu và truyện Kiều vẫn là một giá trị bất tử của ngôn ngữ Việt Nam.

    IV Phê bình cũ hay phê bình truyền thống
        Kể từ khoảng ba chục năm nay, hai quan niệm phê bình cũ-mới hầu như đã được định ranh khá rõ ràng. Được gọi là phê bình cũ hay phê bình truyền thống, những khuynh hướng phê bình gắn bó với quan niệm văn học được gọi là cổ điển, chủ yếu dựa trên những yếu tố:
        1. Cái tôi chủ quan: Người viết (tác giả) có toàn năng chế tạo ra nhân vật. Người phê bình (có quyền) chủ quan phê phán một tác phẩm theo nhân sinh quan của mình.
        2. Biểu hiện quan niệm liên tục của đời sống: Đời sống là một mạch liên tục: câu chuyện mạch lạc, có đầu, có đuôi.
        3. Quan niệm tổng hợp và hoàn chỉnh về cái đẹp: Bức tranh hoàn tất. Bài thơ hoàn chỉnh, có phá, có đề, có kết.
        4. Tác phẩm đóng: tác phẩm hoàn tất là một công trình xong xuôi. Người đọc, người xem chỉ cần thưởng lãm, mà không cần "tham dự"; tác phẩm không có "chỗ trống" cho người đọc "điền" vào. Câu truyện có kết cấu, rút tỉa bài học luân lý dùm người đọc. Ví dụ đọc Lục Vân Tiên bạn hấp thụ được bài học luân lý mà không cần suy đoán mệt nhọc gì cả. Nhưng đọc truyện Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài ... bạn hoang mang và suy nghĩ lung tung về các vấn đề "linh tinh" mà tác giả nêu ra nhưng không giải quyết. Đọc thơ Nguyễn Du bạn không thể "chêm" vào chữ này chữ kia để tạo thêm hình tượng mới như đọc thơ Lê Đạt. Đó là một trong những yếu tố khác biệt sâu đậm giữa cấu trúc tác phẩm cổ điển và hiện đại.
        5. Dựa trên quan niệm : tác phẩm là một kiến trúc ngôn ngữ rõ ràng mạch lạc, có kết cấu hợp lý, người phê bình (truyền thống) diễn dịch tác phẩm theo cái nhìn chủ quan của mình. Sự diễn dịch có thể dựa trên cảm quan (phê bình ấn tượng) hoặc dựa trên các yếu tố ngoài văn bản như tiểu sử, thời đại, các giai thoại về đời sống tác giả (phê bình văn học sử) hoặc dựa trên các quan điểm luân lý hoặc triết lý như phê bình phân tâm học Freud hay triết học Mác Xít v.v...
        Một vài thí dụ các tác giả Việt Nam theo phê bình truyền thống: Hải Triều là một trong những người chịu ảnh hưởng của phê bình Mác Xít. Khi phê bình Lan Khai, ông viết: "Đọc xong cuốn Lầm Than, tôi thấy tác giả của nó mạnh dạn tiến lên trên con đường sáng sủa mà đầy cả chông gai, con đường bênh vực cho giai cấp cần lao, con đường của chủ nghĩa xã hội. Điều ấy là một điều đáng ghi nhớ trong lịch sử văn học của xứ này."
        (Hải Triều toàn tập, tập II , NXB Văn Học, Hà Nội, 1996, trang 168)
        Từ ý hướng muốn tìm hiểu và giải thích xã hội, một số nhà phê bình Mác Xít, trong đó có Hải Triều, thường có khuynh hướng gán cho tác phẩm tính cách đấu tranh giai cấp, hoặc dùng tác phẩm như một công cụ để giải thích đấu tranh giai cấp. Tính cách chủ quan đó đôi khi đưa họ ra ngoài nội dung thực thụ của tác phẩm.
        Ở Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh, người ta tìm thấy ảnh hưởng của khuynh hướng phê bình ấn tượng. Ngoài ra Vũ Ngọc Phan còn nghiêng về tâm lý, giáo khoa.
        Trước hết, phê bình ấn tượng là gì? Nói tóm gọn là ghi lại những gì tác phẩm gieo ấn tượng vào lòng mình. Ví dụ Vũ Ngọc Phan viết về Khái Hưng:
        "Hồn Bướm Mơ Tiên là một tiểu thuyết lý tưởng, một tiểu thuyết mà tác giả dựng nên những cao quý, người ở thế gian này không thể nào có được."
        (Nhà Văn Hiện Đại, quyển 4, trang 829, Đại Nam tái bản tại California)
        Có thể nhận định này không sai, nhưng nó chỉ nói lên được một khía cạnh của tác phẩm; nội dung Hồn Bướm Mơ Tiên còn chứa dựng nhiều khía cạnh khác. Nếu lấy một khía cạnh mà tổng quát hóa thành ấn tượng chung cho tác phẩm như vậy thì không tránh khỏi chủ quan. Ngoài ra làm sao biết được người ở thế gian này có thể cao quý hay không cao quý đến mức nào?
        Khi Vũ Ngọc Phan viết về Vũ Trọng Phụng:
        "Nếu Vũ Trọng Phụng căn cứ vào gia đình Huyền mà dựng nên cốt truyện thì đúng sự thật biết chừng nào. Nhưng ông đã tin ở sự giảng dạy cho nam nữ thanh niên hiểu biết sự giao hợp quá, nên ông có những ý kiến rất sai lầm. Ông đinh ninh rằng "giao hợp là mục đích cuối cùng của ái tình". Nhưng chỉ trừ ông cho hai chữ ái tình cái nghĩa là dâm thì không kể, còn như nếu ái tình là tình yêu, thì câu này là một câu rất sai."
    (Nhà Văn Hiện Đại, quyển 3, trang 591, Đại Nam tái bản tại California)
        Vũ Ngọc Phan dựa vào ấn tượng mà tác phẩm Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng gieo cho ông, ông cho là xấu. Và ông dùng quan điểm tâm lý (của ông) giảng giải chỗ "sai lầm" của Vũ Trọng Phụng, có ý bảo cho tác giả biết phải viết như thế này, thế kia.
        Hoài Thanh là một nhà phê bình tài hoa, chịu ảnh hưởng ấn tượng. Ông có nhiều cảm xúc tinh tế và khám phá ra những nét độc đáo trong thơ của mỗi tác giả. Tuy vậy Hoài Thanh cũng không thoát khỏi tính chất chủ quan.
        Về Thế Lữ, ông viết:
        "Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ Rừng ta tưởng chừng những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt Ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được."
        (Thi Nhân Việt Nam, trang 59, Đông Nam Á tái bản, 1985)
        Những điều trên đây là những ấn tượng Hoài Thanh cảm nhận được khi đọc thơ Thế Lữ, ấn tượng ấy rất mới lạ có tính sáng tạo và Hoài Thanh đã "nói hộ" một số người đọc thơ Thế Lữ thấy những cảm giác ấy nhưng không viết nên được. Nhưng nếu Hoài Thanh đi thêm bước nữa, giải thích chữ của Thế Lữ táo bạo ở chỗ nào? cảm tưởng dằn vặt do đâu mà có? v.v... bằng chính cấu trúc ngữ học trong thơ Thế Lữ thì tính thuyết phục sẽ cao hơn.
        Có thể nói phê bình ấn tượng mới đi được nửa đường, tức là mới chỉ đưa ra được phần cảm xúc đầu tiên. Dù người phê bình có trực giác mẫn cảm nhạy bén đến đâu, nhưng cái cảm xúc ấy chỉ thật sự có giá trị khi người phê bình liên lạc được những điều vừa ghi nhận với hệ thống ký hiệu và hệ thống ý nghĩa của văn bản.
        Khi Nguyễn Hưng Quốc viết:
        "Bài thơ con cóc, ngược lại, trần trụi tuyệt đối. Như một cành gai. Không có đến lá, đừng nói gì là hoa. Nó thô tháp. Nó mạnh bạo. Nó sần sùi. và cũng có thể nói, nó tàn nhẫn nữa. Nó xóa bỏ hết mọi son phấn và loại trừ hết cả cảm xúc thừa thãi để bắt người đọc một mình sững sờ đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời. Không thể có thứ ngôn ngữ nào giản dị hơn thế nữa. Nó có phần giống như thứ ngôn ngữ Albert Camus dùng khi viết Người Xa Lạ"
        (Thơ, V.V... và V.V..., trang 50)
        Nguyễn Hưng Quốc đã ghi lại cảm giác mà Thơ con cóc đã gieo vào lòng anh.Và ấn tượng ấy chỉ đúng với anh thôi. Đối với người khác, ít ai đọc những câu "Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đì" mà thấy những cảm tưởng trần trụi tuyệt đối, thô tháp, mạnh bạo, sần sùi, giống ngôn ngữ Camus hoặc giống thơ Nguyên Sa (trang 80, Thơ, V.V... và V.V...). Vậy muốn họ "tin được" cảm xúc của mình thì tác giả phải làm sao cho họ vừa "sờ" thấy sự sần sùi thô tháp, vừa sờ thấy sự trần trụi tuyệt đối, vừa sờ thấy gai nữa, trong những chữ của bài thơ con cóc, chứ không phải do những ấn tượng mà nhà phê bình sáng chế ra.
        Cho nên nếu chỉ dùng những cảm xúc mà câu thơ gieo vào lòng mình để khái quát hóa thành ấn tượng chung cho mọi người thì sẽ gặp khó khăn: không thuyết phục được người đọc.
        Phê bình mới muốn giải quyết những khó khăn đó bằng phương pháp phân tích ngữ học cơ cấu.

    V. Phê bình mới - phê bình hiện đại
        Phê bình mới gắn bó với quan niệm hiện đại của văn chương, dựa trên tính cách đa nguyên của đời sống, dựa trên cái tôi khách quan, nhiều chiều. Khái niệm liên tục của đời sống đã được thay thế bằng khái niệm đứt đoạn: Trong văn nghệ, cấu trúc hoàn chỉnh đã bị phá vỡ: Hội họa trừu tượng đưa ra cấu trúc tứ tán. Tiểu thuyết mới không có cốt truyện. Thơ hiện đại xóa bỏ niêm luật, vần điệu. Mô hình phân tích đã thay thế cho mô hình tổng hợp trong các cấu trúc nghệ thuật. Phê bình văn học sang trang, sử dụng những phương tiện mới xuất hiện: ngữ học cơ cấu.
        Sự khám phá của de Saussure về ký hiệu ngôn ngữ cho thấy tính chất đa nghĩa của mỗi ký hiệu ngôn từ. Và cấu trúc luận cho biết thêm về mối tương quan bên trong, giữa các ký hiệu. Từ đó tìm ra những ý nghĩa chìm lặng, ẩn dấu trong văn bản.
        Phần lớn những khuynh hướng phê bình mới dựa trên quan điểm triết lý: tác giả không ý thức được rõ ràng chủ đích sáng tạo của mình.
        Và người phê bình, có nhiệm vụ, qua văn bản và chỉ có văn bản (chứ không dựa vào các yếu tố ngoài văn bản như tiểu sử, thời đại, ...) để khám phá ra những gì "nằm sau" tác phẩm, phần không nói rõ trong tác phẩm, và đó mới là mục đích chính của phê bình. Câu "tác giả đã chết" của Barthes là một lối ngoa ngữ muốn đề cao văn bản, chỉ có văn bản là đáng chú ý mà thôi.
        Phê bình mới, ở Pháp, có ba khuynh hướng gây được ảnh hưởng quan trọng:

    - Phê bình phân tâm hiện sinh của Sartre
       
     Sartre chống lại quan niệm vô thức của Freud (Freud cho vô thức là chủ thể của sáng tạo, quan niệm của Freud được Breton sử dụng để đưa mơ vào sáng tạo và hình thành chủ nghĩa siêu thực).
    Sartre tìm kiếm sự hình thành tác phẩm từ bên trong văn bản. Sartre cho rằng con người là một sinh vật có ý thức, nhưng là một sinh vật bị quy định bởi hoàn cảnh lịch sử, nhưng thoát ra được hoàn cảnh lịch sử bằng sự tự do của chính mình. Do đó tự do và trách nhiệm là hai yếu tố cơ bản định hướng cho mọi bút pháp và văn bản. Chúng quy định điều kiện sáng tạo của nhà văn, chúng là chủ thể của mọi lựa chọn, mọi nhận thức riêng tư của nhà văn về cuộc đời.
        Phê bình phân tâm hiện sinh của Sartre thường sâu sắc và có tính thuyết phục cao, vì nó tìm đến cơ nguyên của hành động viết, giải thích tác phong ngôn ngữ của con người bằng vấn đề bản thể học.

    - Gaston Bachelard, phê bình phân tâm vật chất,
        Chú ý đến sự cấu tạo vật chất xung quanh con người. Con người khi tiếp xúc với những yếu tố thiên nhiên như: đất, nước, lửa, không khí ... từ thời thơ ấu đã để lại trong ký ức những hình ảnh nên thơ, không tan loãng và đọng lại trong tiềm thức. Những hình ảnh ấy, khi sáng tác, sẽ trở lại và tạo thành những hình ảnh đẹp trong thơ như ẩn dụ, hay những loại hình nghệ thuật khác nhau. Tóm lại, sức tưởng tượng của sáng tạo phát sinh từ những tích lũy nghệ thuật thời xa ấy. Cho nên những "buồn trông cửa bể chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa" chỉ là sự ghi lại những gì đã có sẵn trong ngăn kéo hình tượng nghệ thuật được lưu trữ trong tâm hồn Nguyễn Du.

    - Phê bình ngữ học cơ cấu của Roland Barthes
        Roland Barthes là người đưa ra những quy ước cụ thể để xây dựng một nền phê bình mới, dựa trên ngữ học cơ cấu. Ông chủ trương: Nhà phê bình không cần lập lại những gì tác giả đã viết, kể lại câu truyện, giải thích ý nghĩa, v.v... mà phải tìm ra những cơ cấu, những chủ đề của tác phẩm. Một tác phẩm có hai nấc giá trị:
        Cái "lisible" tức là phần dễ đọc, phần ý nghĩa hiển nhiên rõ rệt, ai đọc cũng thấy. Phần này không có gì lý thú đối với nhà phê bình.
        Cái "scriptible" phần ghi lại được, phần không thấy rõ tức là phần ẩn sau tác phẩm. Có thể tác giả cũng không thấy hoặc không chủ ý viết. Nhưng chính chữ nghĩa trong văn bản nói lên điều đó. Cái phần thứ hai này mới đáng chú ý đối với nhà phê bình.
        Một tác phẩm chỉ chứa phần đễ đọc không thôi thì đó là một tác phẩm đơn âm. Thạch Sanh Lý Thông là một truyện đơn âm.
        Một tác phẩm ẩn nhiều ý nghĩa ngầm là tác phẩm phức âm, đa nghĩa. Kiều là tác phẩm phức âm, đa nghĩa. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp phức âm, đa nghĩa.
        Những tác phẩm xuất hiện trên thị trường chữ nghĩa mới chỉ là sản phẩm (produit), chúng tạo nên khu rừng văn chương um tùm và rậm rạp, thượng vàng hạ cám. Người phê bình, người đọc muốn lựa lọc sản phẩm thì phải làm hai thao tác: Đọc và đoán nhận.
        Chính thao tác thứ nhì, đoán nhận (interprétation), Interprétation hiểu theo nghĩa của Nietzsche là đoán nhận văn bản, không phải là cho nó một cái nghĩa (với ít nhiều cơ sở hoặc với ít nhiều tự do), mà ngược lại, phải thẩm định được tính cách đa âm, đa nghĩa của nó. Phần đa âm (pluralité) ấy là gì? Là tính chất tiểu thuyết trong truyện tiểu thuyết, chất thơ trong một bài thơ, phương pháp luận trong luận văn, phong cách trong văn cách, ... Tác động "đoán nhận" này có mục đích: không để cho người đọc mãi mãi chỉ là kẻ tiêu thụ (consommateur) sách, đọc ngấu nghiến cho biết cốt truyện rồi nhảy sang sách khác,... mà đưa người đọc tới cấp độ sản xuất tác phẩm (producteur du texte).
        Văn chương cổ điển phân chia rõ ràng ranh giới giữa người sáng tạo (tác giả) với kẻ tiêu dùng (độc giả): chủ nhân và khách hàng. Người đọc ở vào vị trí lười biếng, bị động, tóm lại là nghiêm chỉnh. Thay vì chơi để hưởng cái lạc thú trong kiến trúc chữ nghĩa, trong các biểu tượng, ... người đọc ngày trước chỉ có cái tự do còm cõi là đọc hay vứt sách đi; lối đọc như vậy không khác gì một kiểu trưng cầu dân ý, chán ngấy.
        Barthes đề nghị một thú đọc sách thú vị hơn: Người đọc cộng tác với người viết để khám phá ra những cái mới trong ngôn ngữ văn bản, sự khám phá này chính là tác phẩm đang viết của người đọc, đó là siêu văn bản. Cách đọc này đẩy người đọc ra ngoài cái thế bị động chỉ biết nhận tác phẩm trong cái nghĩa tiêu dùng mà không góp phần "cộng tác" để đưa đến cái thế chủ động, vừa đọc, vừa tìm tòi, "sản xuất". Do đó có đối thoại giữa người đọc và người viết qua trung gian của văn bản.. Với thái độ mới này, ông "đọc lại" những tác phẩm cổ điển của Racine, Balzac và cuốn S/Z là tác phẩm chứng minh lập thuyết phê bình của Barthes trong chiều hướng đối thoại, phân tích ngôn ngữ theo cấu trúc luận.
     
    *
    * *
        Có thể nói phê bình mới đã tìm được con đường đa nguyên để tiến tới đối thoại giữa người xưa và người nay, nhưng chính ở căn bản đa nguyên đó mà nó không loại trừ các khuynh hướng khác, kể cả khuynh hướng cổ điển trong phê bình. Người phê bình cần có nhiều nguồn thông tin, nguồn kiến thức và nhất là một tâm hồn cảm thông sâu sắc với nghệ thuật và sự mở cửa của tâm hồn. Trong một cuộc chơi, người nào có nhiều cửa ngõ là có nhiều khả năng mở rộng vùng trời hơn những bạn đồng hành.
                                                                                                                                              Paris tháng 8/1997
                                                                                                                                              Thụy Khuê

    • Like 1

  7. Đôi khi có những bài thơ ngắn, mỗi dòng ít chữ như dìu ta nhún nhảy, tung tăng, hồn nhiên và yêu thương chân thật. Bài thơ nguyên tác năm chữ , bản dịch nhanh lại rút còn bốn chữ. dhh nghĩ rằng thế cũng đủ. Hoặc hơn nữa tiếng Việt có thể nói ngắn hơn những ngôn ngữ khác. Tuy vậy một nguyên tác có thể có` nhiều bản dịch, thì để sau vậy.

     

     

    THE QUIET

    Silence is golden

    but not for me.

    Only old memories

    are all that I see.

    No more spring

    or fourth of July.

    Birds cannot sing,

    tears cannot cry

     

    Nighttime is endless

    Dreams are too real.

    Alone and restless

    Loss is all I can feel

    Your book is still there

    next to the bed

    I breathe on your pillow

    where you rested your head

     

    I dial our number

    again and again.

    the message you speak

    is always the same.

    The sound of your voice

    makes you seem near.

    Not far away in heaven above.

     

    You say leave a message

    I whisper

    I miss you my love

     

     

     

    LẶNG LẼ

     

    Im lặng là vàng

    Đâu phải cho tôi

    Nỗi nhớ cỗi cằn

    Tất cả vậy thôi

    Mùa xuân chi nữa

    4 tháng bảy rồi

    Chim không thể hót

    Nước mắt không rơi

     

    Đêm dài vô tận

    Mộng mơ thật đầy

    Cô đơn trống vắng

    Tất cả trắng tay

    Cuốn sách của người

    Vẫn trên giường này

    Hơi thở bên gối

    Nơi ai ngã đầu

     

    Bấm máy gọi người

    Lần này lần nọ

    Người nói với tôi

    Vẫn câu đáp đó

    Nghe tiếng của người

    Dường như gần lắm

    Đâu phải trên trời

     

    Người muốn nhắn tin

    Tôi thầm thỉ nói

    Nhớ anh nhớ anh

    Ôi người em yêu

     

    duonghoanghuu

    12/8/2013

      

    • Like 2

  8. Báo động thực trạng biến dạng văn hóa ngôn từ
     

    QĐND - Không chỉ là phương tiện chuyển tải, giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ còn là bộ mặt, là kết tinh chiều sâu văn hóa của mỗi dân tộc. Trong xu thế hội nhập và phát triển, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài đúng lúc, đúng chỗ là vô cùng cần thiết, như những cửa sổ mở ra giao lưu với thế giới. Nhưng nếu ngôn ngữ nước ngoài bị lạm dụng sẽ xâm hại nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt- thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc.

    Tiếng ta đang bị… tây hóa.

    Thực trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài và cũng từng được dư luận nhiều lần đề cập đến. Song đến nay, người ta gần như chấp nhận coi đó là điều mặc nhiên trong xu thế hội nhập. Việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài ở một mức độ nào đó là yếu tố tích cực. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng lại ẩn tàng những nguy cơ “xâm thực” văn hóa.

    Chúng ta đã không còn quá lạ lẫm khi bước chân vào một nhà hàng hay khách sạn của người Việt mà từ cửa vào đến phòng ở đâu đâu cũng là tiếng nước ngoài. Nhiều khách sạn nhỏ chủ yếu để phục vụ “khách ta” nhưng “chữ tây” thì khá phổ biến. Thay vì “chào mừng”, “chào đón”, người ta dùng “welcome”, thay vì “lối ra” thì được đề là “exit”. Thậm chí trên bàn ăn của nhiều nhà hàng Việt, tờ thực đơn là món “hỗn tạp ngôn từ” với ta, tây lẫn lộn. Trên đầu viết hai chữ “Menu” thay cho “thực đơn” bên dưới là tên những món thuần Việt như: Cơm niêu, Cá kho tộ,… Và điểm nhấn là giá tiền thay vì “50 nghìn đồng”, hay “120.000 đồng”… thì lại được dập những con số và ký tự “50 k”, “120 k”… đỏ chót làm những thực khách Việt có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc rất ức chế.

    4535678620130805165054812.jpgNhiều biển hiệu quảng cáo xem nhẹ tiếng mẹ đẻ, vi phạm Luật Quảng cáo.

    Ngay trong lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ cũng có những biến thể ở mức đáng lo ngại. Nhiều người sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, trưởng thành trong nghề nghiệp cũng tại đất nước mình, nhưng nghệ danh phải có một nửa chữ ta, một nửa chữ tây. Ví như: Yan B, Tona Th, Duken T, C Seven… mà có thể ngay người đó cũng hiểu chưa hết nghĩa của nó là gì! Có lẽ để học đòi làm sang, hay chạy theo mốt sính ngoại mà họ vô tình quên mất mình là người Việt. Thậm chí, nhiều chương trình giải trí cho người Việt ngay trên sóng truyền hình cũng “ưu ái” sử dụng các thương hiệu ngoại. Hay đến như cuộc thi giọng hát Việt, rất nhiều ca sĩ lại thể hiện những ca khúc nước ngoài. Trong lĩnh vực quảng cáo ở nước ta gần như đang phớt lờ không chỉ mọi quy định mà còn bỏ qua cả những giá trị văn hóa trong ngôn ngữ dân tộc. Thậm chí có những biển quảng cáo 100% là tiếng nước ngoài. Điều này không những vi phạm pháp lệnh và luật quảng cáo mà còn coi nhẹ giá trị của tiếng mẹ đẻ.

    Không riêng gì thành thị, ở nhiều làng quê, đã qua rồi cái thời người ta chào nhau bằng những câu chào hỏi xã giao mang đậm chất văn hóa Việt. Giờ đây khi gặp nhau giới trẻ chào nhau bằng “hê lô” (Hello), chào tạm biệt bằng “bai bai” (bye bye) được cho là hợp mốt. Hay để tiến kịp với… thời đại, ngay từ khi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, khi dạy trẻ tiếng mẹ đẻ không quên kèm theo một vài từ nước ngoài như: bye bye, ok, no, yes… Thậm chí một câu ngoại ngữ nói không trọn, nhưng nhiều người khi nói một câu phải chen vào dăm ba từ ngoại cho oai, để thể hiện đẳng cấp. 

    Đừng để môi trường ngôn ngữ bị ô nhiễm

    Không thể phủ nhận yếu tố tích cực của sự biến đổi và hội nhập quốc tế trong ngôn ngữ. Đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra dường như đã vượt quá giới hạn của biến thể thông thường trong văn hóa sử dụng ngôn từ. Thời gian qua, nhiều nhà ngôn ngữ, văn hóa, các phương tiện truyền thông đã lên tiếng đề cập đến hiện tượng ngôn ngữ Việt đang đứng trước những nguy cơ. Mặc dù vậy, dường như “tiếng kêu cứu yếu ớt của tiếng Việt” chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng với tư cách là một yếu tố quan trọng của văn hóa dân tộc.

    Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập Tạp chí “Ngôn ngữ và đời sống”, người có nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về ngôn ngữ trong đời sống xã hội cho rằng: Việc sử dụng ngôn ngữ Tây, Ta lẫn lộn là thực trạng đang diễn ra. Việc mượn ngôn ngữ nước ngoài để biểu đạt cũng là cần thiết. Song cần phải “mượn” cho đúng văn hóa Việt và phải làm mới chúng. Cái gì đã có thì chỉ nên bổ sung, phát triển chứ không nên quá lạm dụng việc đi mượn. Điều này cũng rất cần sự định hướng cụ thể. Nếu vừa đủ, đúng và phù hợp sẽ làm phong phú thêm vốn từ tiếng Việt. Thực trạng sử dụng ngôn ngữ hiện nay đã đến mức báo động về nguy cơ có thể gọi là “ô nhiễm môi trường ngôn ngữ”.

    Cũng trăn trở về vấn đề này, PGS. TS Hoàng Anh Thi, Phó giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam cho rằng: Thời nào cũng có những biến thể của ngôn ngữ. Đặc biệt, giới trẻ chưa nhận thức hết được điều này, do đó chạy theo mốt. Tuy vậy, cần nhận thấy một thực tế là giới trẻ bây giờ kém tiếng Việt hơn ngày xưa rất nhiều! Thậm chí nhiều bạn trẻ dùng từ ngữ sai nghĩa. Một phần hậu quả đó cũng chính từ hệ thống giáo dục của chúng ta. Việc quá đề cao ngoại ngữ cho trẻ khi mà ngay tiếng Việt còn chưa giỏi có vẻ như không phù hợp. Nhiều nhà giáo dục có tư tưởng quá đề cao ngoại ngữ, quá sính ngoại cũng là một sai lầm.  Muốn điều chỉnh được điều này không chỉ điều chỉnh duy nhất ngôn ngữ mà còn ở tư duy giáo dục trong tất cả các mặt: Văn hóa, đạo đức, lối sống...

    Ngôn ngữ cũng có những quy luật phát triển riêng. Bản thân ngôn ngữ trong quá trình tồn tại luôn có những biến thể, cách sử dụng ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, những biến thể đó trong ngôn ngữ cộng đồng cần được đặt trong phạm vi văn hóa truyền thống. Đã đến lúc chúng ta cần có những chuẩn mực trong văn hóa sử dụng ngôn từ. Chỉ có như vậy, mới gìn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.

    Bài và ảnh: 

     

    TRẦN DUY VĂN

     


  9.  
    “Chương đầu tiên giúp bán cuốn sách đầu tiên, chương cuối cùng giúp bán các cuốn sách tiếp theo”, đó là quan điểm về vai trò của đoạn kết tác phẩm mà ông vua tiểu thuyết trinh thám Mickey Spillane đúc kết sau nhiều năm viết lách.
    Cũng đề cập tới chủ đề này, Graham Greene, tác giả của The quiet American (Người Mỹ trầm lặng) nói rằng “Trong vô thức những từ cuối cùng của tác phẩm luôn được viết trước khi những từ đầu tiên xuất hiện trên giấy”. 
     
     
    doan-ket-cua-nhung-tac-pham-noi-tieng-ra
    Margaret Mitchell có từng chi tiết rõ ràng của câu chuyện trong tâm trí trước khi ngồi xuống máy đánh chữ

    Nhân vật nổi tiếng của bang Georgia (Mỹ), Margaret Mitchell bắt đầu viết Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) sau khi từ bỏ công việc của một phóng viên ở Tạp chí Atlanta. Trong khi chăm sóc cho đôi chân bị thấp khớp, bà giết thời gian bằng cách bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh với mục đích duy nhất là giải sầu. Cho tới khi một biên tập viên tên là Harold Latham phát hiện ra cuốn tiểu thuyết và khẳng định rằng nó có tiềm năng của một bestseller. 
     
    Bản chất câu chuyện của Margaret Mitchell là sự sống còn. Bà đã viết những dòng cuối cùng của Gone with the Wind với một sự đau buồn, mất mát thực sự. “Tôi để họ tự tiết lộ về số phận của mình... Mục đích của tôi khi viết cuốn tiểu thuyết này là để lại một kết thúc mở cho độc giả”,  trong một lá thư gửi tới biên tập viên Harold Latham, Margaret Mitchell tâm sự. 
     
    Về công việc sáng tác của mình, Margaret Mitchell nói “Tôi có từng chi tiết rõ ràng của câu chuyện trong tâm trí trước khi ngồi xuống máy đánh chữ. Tôi tin rằng đó là cách tốt nhất để viết một cuốn sách. Nhờ đó, nhân vật không thể đi chệch hướng những gì bạn hoạch định cho họ”.
     
    John Irving
     
    doan-ket-cua-nhung-tac-pham-noi-tieng-ra
    John Irving luôn nghĩ ra kết thúc tác phẩm khi mới đặt bút viết nó

    John Irving – Một trong những gương mặt sáng giá bậc nhất trên văn đàn thế giới hiện nay luôn biết chính xác câu chuyện mình sắp viết sẽ kết thúc như thế nào. John Irving từng làm một việc rất đáng yêu là đánh máy chính xác những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trong các tấm bưu thiếp gửi đến những người bạn thân. Và những người bạn này đã xác nhận rằng thậm chí những dòng này không thay đổi, dù chỉ một dấu chấm câu khi cuốn tiểu thuyết được công bố. 
     
    “Tôi không biết rằng những gì mình nghĩ ngay từ đầu lại là dòng cuối cùng của tác phẩm, cho tới cuốn sách thứ 6 của tôi, The Cider House Rules (Tạm dịch: Trở lại chốn xưa). Lúc này tôi mới hay mình luôn nghĩ ra kết thúc tác phẩm khi mới đặt bút viết nó”, nhà văn người Mỹ cho biết. Người ta đã ví việc nghĩ ra kết thúc tác phẩm trước tiên của John Irving giống như một bản nhạc mà ông đã biết trước. Giải thích về điều này, người kể chuyện tài tình của nền văn học Mỹ cho hay: “Bạn phải biết những gì ở cuối câu chuyện, có như vậy mới biết cách làm thế nào để bắt đầu viết nó”. 
     
    Richard Peck
     
    doan-ket-cua-nhung-tac-pham-noi-tieng-ra
    Richard Peck coi chương đầu tiên chính là ngụy trang của chương cuối cùng

    Tiểu thuyết gia của thanh thiếu niên, Richard Peck là một người có kỷ luật viết lách hết sức nghiêm khắc. Khi bắt đầu một cuốn sách, Richard Peck cũng đã dự liệu về kết thúc của nó. Khi viết tác phẩm The A Year Down Yonder (Tạm dịch: Vào một năm xa kia), ông soát lại mỗi trang viết ít nhất 6 lần với một cây bút luôn lăm lăm trong tay. “Sau một năm, cuối cùng tôi đã hoàn thành tác phẩm. Tôi xem lại chương đầu tiên và vứt bỏ nó ngay lập tức bởi vì trên thực tế, chương đầu tiên chính là ngụy trang của chương cuối cùng”. 
     
    Edgar Allan Poe
     
    doan-ket-cua-nhung-tac-pham-noi-tieng-ra
    Kết cục của một câu chuyện luôn hiển hiện hàng đầu trong tâm trí Edgar Allan Poe 
    suốt quãng thời gian ông tạo ra diễn biến của nó

    Bậc thầy của những câu chuyện bí ẩn kinh dị, Edgar Allan Poe tin rằng những nhà văn vĩ đại luôn biết trước kết thúc câu chuyện của họ, và tác động của kết thúc này với độc giả. Edgar Allan Poe không thích đọc tiểu thuyết, ông cảm thấy “e ngại, hụt hơi với những câu chữ dài dòng”. Đặc biệt hơn cả, những câu văn ám chỉ kết thúc của câu chuyện luôn được nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên của nền văn học độc lập Mỹ in nghiêng như một cách báo hiệu về kết thúc của tác phẩm. Điều này cũng chứng minh rằng kết cục của một câu chuyện luôn hiển hiện hàng đầu trong tâm trí Edgar Allan Poe, suốt quãng thời gian ông tạo ra diễn biến của nó. 
     
    J.K. Rowling
     
    doan-ket-cua-nhung-tac-pham-noi-tieng-ra
    J.K. Rowling đã giữ bí mật về kết cục Harry Potter suốt 17 năm

    Năm 1990, khi đang là hành khách trên một chuyến tàu, J.K. Rowling đã nảy ra ý tưởng viết câu chuyện về một cậu bé phù thủy “gầy gò, nhỏ bé, tóc đen và đeo kính cận”. Ngay tối hôm đó, nữ nhà văn tỉ phú bắt tay vào viết chương đầu tiên của bộ truyện Harry Potter and the Philosopher’s Stone (Harry Potter và hòn đá phù thủy). Cùng thời điểm, bà cũng viết phần kết thúc của chương thứ 7, cũng là chương kết thúcHarry Potter, Harry Potter and the Deathly Hallows (Harry Potter và bảo bối tử thần). 
     
    “Tôi đã luôn luôn lên kế hoạch cho 7 chương của bộ sách”, J.K. Rowling phát biểu trên tờ BBC vào năm 2006. Trước đó, vào năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn với Owen Jones, nữ nhà văn cũng cho biết: “Những cuốn sách đã được viết trong một thời gian dài và chúng đều đi theo một phương hướng đã định trước”. Điều ấn tượng hơn cả ở bộ truyện này có lẽ là việc tác giả J.K. Rowling đã có thể giữ bí mật về kết cục của nó suốt 17 năm, từ khi tác phẩm ra đời cho đến khi kết thúc. 
     
    Agatha Christie
     
    doan-ket-cua-nhung-tac-pham-noi-tieng-ra
    Agatha Christie là một người có óc logic đáng ngưỡng mộ

    Cây bút viết truyện trinh thám được yêu thích nhất ở nước Anh, Agatha Christie có một cách làm việc rất kỳ lạ. Khi bắt đầu đặt bút viết, nữ nhà văn đồng thời xây dựng các câu chuyện nhỏ khác xung quanh các nhân vật của cuốn sách. Thông thường, Christie sẽ xây dựng một sơ đồ về câu chuyện chi tiết của kẻ giết người và mô tả nó là “Một cuốn sách phát triển từ bên trong độc giả và được hoàn thiện từ đầu đến cuối”. 

     


  10. Mới đây, độc giả hết sức ngỡ ngàng trước sự kiện nhà văn J.K. Rowling tiết lộ bà chính là Robert Galbraith, tác giả cuốn sách The Cuckoo’s Calling. Từ đó gợi mở về câu chuyện đằng sau bút danh bí mật của các cây bút ăn khách.
    Lý do rất đơn giản, một bút danh mới là cách để giải phóng các cây bút thoát khỏi áp lực danh tiếng của chính họ.
     
    J.K. Rowling (Robert Galbraith)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Nhà văn JK Rowling đề một cái tên vô danh dưới tác phẩm mới của mình "để không bị thổi phồng hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng"
     
    Từ một tiểu thuyết trinh thám có lượng phát hành “thường thường bậc trung”, vài giờ sau, The Cuckoo’s Calling (Tạm dịch: Tiếng gọi của cúc cu) của Robert Galbraith đã có mặt trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất thế giới sau khi nhà văn JK Rowling tiết lộ trên tờ Sunday Times rằng bà chính là tác giả và Robert Galbraith là một bút danh mới. Trước đó, Mulholland Books, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách chỉ nói chung chung rằng tác giả Robert Galbraith là một cựu thành viên của đội điều tra đặc biệt thuộc cảnh sát quân sự Hoàng gia. 
     
    Về lý do của bút danh mới, tác giả của Harry Potter nói rằng bà muốn cuốn sách có một số phận bình thường, “không bị thổi phồng hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng, một niềm vui thuần túy từ sự phản hồi của nhà xuất bản và độc giả khi lấy một cái tên vô danh”. Sau khi danh tính thực sự của tác giả Robert Galbraith được tiết lộ, cuốn sách xoay quanh cuộc điều tra của thám tử tư về cái chết bí ẩn của một người mẫu đã leo từ vị trí thứ 5.076 lên vị trí số một trong danh sách các tác phẩm bán chạy nhất trên mạng Amazon.com.
     
    Joe Klein (Anonymous)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Joe Klein giữ bí mật danh tính của mình là hành động đúng đắn của một nhà báo chuyên nghiệp

    Joe Klein không chỉ là một cây bút bình luận chính trị kỳ cựu của tờ Time, mà còn là một tác giả của tiểu thuyết Primary Colors (Tạm dịch:  Những sắc màu chủ yếu) dưới bút danh Anonymous. Ra đời năm 1996,Primary Colors đã mở khóa những sự kiện trong chiến dịch tái tranh cử của Bill Clinton vào năm 1992. Dù Joe Klein đã nhiều lần phủ nhận rằng ông không phải tác giả của Primary Colors, nhưng cuối cùng ông đã tổ chức một cuộc họp báo và thừa nhận sự thật.
     
    Theo tờ The New York Times, việc Joe Klein giữ bí mật danh tính của mình là hành động đúng đắn của một nhà báo chuyên nghiệp với nguồn tin có được. “Thật không dễ dàng nhưng có lúc tôi đã phải nói dối để bảo vệ nguồn tin, và điều này nằm trong danh mục đó”, ông chia sẻ. Những chữ viết tay ghi chú trên bản thảo đầu tiên chính là căn cứ khiến Joe Klein không thể chối từ tác phẩm của mình. Năm 2011, khi cuốn tiểu thuyết O: A Presidential Novel (Tạm dịch: O: Truyện tổng thống) của một tác giả ẩn danh viết về hậu trường Nhà trắng, đồng thời biết ông Obama sẽ làm gì để được tái cử nhiệm kỳ mới vào năm 2012 được xuất bản, cái tên Joe Klein tiếp tục được liệt vào danh sách tác giả nghi ngờ. Bất chấp tất cả, ký giả hàng đầu ở Washington lại một lần nữa kiên quyết bác bỏ O: A Presidential Novel không phải là "đứa con tinh thần" của ông.
     
    Nora Roberts (JD Robb)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Nora Roberts không tiết lộ danh tính thật trên các đầu sách trinh thám kinh dị, khoa học viễn tưởng, 
    và coi đó là "một thử thách, một cơ hội để đi sâu với thể loại sáng tác mới"

    Nora Roberts được ngợi ca bằng những mỹ từ như “Nữ hoàng tiểu thuyết lãng mạn”, “Cỗ máy sáng tác ăn khách” trước khi tung ra các tiểu thuyết trinh thám kinh dị, sách khoa học viễn tưởng dưới bút danh J.D. Robb. In Death (Tạm dịch: Cái chết) là tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng của Nora Roberts được xuất bản vào năm 1995. Tuy nhiên, phải đến cuốn sách thứ 12 xuất bản năm 2001, Nora Roberts mới tiết lộ rằng JD Robb là một bút danh bí mật của bà. 
     
    Trên trang web của mình, Nora Roberts cũng công khai giải thích về động thái này là “một thử thách, một cơ hội để đi sâu với thể loại sáng tác mới". Những tác phẩm mới của Nora Roberts sau đó tiếp tục được xuất bản dưới bút danh J.D. Robb và bán rất chạy. Đây được xem là một kế sách tận dụng cơ hội rất khôn ngoan của Nora Roberts, nhằm mở ra một thị trường mới, những đối tượng độc giả mới, làm tăng cơ hội tiêu thụ sách, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản đánh giá.
     
    Ruth Rendell (Barbara Vine)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Từ năm 1986, sau khi nếm trải những vinh quang của thể loại trinh thám, Ruth Rendell 
    đã lặng lẽ đề bút danh Barbara Vine dưới 14 tiểu thuyết

    Là một phụ nữ thoạt nhìn có vẻ nữ tính, tuy nhiên những tác phẩm viết về thế giới tội ác của tác giả Ruth Rendell và lao động viết lách sung mãn của bà khiến độc giả phải ngả mũ kính phục. Từ năm 1986, Ruth Rendell đã lặng lẽ đề bút danh Barbara Vine dưới 14 tiểu thuyết. “Đó là một cách để trau dồi hai văn phong khác biệt”, bà giải thích. 
     
    Các tác phẩm lấy tên thật của Ruth Rendell được biết tới nhiều hơn, nổi tiếng hơn nhờ yếu tố li kỳ, trái lại các tác phẩm dưới bút danh Barbara Vine trầm lắng hơn, gần với đời hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà cây bút 83 buồn lòng, đơn giản vì bút danh đơn giản này cho phép bà khám phá những chủ đề cụ thể, thí dụ như sự tiến hóa của đạo đức. 

    Anne Rice (Anne Rampling, A.N. Roquelaure)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
     Lợi nhuận mà các bút danh đề dưới thể loại sáng tác này mang lại cho Anne Rice
     là khoảng 500.000 USD tiền bản quyền mỗi năm

    Nhà văn 70 tuổi, Anne Rice, vốn nổi tiếng với tiểu thuyết Interview With a Vampire (Tạm dịch: Cuộc phỏng vấn với ma cà rồng) đã quyết định rời bỏ hào quang với hành động xuất bản cuốn tiểu thuyết Exit to Eden (Tạm dịch: Rời khỏi thiên đường) vào năm 1985 và tiểu thuyết Belinda vào năm 1986 với bút danh Anne Rampling. Đáng chú ý, cả hai đều là những tiểu thuyết khiêu dâm. Những năm 1980, bà cũng đã viết một tác phẩm tên là Sleeping Beauty Trilogy (Tạm dịch: Người đẹp ngủ trong rừng) với bút danh A.N. Roquelaure.
     
    Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, Anne Rice phủ nhận nhận định những cuốn tiểu thuyết dưới các bút danh khác của bà là “liều thuốc độc với giới trẻ”. Và thực tế cũng cho thấy, lợi nhuận mà các bút danh đề dưới thể loại sáng tác này đã mang lại cho Anne Rice là khoảng 500.000 USD tiền bản quyền mỗi năm.
     
    Jayne Anne Krentz (Amanda Quick, Jayne Castle)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Jayne Ann Krentz không khuyên người viết trẻ sử dụng nhiều bút danh khác nhau như một chiến lược của sự nghiệp

    Tiểu thuyết gia lãng mạn có lượng fan khổng lồ tại Mỹ đã ra sách dưới 3 bút danh khác nhau từ năm 1979. Theo tờ USA Today, 3 cái tên đã thiết lập 3 thế giới văn học riêng biệt: Jayne Ann Krentz cho tiểu thuyết hồi hộp lãng mạn, Amanda Quick cho tiểu thuyết lịch sử và Jayne Castle cho khoa học tương lai, viễn tưởng. 
     
    Tuy nhiên, đây không phải là kế hoạch ban đầu của Jayne Anne Krentz. “Hãy tin tôi, tôi không có ý định tạo lãnh địa riêng cho ba bút danh mà chỉ có ý tưởng rằng mình sẽ chọn gắn bó với bút danh nào mang lại thành công nhất”, nữ nhà văn cho hay. Điều bất ngờ là Jayne Anne Krentz lại thành công ở cả ba thể loại. Dù vậy, bà vẫn khẳng định: “Tôi không khuyên bạn dùng cách này như một chiến lược của sự nghiệp”.
     
    Stephen King (Richard Bachman)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Khi bị phát hiện chính ông là Richard Bachman, Stephen King tuyên bố Richard Bachman “đã qua đời vì bị ung thư bút danh”

    Bậc thầy về thể loại truyện kinh dị, Stephen King cũng là một nhân vật sử dụng một bút danh khác trong thời điểm mới bước vào làng văn. Đó là năm 1977, bảy tiểu thuyết liên tiếp của Stephen King đã được xuất bản dưới bút danh Richard Bachman. Giải thích về điều này, tác giả ăn khách nhất nhì nước Mỹ cho hay: “Trong những ngày mới bắt đầu sự nghiệp viết lách, tôi đã nghĩ rằng trung thành với một cái tên ít nhất một năm sẽ được công chúng chấp nhận”.
     
    Sở dĩ Stephen King chọn bút danh Richard Bachman bởi vì trong khi gọi điện tới nhà xuất bản, ông quan sát thấy trên bàn có một cuốn sách của Richard Stark và một bản nhạc của Bachman Turner Overdrive đang vang lên nên quyết định ghép nối thành bút danh này. Cho đến năm 1985, một nhân viên của hiệu sách tên là Steve Brown mới nhận thấy những điểm tương đồng giữa phong cách của hai tác giả Stephen King và Richard Bachman. Anh này đã cất công tìm hiểu và xác định rằng đó chỉ là một người. Stephen King cũng sớm khẳng định điều này và tuyên bố rất vui vẻ rằng Richard Bachman “đã qua đời vì bị ung thư bút danh”.
     
    Evan Hunter (Ed McBain)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Sở dĩ Salvatore Albert Lombino đổi thành các bút danh tiếng Anh vì ông cho rằng 
    một cái tên thuần Italia sẽ khó giúp ông phát triển sự nghiệp ở Mỹ

    Được mệnh danh là Ông hoàng truyện trào phúng trinh thám Mỹ, Evan Hunter còn là một cây bút kỳ cựu của thể loại khoa học viễn tưởng. Ngoài Evan Hunter, ông còn sử dụng rất nhiều bút danh như Hunt Collins, Curt Cannon, Richard Marsten, DA Addams và Ted Taine. Sinh năm 1926 với tên thật là Salvatore Albert Lombino, nhà văn chính thức đổi thành Evan Hunter vào năm 1952, tuy nhiên bút danh Ed McBain mới thực sự mang lại thành công rực rỡ nhất cho ông. Bắt đầu từ năm 1956, ông đã bắt đầu sử dụng bút danh Ed McBain cho hầu hết các tiểu thuyết trinh thám của mình
     
    Năm 2005, trong cáo phó sau cái chết của Evan Hunter ở tuổi 78 vì bệnh ung thư, tờ The New York Times giải thích rằng sở dĩ Salvatore Albert Lombino đổi thành các bút danh tiếng Anh vì ông cho rằng một cái tên thuần Italia sẽ khó giúp ông phát triển sự nghiệp ở Mỹ. “Nếu bạn là một người Mỹ gốc Italia, bạn bị cho là người ít có học thức”, Evan Hunter nói vào năm 1981. Hai bút danh Evan Hunter và Ed McBain cũng được giữ bí mật trong một thời gian dài, không lộ ra là của cùng một người.
     
    Louisa May Alcott (A.M. Barnard)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Louisa May Alcott cũng được biết đến với bút danh lưỡng tính: A.M. Barnard

    Tác giả của tiểu thuyết Little Women (Tạm dịch: Những cô gái nhỏ), nhân vật ủng hộ mạnh mẽ quyền bỏ phiếu cho phụ nữ lấy tên thật đề dưới các tác phẩm của bà. Tuy nhiên, Louisa May Alcott cũng được biết đến với bút danh lưỡng tính: A.M. Barnard. Nhà sử học Leona Rostenberg là người đầu tiên phát hiện ra bút danh này của Louisa May Alcott khi nghiên cứu tại thư viện Houghton của đại học Harvard. Rostenberg tìm thấy một bộ sưu tập các lá thư mà một số nhà xuất bản ở Boston gửi đến Louisa May Alcott vào năm 1856 và 1866. Những lá thư này tiết lộ rằng Louisa May Alcott còn được gọi là A.M. Barnard.
     
    Từ manh mối này, năm 1970, những người nghiên cứu tác phẩm của Louisa May Alcott đã phát hiện ra một số tác phẩm ít được biết đến của bà và chính thức xuất bản chúng.
     
    Charlotte, Emily và Anne Brontë (Currer, Ellis và Acton Bell)
     
    but-danh-bi-mat-cua-cac-tac-gia-noi-tien
    Ba chị em gái nhà Brontë: Charlotte, Emily và Anne

    Trong khi các nhà văn đương thời đưa ra nhiều giải thích cho bút danh của mình, chị em nhà Brontë chỉ sử dụng bút danh như một điều bắt buộc, cần thiết. Nguyên do là ở thế kỷ 19, phụ nữ nước Anh không được phép xuất bản tác phẩm của mình. Vì vậy, cả ba chị em đã phải sử dụng những cái tên nam giới Currer, Ellis và Acton Bell, viết tắt chữ cái đầu tiên trong tên thật của họ để đề dưới mỗi tác phẩm. Tháng 5/1846, cả ba chị em nhà Brontë xuất bản hợp tuyển thơ đầu tiên dưới các bút danh này. 
     
    Bút danh nam của ba cây bút trong gia đình Brontë cũng đã được đề dưới những tác phẩm nổi tiếng xuất bản vào năm 1847 như Jane Eyre của Charlotte và Đồi gió hú của Emily. Một năm sau đó, Charlotte và Anne tới London để gặp gỡ các nhà xuất bản và lúc này người ta mới vỡ lẽ rằng họ là những người phụ nữ.
     
     

    Nguồn tin: libero.vn


  11. Trao đổi với tác giả đoạt giải cuộc thi thơ ĐBSCL lần V

    Ngày 29/7 tại Thành phố Sóc Trăng sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V. Trước ngày trao giải Báo Điện tử Tổ Quốc đã dành một cuộc phỏng vấn với hai tác giả đoạt giải là Nguyễn Thanh Hải và Trần Huy Minh Phương.

     

    rez_454_phuong_hai.jpg

    Tác giả Trần Huy Minh Phương và Nguyễn Thanh Hải

    PV: Vài năm trở lại đây, những cuộc thi văn chương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có một số “lùm xùm”. Vậy trước khi quyết định gửi tác phẩm tham dự cuộc thi thơ lần này, anh có đắn đo, cân nhắc đến điều gì không?

    Nguyễn Thanh Hải: Xác định từ đầu đây là cuộc chơi, cho nên đến với cuộc thi thơ ĐBSCL lần này, ngoài việc cân nhắc, cố gắng đầu tư làm sao cho tác phẩm của mình có chất lượng và mong sẽ đoạt giải, tôi không đắn đo quan tâm gì về chuyện “lùm xùm” từ những cuộc thi văn chương trong khu vực trước đây.

    Trần Huy Minh Phương: Trước khi gửi thơ dự thi tôi rất đắn đo, nhiều lần không muốn thi, nhưng mấy cô chú anh chị bên Hội Văn học nghệ thuật Sóc Trăng khích lệ tôi là hội viên và là người con của đất Sóc Trăng thì nên tham gia và một vài bạn văn chương rủ thi, nên tôi thi. Đây cũng là một cuộc chơi tao nhã thôi mà!

    PV: Tâm trạng của anh khi biết tin mình đoạt giải thưởng lần này?

    Nguyễn Thanh Hải: Tôi rất vui khi biết tin mình đoạt giải thưởng và hạnh phúc khi biết mình đạt đúp 2 giải. Tuy nhiên trước đó tôi rất buồn vì có thông tin cho rằng tôi vi phạm thể lệ cuộc thi. Tôi cũng không muốn phân minh thêm, vì có lẽ bạn đọc theo dõi những tình huống đã đăng tải trên các trang báo mạng sẽ sáng suốt nhận rõ vấn đề.

    Trần Huy Minh Phương: Tôi không buồn, không vui. Sự háo hức đã nguội từ lâu.

    PV: Nhìn vào những tác phẩm và tác giả đoạt giải, anh có cảm nhận gì về đội ngũ cầm bút ở khu vực ĐBSCL?

    Nguyễn Thanh Hải: Tôi thấy một số tác phẩm đoạt giải lần này khá hay, xứng đáng trao giải, nhưng thật sự chưa xuất sắc lắm. Có 7/9 tác giả đoạt giải thuộc thế hệ 7X, 8X. Điều đó cho thấy khu vực ĐBSCL vẫn còn tiềm năng đội ngũ sáng tác trẻ. Tôi thật vui mừng khi thấy một lớp nhà thơ mới đã xuất hiện và đang góp phần làm thay đổi diện mạo thơ Đồng bằng sông Cửu Long.

    Trần Huy Minh Phương: Không thể nhìn vào những tác phẩm và tác giả đoạt giải mà suy rộng ra đội ngũ sáng tác ở khu vực ĐBSCL được. Bởi mỗi cuộc thi có Ban tổ chức, Ban giám khảo riêng. Mỗi giám khảo lại có quan điểm thẩm mĩ và sở thích về nghệ thuật khác nhau. Không cuộc thi nào giống cuộc thi nào cả. Đội ngũ sáng tác ở khu vực ĐBSCL vẫn lớn mạnh và phát triển cùng với đội ngũ sáng tác ở từng vùng miền trên cả nước.

    PV: Theo quan sát của anh thì con người ở miền Tây có nhu cầu về thơ ca ở mức độ nào?

    Nguyễn Thanh Hải: Cũng như những miền vùng khác, nhu cầu về thơ ca là không thể thiếu trong đời sống, và có lẽ người miền Tây còn hơn thế nữa, họ vốn mê thơ ca, hò vè từ xa xưa.

    Trần Huy Minh Phương: Thơ ca hò vè luôn sống trong tâm thức người Việt. Nó làm đẹp thêm tâm hồn mỗi chúng ta, nó dung dưỡng thêm nhân cách sống lành. Người miền Tây hào phóng, bộc trực, vị tha. Nhu cầu về thơ ca vẫn đi về trong phút lắng sâu của bản thân khi không thể và không còn gì chia sẻ. Tôi đã thấy những người bạn thơ chia sẻ thơ với nhau qua điện thoại đến khi máy hết tiền thì thôi. Họ nhiệt huyết với câu chữ và chân thành trong tình bạn. Họ vẫn đọc nhau và khích lệ nhau luôn đó chứ! Nhịp sống hối hả quá, thơ dần trở thành “món hàng xa xỉ”!

    PV: Anh có thể nói thêm về tác phẩm đoạt giải của mình cho độc giả?

    Nguyễn Thanh Hải: 2 tác phẩm đoạt giải của tôi viết về 2 vùng quê đều thuộc khu vực ĐBSCL. “Tản mạn trưa” là tác phẩm tôi viết về mảnh đất Gò Công, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi tôi có đầy ắp kỷ niệm. Ở đó, tôi có một người bà luôn dạy cháu con nghĩa nhân bằng những câu chuyện cổ. Ở đó, ông tôi vì chiến tranh đã ra đi mãi mãi không về… Còn “Phía mùa cam bạc lá” tôi viết về miệt Cái Bè, quê hương thứ hai của tôi. Bài thơ xuất phát từ thực trạng bệnh vàng lá của cây cam mấy năm gần đây…

    Trần Huy Minh Phương: Không riêng về tác phẩm đoạt giải mà gần như có khoảng 30 bài thơ tôi đã làm trong lúc chat mail với bạn văn chương, nhiều nhất và chân tình chia sẻ sâu sắc nhất là với anh Nguyễn Trọng Tấn - phóng viên Báo Ấp Bắc (Tiền Giang). Chính anh đã khích lệ tôi thi thơ ĐBSCL và “Nhật kí cho ngày rỗng” ra đời trong lúc chat mail với anh ấy. Những đứa con xa quê, những phận người thành bại… dẫu làm gì, đi đâu về đâu vẫn luôn nhắc lòng mình nhớ về quê hương. Quê hương đã nuôi lớn tâm hồn ta. Ở đó “có tiếng chuông chùa Mahatup nhắc ta đường xa tâm hùng trí dũng”.

    PV: Cũng giống như văn xuôi, những tác phẩm viết về miền đất sông Cửu Long luôn đem đến cho người đọc sự hấp dẫn, thú vị và cả tò mò vì những nét đặc trưng của vùng đất. Xin hỏi tác giả Nguyễn Thanh Hải, là trong bài thơ đoạt giải nhì “Phía mùa cam bạc lá” có một câu mà bản thân tôi nghĩ những người không sống ở miền Tây sẽ khó hiểu như “nỗi buồn đeo đĩa” thế nào. Anh có thể chia sẻ thêm về câu thơ này không?

    Nguyễn Thanh Hải: (Cười) Mọi người chắc là biết con đĩa- tức con đỉa (theo cách gọi ở nhiều nơi, trong đó có miền Bắc) chứ? Ở ĐBSCL trước đây đỉa rất nhiều. Hầu hết mọi người ai cũng sợ đỉa. Đỉa đeo hút máu người thì khó mà gỡ ra lắm. Tục ngữ có câu “Dai như đỉa”, ý nói đỉa sống rất dai, khó mà tiêu diệt được chúng, đồng thời cũng muốn ám chỉ sự việc gì đó kéo dài dai dẳng, không dứt ra được. “Nỗi buồn đeo đĩa” cũng phát xuất từ ý nghĩa đó.

    PV: Vẫn biết những đặc sản của miền đất sông Cửu Long là mùa nước nổi, là bụi u du… mà các nơi khác không có. Nhưng tôi có cảm tưởng, những “đặc sản” này là con dao hai lưỡi, nếu không “tiết chế” thì ngoại cảnh sẽ lấn át nội tâm. Ý kiến của anh thế nào?

    Nguyễn Thanh Hải: Không sai. Nhưng nếu thiếu đi những “đặc sản” như bụi u du, mùa nước nổi… thì thơ ĐBSCL đâu còn màu sắc đặc trưng vùng miền nữa? Có điều, người viết phải biết tự “tiết chế” để nội tâm không bị ngoại cảnh lấn át là một việc làm cũng không phải dễ.

    Trần Huy Minh Phương: Nếu sáng tác mà chỉ là miêu tả hoặc kể lể thì không gì để bàn. Nó phải có tư tưởng, nghệ thuật và nhiều điều nữa thì tác phẩm mới trọn vẹn. Cần “tiết chế” chứ!

    PV: Khi đọc những tác phẩm thơ của các cây bút ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… có tác động gì đến suy nghĩ của anh không? Anh có thấy ngòi bút của mình cần thay đổi không?

    Nguyễn Thanh Hải: Mỗi một vùng miền đều có đặc trưng riêng, mỗi tác giả cũng có phong cách thơ riêng. Thơ của các cây bút ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cái hay riêng, nhiều cái để học tập. Sáng tạo là nhu cầu không thể thiếu trong sáng tác, cho nên tôi luôn luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo làm mới thêm cho ngòi bút của mình.

    Trần Huy Minh Phương: Mỗi tác phẩm thơ của mỗi tác giả có cái hay khác nhau và cũng đôi khi có cái hạn chế. Đọc, cảm nhận nhưng không nghĩa là làm theo mà làm sao cho không trùng lắp, không lặp lại chính mình. Sáng tạo là mỗi phút giây ta tự làm mới mình nhưng không có nghĩa là làm dáng. Câu chữ có thần thái của nó riêng, không dối lừa được đâu! Tôi chỉ mới bắt đầu thôi, chưa có gì và chưa là gì… cần trau dồi thêm nhiều, nhiều lắm vậy!

    * Cảm ơn các anh đã chia sẻ!

     

    Hiền Nguyễn (thực hiện)

     

    Một số dư luận cho rằng, hai tác phẩm đoạt giải của Nguyễn Thanh Hải phạm quy vì đã in sách. Nhưng Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang, cụ thể là ông Văn Ngọc Nhuần- Chủ tịch Hội đã xác nhận: Hai bài này đã có in trong một tập thơ vào tháng 2/2013 nhưng chưa phát hành… Giải thưởng vì thế được giữ nguyên.

    Trước đây, trong cuộc thi Thơ về Hà Nội, tác giả Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã in bài được giải vào một tập thơ và được ban tổ chức cho phép.

     

    Nguồn: Toquoc


  12. ...Bác chỉ thấy, một cuộc thi vui trên FB, được giải hay không được giải thì cũng chỉ cho vui... Còn giải nhất hay nhì cũng chỉ là tương đối thôi.

     

    Thế này có thể coi là càng chữa lại càng cháy bác duonghoanghuu nhỉ? Phù! May quá là may là cháu không dự thi, nhỡ đâu lại được cái giải thì lại bị đào xới cho tung tóe  :icon2:  :fear:

    "bác" thì gan hơn, có gửi bài dự thi, ko hiểu sao nó lạc mất tiêu nên thoát hiểm ngay từ đầu. Trong rủi có may là vậy. Chúc Nguyen Mai luôn vui, khỏe, trẻ, đẹp nhé

    • Like 1

  13. PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ THU NGUYỆT - TRƯỞNG BAN GIÁM KHẢO CUỘC THI THƠ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN THỨ 5 (2012) VỀ CHẤT LƯỢNG THƠ DỰ THI

     

    Nhiều ý kiến chưa hài lòng về chất lượng thơ dự thi ĐBSCL lần 5. Đọc hơn nửa ngàn bài thơ dự thi, chúng tôi thấy chất lượng thơ dự thi lần này hay và dở cỡ như phần lớn thơ có mặt trên báo chí và các phương tiện truyền thông của cả nước hiện nay.

    Thơ bây giờ ế độc giả đến mức một số tờ báo dẹp bỏ in thơ! May mà việc xuất bản các tập thơ cá nhân hiện nay khá dễ dàng, và có các trang web, blog, facebook… cứu rỗi nên thơ vẫn được duy trì thi mệnh!

    Thơ bây giờ không được sự hào hứng đón nhận của công chúng độc giả bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do thơ chưa tìm ra được một hình thức thể hiện phù hợp với nhu cầu và tâm thế của con người hiện nay.

    Một số tác giả trẻ bây giờ có những suy nghĩ và cảm xúc vô cùng tinh tế, sâu sắc, thậm chí còn vượt xa hơn cả nhưng bậc thi hữu tiền bối nổi tiếng trước đây, bởi những vấn đề của con người và xã hội ngày nay đa dạng, phức tạp hơn xưa rất nhiều. Thế nhưng, có lẽ vì họ chưa sáng tạo ra được cách diễn đạt phù hợp, đủ sức làm tỏa sáng. Hình thức không tải nổi nội dung, nên thơ cứ ngoằn ngoèo lông chông xiêu vẹo trên các lối đi của những câu văn xuôi cô đọng, những câu triết lý, châm ngôn..v.v... chứ chưa đành rành thành câu thơ thăng hoa của ý tưởng, ngôn ngữ và xảm xúc. Do đó có thể nói thơ bây giờ ý tưởng, chi tiết, cảm xúc hay thì có, nhưng câu thơ, bài thơ hay thì chưa.

    Trình độ, nhu cầu thưởng thức thơ của công chúng ngày nay cũng khác xa với thời trước. Độc giả có khoảng cách rất xa nhau trên phương diện thưởng thức thơ. Người thì theo xu hướng cũ, kẻ thì theo xu hướng mới, và đặc biệt là phần lớn không chấp nhận cái cũ nhưng chưa nghĩ ra được thế nào thì mới, hoang mang sợ mình bị gọi là lạc hậu nên te tái xếp hàng vào phía mới cho hiện đại với thiên hạ mà thôi. Nói một cách "bài bản" hơn thì đó là dạng "thức thời" thiếu hạ tầng cơ sở. Sống trong thời tiết khí hậu như thế, nhà thơ vần vũ, loay hoay, bầu trời thơ hiện nay chưa hứa hẹn ngày quang đãng...

    Đọc thơ dự thi ĐBSCL lần này, chúng tôi không vui, bởi chất lượng thơ dự thi khiêm tốn quá! Thế nhưng, khi cầm lên tay những tờ báo có đăng thơ trên khắp cả nước, tôi cũng không thấy gì để phấn khởi hơn. Thơ đồng bằng hiện nay chưa hay, cũng như phần lớn thơ của cả nước mình hiện nay chưa xứng tầm với một đất nước thơ ca như nào giờ chú thiếm ta vẫn tự hào súng sính. Công nhận sự thật như vậy để đừng trách cứ nhau, hãy động viên và siết chặt tay nhau mà tiến tới chân trời hứa hẹn! Tôi tin vào cái chân trời ấy, bởi đây đó trong những tập thơ của nhiều tác giả trẻ xuất bản dạo này, có những tập thơ đã khiến tôi phải thích thú đọc đi đọc lại nhiều lần, ngưỡng mộ và xuýt xoa tấm tắc. Tiếc là, những tác giả đó, những bài thơ đó vẫn chưa đủ sức gây được sự chú ý của công chúng, bởi đường truyền của thơ trong bình diện băng thông nghệ thuật ngày nay chưa được mở rộng đúng mức. Thơ vẫn khép nép nhấp nháy chập chờn, vẫn chưa là "món" mà thiên hạ cần dùng, chưa đứng vào danh sách mặt hàng tối thiết cho bữa ăn tinh thần của công chúng.

    Nói vui vậy, chẳng phải hờn mát công chúng ngày nay không ưu ái với thơ. Đã qua rồi thời người ta mượn thơ để "thay lời muốn nói" những tâm trạng thăng hoa, những xúc cảm lãng mạn. Ngày nay, ai cũng dễ dàng làm được điều đó qua bàn phím tin nhắn điện thoại, qua blog hay facebook... Thơ bây giờ mà cứ bám vào những cảm nhận thì độc giả sẽ lắm kẻ quay lưng. "Phát hiện" và "bác học" trên nền của cảm xúc thăng hoa tinh tế, đó mới là cái mà đọc giả cần ở thơ giữa thời hiện đại.

    Công bằng mà nói, những bài thơ đoạt giải cuộc thi lần này không xuất sắc. Những bài thơ ấy phản ánh đúng sự chưa định hình hiện nay của mặt bằng thơ chung. Đọc tham khảo những bài thơ được giải gần đây trong các cuộc thi khác, chúng ta cũng sẽ thấy điều đó.

    ĐBSCL ngày nay chưa phải là một "đặc khu thơ" dẫu "tiềm năng thi sĩ" nơi này trữ lượng không thua xứ khác. Bằng chứng là trong tình hình thơ phú như hiện nay mà ĐBSCL vẫn kiên trì đều đặn tổ chức thi thơ rất là hào sảng. Người đồng bằng thẳng thắng cả trong cách thể hiện cảm xúc, không uốn éo giả vờ, nên tôi tin, với cái gien của những người mở cõi, dám rấn tới cái mới, những cây bút xứ này sẽ ngoạn mục sang trang khi "vận thơ", "thời thơ" bước đến.

    VÀI Ý KIẾN CHO NHỮNG CUỘC THI LẦN TỚI:

    1.Về ban tổ chức: Cuộc thi mang danh ĐBSCL, chúng ta nên thành lập một BTC không chỉ là nhân sự của một tỉnh, phó thác cho một tỉnh. Tỉnh đăng cai có thể chịu trách nhiệm về công việc hành chánh, còn toàn bộ công tác tổ chức lãnh đạo, phương thức thực hiện phải được sự đóng góp, quyết định của một BTC dày dặn kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động văn chương. Có như thế mới tạo được niềm tin và đạt hiệu quả cao.

    2.Về ban giám khảo: BGK được BTC mời và ủy thác về chuyên môn, nghiệp vụ... phải có vai trò chính thức, chịu trách nhiệm trước công chúng và luật pháp về những quyết định của mình. BTC không choàng tay gánh thay trách nhiệm của BGK. Có như thế mới tạo được niềm tin nơi tác giả và công chúng.

    3.Về truyền thông: Những tác phẩm qua sơ khảo nên công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, vừa là để tuyên truyền thường xuyên về cuộc thi, vừa là để mời gọi nhiều người gởi bài dự thi, vừa khích lệ tác giả và thu thập ý kiến độc giả, làm cứ liệu tham khảo cho BGK chấm thi.

    4.Về giải thưởng: Giá trị giải thưởng phải cao, xứng tầm, thể hiện được tính cách hào sảng của vùng ĐBSCL phù sa dào dạt. Hãy sử dụng kinh phí từ nguồn tài trợ của các đơn vị kinh doanh, không chỉ trong vùng ĐBSCL mà mở rộng phạm vi cả nước.

    5. Về thể lệ:

    Mỗi kỳ thi nên xác định rõ ràng mục đích của cuộc thi. Ví dụ:

    + Thi để tìm kiếm, khích lệ những tác giả là người ĐBSCL thì chủ đề tự do, miễn tác giả có lý lịch (nguyên quán) là dân đồng bằng.

    + Thi để tìm những bài thơ hay về ĐBSCL thì tác giả khắp nơi có thể dự thi, chủ đề phải viết về vùng đất ĐBSCL.

    VỀ NHỮNG Ý KIẾN, DƯ LUẬN XUNG QUANH CUỘC THI:

    Cuộc thi nào cũng có nhiều thị phi; thi văn chương nghệ thuật thì thị phi càng nhiều, dư luận trái chiều càng lắm kiểu, bởi các qui chuẩn hầu hết chỉ dựa trên cảm nhận cá nhân.

    Theo dõi dư luận xung quanh cuộc thi lần này chúng tôi thấy hầu hết là cực đoan thiếu thiện chí. Chúng tôi cũng rất thông cảm vì biết các bác nóng lòng, nhưng các bác hiểu cho, cả cái nền bóng đá hoành tráng của chúng ta được toàn thể nhân dân nâng niu, dốc cho đủ thứ là thế, các cơ bắp lực lưỡng là thế mà đã đâu "thoắt cái trở thành" như "ước mơ chính đáng" của mình được; huống là nhà thơ nhà văn chúng ta; giai đoạn quá độ tư duy để dẫn đến tác phẩm hoàn mỹ đâu đơn giản như con ong hút miếng đường ra miếng mật. Giải thơ tầm cỡ cả nước bòn mót vật vã vẫn thiếu thơ hay. Chúng tôi đọc thơ dự thi ĐBSCL lần này cũng có đọng lại được mấy câu thao thiết:

    "Và trong đám đờn ca tài tử
    Có kẻ ngồi im lặng dóng tai nghe
    Quê nhà mút tận phương trời khác
    Sầu cũng nguôi theo giọng xuống câu xề… 
    (Cao Thoại Châu)

    Đâu cần phải đủ cả một bài thơ hay, có những nhà thơ đi vào lòng người đọc chỉ với vài câu thậm chí là chỉ một. (Đọc 1 câu: "Em có nghe mùa thu" của Lưu Trọng Lư hoặc: "Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" của Phạm Hữu Quang thì cái gì đã khiến ta xúc động? Nào có phải vì mấy từ ngữ bình thường ấy đâu!)

    Chúng tôi không biết các bác cập nhật cái mới đến cỡ nào, đọc thơ với thái độ ra sao, chớ nếu chịu mở lòng, thì những câu thơ thế này chắc cũng đem đến được cho các bác chút xúc cảm cùng tác giả:

    "Tiếng gà gáy gõ cho lòng chợt sáng

    … …

    Bên dòng kinh quen im lìm phèn mặn
    Bằng bộ mặt nhiều màu nổi váng những tâm tư… 
    (Nguyễn Ngọc Tân)

    Hay:

    "Rãnh đất cọ lòng bàn chân tạ lỗi
    Xòe tay chai sạm giấc mơ"
    (Nguyễn Thanh Hải)

    Và rải rác trong các bài thơ đoạt giải, ta vẫn có đôi lúc dừng lại với những câu "đọc được"…

    Ngoài những ý kiến về chuyên môn, những vấn đề khác chỉ là những thị phi không đúng sự thật (chúng tôi không có "gà vịt" gì ở đây, cũng không dám đạp hay chà ai hết. Thiệt!)

    Chúng tôi chân thành cám ơn sự quan tâm của tất cả mọi người. Mong rằng những cuộc thi sau này sẽ mang đến những kết quả cao hơn, không phụ lòng mong mỏi của những người yêu thơ và có thể góp phần làm cho văn chương ĐBSCL xứng tầm với con người, vùng đất ĐBSCL hào sảng và trù phú.


  14. Out of the Shadows

    Carrie Richards

     

    When the day is done, the sun goes down, and shadows fall away

      I’m thankful for each friend I have, and for each blessing of today

        As day folds up with fragile wings,  as darkness steals the sky

          When family comes inside to sleep, and love rests in the eyes

            There is gold within this solitude,

               …and I will fill my prayers with gratitude

     

    Bản dịch: BÓNG NGÀY ĐÃ TẮT

     

    Ngày đã xong việc/ mặt trời xuống dần/ bóng ngày lùi xa

    Cám ơn bạn bè/ chúc phúc từng người/ an lành hôm nay

    Ngày qua xếp lại đôi cánh mỏng manh/ mặc cho bóng tối chiếm bầu trời xanh

    Cả nhà đi ngủ/ ánh mắt yêu thương/ cô đơn quí báu

    Lấp đầy nguyện cầu là lòng biết ơn

     

    Bản dịch lục bát: dhh

     

    Ngày làm xong việc của mình

    Mặt trời xuống núi bóng dần lùi xa

    Cám ơn chúc phúc cả nhà

    An lành luôn được như là hôm nay

    Ngày vừa xếp đôi cánh gầy

    Mặc cho bóng tối bủa vây bầu trời

    Yêu thương ánh mắt nụ cười

    Tròn  giây phút của mộng đời riêng tư

    Trong lời cầu nguyện thực hư

    Tạ ơn cuộc sống giấc mơ vẹn đầy 

    • Like 3

  15. images?q=tbn:ANd9GcRMJ4cyOpD59GcUBbikMQ4

     

    RU MẸ TRẦU CAU

     

    Vườn trưa ngước ngọn cau khô

    Lòng tha hương chạnh mơ hồ cõi xa

    Tìm quanh câu hát nuột nà

    Tiếng chim quạnh bãi tha ma vẳng lời

     

    Dây trầu dăm lá úa rơi

    Tay lần cánh võng ạ ời à ơi

    Mẹ giờ hồn phách ở nơi

    Thềm rêu con lại tự ngồi ru con.

     

    HN

     Bài RU này hay lắm nghen, đáng có một lời bình cho ra trò, một bài đằm thắm, có chất Hà Nội lắm.. Nhưng đó là việc sau này và dành cho các nhà phê bình thơ. Mình chỉ nhận xét vui câu cuối cùng: Thềm rêu con lại tự ngồi ru con. 

    Trong câu thơ có hình ảnh thật xưa: ru con, một hình ảnh truyền thống, là tình mẫu tử thiêng liêng, cũng là nét văn hóa quí và đẹp của người Việt. Nhưng  nay, ai còn ngồi ru con, và ai còn thuộc lời ru nào; mất mát lớn quá. Mình tự hỏi, chuồn viết cho ai hay chính là của chuồn đấy nhỉ. Nếu vậy có thể chuồn là người mẹ trẻ hiếm hoi của thế kỉ này rồi. Câu thơ lay động sẽ làm nhiều người nhớ

    T^óm lại hôm nay mới thực chiêm ngưỡng tài thơ của chuồn chuồn ớt nhé. :eric:

    • Like 3

  16. ừa rồi sau khi công bố kết quả cuộc thi thơ 1 tháng trên Facebook, có sự trao đi đổi lại của Trần Mạnh Hảo và Lê Huy Mậu được nhiều bạn đọc gửi ý kiến qua comment trên blog NTT. Nhiều comment chửi bới anh Hảo và anh Mậu không hợp với quan điểm của blog NTT đã bị admin kiểm duyệt lưu lại không cho hiện. Tuy vậy, anh Hảo vẫn la làng là anh bị “ném đá” tơi bời. Với một bài viết la làng, ăn vạ, vu đồng nghiệp “chống đảng” (đăng trên danchimviet.info) kèm những thông tin bịa đặt, anh Hảo đã bộc lộ hết con người anh. Lê Huy Mậu từ chối không trao đổi lại. NTT thì chỉ cười nói “Sau bài viết đó, Hảo nợ tớ 80 triệu”, vì có một chi tiết nói về tiền. 


    Bài dưới đây là thư của Lê Huy Mậu (không đối thoại với anh Hảo) gửi cho 2 tác giả trẻ được giải và comment của Luc Lac (không rõ Lục Lạc hay Lúc Lắc) góp ý với anh Hảo và anh Mậu. Xin giới thiệu cùng bạn.  



    *

    Thư Lê Huy Mậu gửi Sâm Cầm và Hoàng Anh Tuấn! 

    Cháu Sâm Cầm và Hoàng Anh Tuấn thân mến!


                 Trên trang  FB cá nhân, bác có viết một vài cảm nhận, nhân đọc bài phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo về giải thưởng cuộc thi “Lời tỏ tình đầu tiên” trên Facebook. Bài viết được đăng lại trên trannhuong.com và nhathonguyentrongtao. Nhà thơ TMH có  bài viết lại: XIN NHÀTHƠ LÊ HUY MẬU CHỈ GIÙM CHÚNG TÔI CÁI HAY CỤ THỂ CỦA BA BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI NHẤTVÀ NHÌ TRÊN FACEBOOK. Hôm nay, bác có nhận được tin nhắn của vài người bạn, bảo rằng, phải viết tiếp cái gì đó, nhất là, phải chỉ ra được cái hay của ba bài thơ được giải nhất và giải nhì của các cháu, nếu không, bác Hảo bác í cho là khen liều, khen lấy được, và bác ấy sẽ giả lại cái “sai”, “cái hồ đồ”, “cái cố chấp” cho bác đấy!


                Phải nói ngay rằng, bác không định tranh luận gì với bác Hảo cả. Bác chỉ thấy, một cuộc thi vui trên FB, được giải hay không được giải thì cũng chỉ cho vui. Bác Phạm Thanh Long là một người yêu thơ, hào hiệp, đứng ra tổ chức một cuộc vui như thế,  thật đáng quý. Còn bác í tin tưởng ai, giới thiệu ai vào ban giám khảo là quyền bác í. Và bác í chọn một ban giám khảo có Bắc,có Nam, và họ đều là những nhà thơ có uy tín trên văn đàn, vậy là hay quá rồi,vui quá rồi! Còn giải nhất hay nhì cũng chỉ là tương đối thôi. Vậy mà bác Hảo bác í chê ỏng, chê eo, bác í làm buồn lòng các cháu, buồn lòng Ban giám khảo, buồn lòng bác Phạm Thành Long. Bác đọc bài của bác Hảo, bác thấy, bác Hảo bác í làm to chuyện quá, làm như chọn trao giải cho ba bài thơ của các cháu là làm tổn hại đến cái đền đài thơ Việt, là làm hỏng thị hiếu thơ hay của dân tộc ta, của nhân dân ta  không bằng!


              Bác chỉ muốn nhắc lại, làm gì quan trọng thế! Cuộc thi có phạm vi và quy mô của nó. Vả lại, BGK họ công tâm, họ làm việc nghiêm túc, và nhất nhì như họ chọn là xứng đáng đấy chứ!


               Bác không có khả năng và thì giờ để chỉ ra cái hay, cái lạ của ba bài thơ được giải như bác Hảo yêu cầu, bác cũng không định tranh luận gì, nhưng hôm nay, bác có đọc trên trang nhathonguyentrongtao, thấy có comment của Lục Lạc (1), chỉ hộ cái hay của bài “Mùa phơi váy” của Hoàng Anh Tuấn rồi, lại bảo vì vội, nhưng sẽ chỉ ra cái hay, cái lạ trong hai bài thơ giải nhất của Sâm Cầm nữa. Bác hy vọng sẽ được đọc tiếp cái comment thân thiện đó !


                 Tuy nhiên, cho dù chẳng có comment nào khen các bài thơ được giải trên FB của các cháu thì các cháu cũng đừng lấy thế làm buồn. Các cháu làm thơ, làm như mình nghĩ, viết theo cảm xúc mình có, và, dự thi là để cho vui, BGK họ bảo hay, họ chấm giải nhất, giải nhì cho các cháu. Nói theo giọng của d/c X, là, các d/c giám khảo giao nhiệm vụ giải nhất, giải nhì  thì tôi nhận! Tôi có xin đâu!


                 Điều bác muốn nói với các cháu là, Ban giám khảo chấm giải cho các cháu là những người có uy tín và nhiệt tình. Trước một cuộc thi thơ thường có rất nhiều sự chọn lựa, để cuối cùng đưa ra một sựchọn lựa mà thôi! Và, sự chọn lựa của mỗi thành viên giám khảo cũng chì là một trong số các chọn lựa, đòi hỏi phải khớp với sự chọn lựa của những người khác!


                  Chúc mừng các cháu! Hãy tiếp tục làm thơ, làm như mình nghĩ, mình tin, hãy trân trọng lắng nghe cả người khen, kẻ chê, nhưng, làm thơ thì hãy làm như mình nghĩ, mình tin ! Rất mong được đọc những bài thơ mới của các cháu!                                                                                      23/7/2013



  17. THƠ TOYO SHIBATA

     

    Cụ bà Toyo Shibata coi những bài thơ là một cách để cảm ơn những người đã chăm sóc cô trong suốt cuộc đời dài của mình: "Tôi đã sống đến tuổi này nhờ hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, những người chăm sóc và các bác sĩ, và đang chuyển lòng biết ơn của tôi vào thơ nói với họ, '. Cảm ơn bạn, tôi thực sự hạnh phúc "Khi được hỏi về quá trình sáng tạo, cô nói:" Tôi suy nghĩ về nhiều điều:. quá khứ của tôi, gia đình của tôi, cuộc sống hàng ngày của tôi, tôi đắm mình trong ký ức của tôi và viết về họ. " Kết quả câu là một kết hợp của các quan sát về cuộc sống, những vấn đề trong nước, những người xung quanh và phát triển cũ.

     

     

    QUA TUỔI 90

     

     

    九十を越えた今

     

     

    一日一日が

     

    とてもいとおしい

     

    頬をなでる風

     

    友からの電話

     

    訪れてくれる人たち

    それぞれが

     

    私に

     

    生きる力を

    与えてくれる

     

    Now I’ve passed 90

    Each day is

    So precious
    The wind that brushes my cheek

    A phone call from a friend

     

    The people who come to visit
    Each of them in their way

    Give me

    The strength to live.

     

    Tuổi đã hơn chín mươi

    từng ngày là rất quí

    gió vuốt ve trên má

    bạn bè nhắn mấy lời

     

    bao nhiêu người ghé thăm

    mỗi người theo một lối

    tất cả đều cho tôi

    Sức sống thật tươi mới

     

    dhh dịch thơ

     

     

    Really, to call it unhappiness

    Don’t sigh

    Sunlight and zephyrs don’t play favorites.

    Dreams are seen equally, you know.

    Though there were hardships in my life, I’m glad I went on living.

    You should too, without getting frustrated.

     

     

    Gọi tên bất hạnh, thực lòng

    Nắng lên gió tới mà không vui đùa

    Giấc mơ nào cũng như nhau

    Khó khăn dù mấy tôi nào thở ra

    Đừng lo lắng quá  dẫu là

    Sống đi đừng để cho ta nản lòng

    • Like 1

  18. MỘT VÀI QUI LUẬT VỀ DẤU HỎI NGÃ CỦA TIẾNG VIỆT  CHÚNG TA.

     

    Dấu hỏi ngã được căn cứ vào ba qui luật căn bản: Luật bằng trắc, chữ Hán Việt và các qui luật ngoại lệ.

     

    A. LUẬT BẰNG TRẮC

     

    Qui luật bằng trắc phải được hiểu theo ba qui ước sau.

     

    1. Luật lập láy

     

    Danh từ lập láy tức là một chữ có nghĩa nhưng chữ ghép đi theo chữ kia không có nghĩa gì cả.


    Thí dụ: vui vẻ, chữ vui có nghĩa mà chữ vẻ lại không nghĩa, chữ mạnh mẽ, chữ mạnh có nghĩa nhưng chữ mẽ lại không hề mang một ý nghĩa nào hết, hoặc chữ lặng lẽ, vẻ vang...

     

    2. Luật trắc

     

    Không dấu và dấu sắc đi theo với danh từ lập láy thì chữ đó viết bằng dấu hỏi (ngang sắc hỏi).

     

    Thí dụ:

     

    Hớn hở: chữ hớn có dấu sắc, thì chữ hở phải là dấu hỏi.

    Vui vẻ: chữ vui không dấu, thì chữ vẻ đương nhiên phải dấu hỏi.

    Hỏi han: chữ han không dấu, như thế chữ hỏi phải có dấu hỏi.

    Vớ vẩn: chữ vớ là dấu sắc thì chữ vẩn phải có dấu hỏi.

    Tương tự như mắng mỏ, ngớ ngẩn, hở hang,...

     

    3. Luật bằng

     

    Dấu huyền và dấu nặng đi theo một danh từ lập láy thì được viết bằng dấu ngã (huyền nặng ngã).

     

    Thí dụ:

     

    Sẵn sàng: chữ sàng có dấu huyền thì chữ sẵn phải là dấu ngã.

    Ngỡ ngàng: chữ ngàng với dấu huyền thì chữ ngỡ phải để dấu ngã.

    Mạnh mẽ: chữ mãnh có dấu nặng, do đó chữ mẽ phải viết dấu ngã.

    Tương tự như các trường hợp lặng lẽ, vững vàng,...

     

    B. CHỮ HÁN VIỆT

     

    Văn chương Việt Nam sử dụng rất nhiều từ Hán Việt, chúng ta hay quen dùng hằng ngày nên cứ xem như là tiếng Việt hoàn toàn. Thí dụ như các chữ thành kiến, lữ hành, lãng du, viễn xứ,... tất cả đều do chữ Hán mà ra.

     

    Đối với chữ Hán Việt được sử dụng trong văn chương Việt Nam, luật về đánh dấu hỏi ngã được qui định như sau:

     

    Tất cả những chữ Hán Việt nào bắt đầu bằng các chữ D, L, V, M và N đều viết bằng dấu ngãcác chữ Hán Việt khác không bắt đầu bằng năm mẫu tự này sẽ được viết bằng dấu hỏi.

     

    Thí dụ:

    Dĩ vãng: hai chữ này phải viết dấu ngã vì dĩ vãng không những là hán tự mà còn bắt đầu bằng chữ D và V.

    Vĩ đại: vĩ có dấu ngã vì chữ vĩ bắt đầu với mẫu tự V.

    Ngẫu nhiên: chữ ngẫu dấu ngã vì áp dụng qui luật Hán Việt nói trên.

    Lẽ phải: lẽ dấu ngã vì chữ L, phải dấu hỏi vì có chữ P.

    Tư tưởng: chữ tưởng phải viết dấu hỏi vì vần T đứng đầu.

    Tương tự như: lữ hành, vĩnh viễn,...

     

    Để có thể nhớ luật Hán tự dễ dàng, chúng tôi đặt một câu châm ngôn như thế này:

     

    "Dân Là Vận Mệnh Nước"

     

    để dễ nhớ mỗi khi muốn sử dụng qui luật Hán tự nói trên.

     

    C. CÁC QUI ƯỚC KHÁC


    1. Trạng từ (adverb)

     

    Các chữ về trạng từ thường viết bằng dấu ngã.

     

    Thí dụ:

     

    Thôi thế cũng được.Trạng từ cũng viết với dấu ngã.

    Xin anh đừng trách em nữa.Trạng tự nữa viết với dấu ngã.

    Chắc anh đã mệt lắm rồi.Trạng từ đã viết với dấu ngã.

     

    2. Tên họ cá nhân và quốc gia

     

    Các họ của mỗi người và tên của một quốc gia thường được viết bằng dấu ngã.

     

    Thí dụ:

    Đỗ đình Tuân, Lữ đình Thông, Nguyễn ngọc Yến...

    Các chữ Đỗ, Lữ, Nguyễn đều viết bằng dấu ngã vì đây là danh xưng họ hàng.

    Nước Mỹ, A phú Hãn,...

    Các chữ Mỹ và Hãn phải viết bằng dấu ngã vì đây là tên của một quốc gia.

    3. Thừa trừ

    Một qui ước thừa trừ ta có thể dùng là đoán nghĩa để áp dụng theo luật lập láy và bằng trắc nói trên.

     

    Thí dụ:

    Anh bỏ em đi lẻ một mình.Chữ lẻ viết dấu hỏi vì từ chữ lẻ loi mà ra, chữ loi không dấu nên chữ lẻ viết với dấu hỏi.

     

    Anh này trông thật khỏe mạnh, chữ khỏe ở đây có dấu hỏi vì do từ khỏe khoắn mà ra, khoắn dấu sắc thì khỏe phải dấu hỏi.

     

    D. KẾT LUẬN

     

    Văn chương là linh hồn của nền văn hóa, viết sai dấu hỏi ngã có thể làm sai lạc cả câu văn, đó là chưa kể đến nhiều sự hiểu lầm tai hại cho chính mình và người khác cũng như các việc trọng đại. Không gì khó chịu cho bằng khi đọc một cuốn truyện hay nhưng dấu hỏi ngã không được chỉnh tề.

    Một ký giả người miền Nam trong câu chuyện thân mật tại một quán phở thuộc vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã thành thật công nhận điều thiếu sót và tầm quan trọng của dấu hỏi ngã trong văn chương Việt Nam.Và cũng chính vị ký giả lão thành nói trên đã khuyến khích chúng tôi viết bài này trong mục đích làm sống lại sự phong phú của nền văn chương, văn hóa Việt Nam chúng ta, nhất là đối với những thế hệ trẻ hiện đang lưu lạc trên xứ người.

     

    CAO CHÁNH CƯƠNG

    Trích tài liệu khóa Tu nghiệp Sư phạm 1991 Của các Trung tâm Việt ngữ Miền Nam


  19. BBC vừa loan tin: " Việt Nam là một đất nước yêu thơ, ra ngõ là gặp nhà thơ. Mới đây trên Facebook Việt Nam có tổ chức cuộc thi thơ lần thứ nhất năm 2013 với chủ đề Lời tỏ tình đầu tiên. Hoan nghênh sáng kiến này, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã quyết định tài trợ 100.000 USD cho Ban tổ chức làm giải thưởng cho các tác giả đoạt giải. Đồng thời mời người đoạt giải nhất đến dinh thự riêng của Mark Zuckerberg tại Mỹ để dự tiệc chiêu đãi kèm phần thưởng 10.000 USD. "

    • Like 1

  20. VÀI CẢM NGHĨ VỀ CUỘC THI THƠ FACEBOOK

     

    Theo báo mạng Thơ Trẻ : “Tổng kết trao giải Cuộc thi thơ trên Facebook chủ đề “Lời tỏ tình đầu tiên”

          “Sáng nay, 18/7/2013 tại khách sạn Continental (Quận 1, TP .HCM), đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi thơ đầu tiên trên Facebook chủ để: “Lời tỏ tình đầu tiên” theo sáng kiến độc đáo của ông Phạm Thanh Long – một người yêu thơ.

          Cuộc thi này do ông Phạm Thanh Long đề xuất ý tưởng kiêm nhà tổ chức và nhà tài trợ. Mọi chi phí tổ chức đều do cá nhân ông Phạm Thanh Long lo liệu, không hề nhận bất cứ tài trợ nào khác. BTC nhận thấy hiện người yêu thơ và làm thơ rất nhiều, song ít có nơi để họ thể hiện mình và trình làng tác phẩm, do vậy cuộc thi ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó của nhiều người dù diễn ra chỉ trong một tháng.

          Ban giám khảo gồm các nhà thơ uy tín: Hồng Thanh Quang, Văn Lê, Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Phong Việt.”

          Theo báo mạng “Thể thao Văn hóa” :

           “Trạng nguyên thơ facebook (kèm hiện vật và tiền thưởng khoảng 20 triệu đồng) thuộc về tác giả Sâm Cầm với hai bài thơ: Sài Gòn Sài Gòn, Nấc cụt; giải Nhì (khoảng 15 triệu đồng) – Hoàng Anh Tuấn: Mùa phơi váy; giải Ba (khoảng 10 triệu đồng) – Phạm Trang: Nắng thu; Gió và em; Không thể và có thể; và 15 giải Khuyến khích. BTC cũng trao giải Bài thơ được nhiều người yêu thích nhất với hơn “4.600 like” cho tác giả Nhi Nhi Nhô Nhô và giải Thí sinh cao tuổi nhất cho tác giả Phạm Như Lương.”

     

     SÀI GÒN, SÀI GÒN

     Thơ Sâm Cầm

    Sài Gòn là những buổi sang đầy gió

    Dẫu ngọn gió không ướt

    Em vẫn nghĩ về anh

    Như đóa hoa nghĩ về một mùa đông

    Rồi hân hoan bung cánh

    Sài Gòn là những ban trưa nắng sánh

    Em nhìn tán cây lòa xòa, hấp háy mặt đường

    Và nghĩ về anh

    Như chiếc lá nghĩ về một vạt cỏ

    Lấp ló vài chiếc dép xinh

    Sài Gòn là những chiều mưa xập xình

    Có thể là cơn mưa ngân ngấn hay ào ạt đến, rầm rập đi

    Nhưng ý nghĩ của em lại vòng vèo hơn một mê cung

    Mải miết về anh như dấu ba chấm(…)

    Chờ kí tự

    Em định dạng Sài Gòn cho riêng em

    Dù nắng, dù mưa, hay vô khối ngày ẩm ương anh đều có mặt

    Tất nhiên, những buổi đêm anh biến mất

    Sài Gòn sẽ cuống cuồng tìm anh…

    Trong giấc mơ em

     

     NẤC CỤT

     Thơ Sâm Cầm

     Em ngồi nín thở

    Em uống nước rồi

    Cơn nấc lì lợm

    Anh ơi anh ơi

     

    Em ngồi bẻ bút

    Ráp chữ làm thơ

    Đêm cũng bơ phờ

    Theo từng cơn nấc

     Cái gối dửng dưng

    Cái chăn buồn bực

    Cái chữ đành hanh

    Cơn nấc lanh chanh

    Cơn ngủ đoạn đành

    Bỏ em đi mất

    Nó hờn em thật

    Anh ơi anh ơi

    Em chạy hụt hơi

    Nói trăm từ nhớ

    Cơn nấc mắc cỡ

    Nó trốn đi rồi

    Hóa ra nấc đứng nấc ngồi

    Vì em đang nợ đôi lời nhớ nhung

                                  Sâm Cầm

     

    MÙA PHƠI VÁY

     Thơ Hoàng Anh Tuấn

     Qua giêng hai rẽ sang mùa phơi váy

    Khi màu khèn đã phai nhạt hội xuân

    Bên cọn nước tay em vò vạt nắng

    Váy vén cao suối lượn bắp nõn ngần

     

    Đầu vách nứa anh gọi lời thương mến

    Khẽ thôi anh, nả trở giấc tan sương

    Bắt đền đấy, xà cạp em lấm cỏ

    Cái đêm tình thức trắng giữa lều nương

     

    Vai lù cở em địu mùa xuống chợ

    Bước xuân đi khó cản cuốn như mê

    Mùi thắng cố,rượu ngô, và phân ngựa

    Mồ hôi anh níu váy chẳng cho về

     

    Váy hoa nở trên bờ rào vẫy gió

    Lũ bướm non hau háu mắt khát thèm

    Đám trai bản muốn hóa thành lũ bướm

    Bay lạc vào miền thổ cẩm trong em

     

    Chúng đâu biết anh đã thành con bướm

    Của riêng em giữ nhịp váy đong đưa

    Em chẻ củi, se lanh hay cõng nước

    Nhớ canh chừng cất váy kẻo trời mưa

     

    Anh xuống huyện theo bạn bè làm thợ

    Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà

    Chiều nay tắt đường rừng qua bản Phố

    Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?

                                         Hoàng Anh Tuấn

          Chỉ cần đọc qua hai bài thơ đạt giải nhất mà báo “Thể thao Văn hóa” gọi là trạng nguyên thơ và bài thơ giải nhì trên, chúng tôi rất buồn vì chất lượng thơ được giải cuộc thi thơ trên Facebook do một vị thương gia yêu thơ đứng ra tổ chức và mời các nhà thơ nổi tiếng kể trên chấm giải phải nói là quá kém.

         Thơ muốn được giải phải là thơ hay; nhưng thơ không hay, thơ nhạt nhẽo, cũ kỹ như ba bài thơ trên sao lại được giải ?

          Chúng tôi xin chứng minh.

          Bài : “Sài Gòn, Sài gòn” của Sâm Cầm không có tứ, tác giả chỉ kể lể : Sài Gòn là cái này, Sài Gòn là cái khác…một cách rất dễ dãi. Cứ viết như vậy, có thể viết đến mai cũng không kể hết Sài Gòn là…hàng tỉ tỉ chi tiết đời sống…Bài thơ này cũng không có câu thơ hay; nó toàn là những câu nói tầm thường năng xuống dòng. Bài thơ do vậy không hề có cảm xúc, không có ý tưởng chứ chưa nói đến tư tưởng…Một bài thơ như thế này mà các ông gọi là hay, là trạng nguyên thơ thì than ôi, không còn trời đất gì nữa ?

          Bài “Nấc cụt” của Sâm Cầm cũng chỉ thấy nấc là nấc, không có tứ, không có câu thơ hay, cứ viết dễ dãi như thế này :

    Em ngồi nín thở

    Em uống nước rồi

    Cơn nấc lì lợm

    Anh ơi anh ơi

     

    Em ngồi bẻ bút

    Ráp chữ làm thơ

    Đêm cũng bơ phờ

    Theo từng cơn nấc

     

          Viết như thế này, người ta gọi là nói có vần, kiểu như tấu mà thôi. Xin đọc câu kết của bài này, rất mari sến, cũ ơi là cũ, sáo ơi là sáo :

     Hóa ra nấc đứng nấc ngồi

    Vì em đang nợ đôi lời nhớ nhung

          Chao ôi dòng thơ lưu bút mang tên NHỚ NHUNG này đã kết thúc trước cả thời Thơ Mới ( 1930-1945), sao hôm nay các ông lục lại mang ra cho giải nhất và còn gọi là trạng nguyên thơ ? Nhớ nhung ơi, trạng nguyên ơi, ta xin chào mi, vì mi rất sến !

          Bài “ Mùa phơi váy” của Hoàng Anh Tuấn” gợi ta nhớ đến tên tập truyện của nữ văn sĩ Võ Thị Hảo : “ Ngồi hong váy ướt”. Bài thơ này đỡ dở hơn hai bài thơ trên của trạng nguyên thơ. Tuy nhiên, bài thơ chưa vượt qua sự kể lể tầm thường, rằng anh đi qua rẫy, qua suối thấy em giặt váy, rồi phơi váy hoa làm bướm non khát thèm. Rằng anh muốn làm con bướm lượn mãi theo váy em. Nhưng hôm nay, váy em phơi trên cửa nhà người ta, tức em đã lấy chồng. Bài thơ chưa có câu thơ hay; nó cũng không có tầm khái quát gì về tình yêu đôi lứa. Đây là bài thơ làng nhàng, không hay…

          Qua cuộc thi này, chúng tôi thấy rất lo về tương lai không chỉ của nền thơ mà cả tương lai của lớp trẻ, hơn nữa là tương lai đất nước. Nhà thơ Xuân Diệu từng tuyên bố con đường thơ của ông :

    “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi

    Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu;

    Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

    Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân)

          Trong các cuộc thi thơ trước đây, cũng như cuộc thi thơ trên Facebook này, hình như lớp trẻ của chúng ta ( qua thơ) đã tách hoàn toàn mình ra khỏi đất nước và dân tộc, không hề quan tâm đến vận mệnh sống còn của Tổ Quốc nhân dân. Thơ kiểu này, phải chăng là đang thực hiện ý đồ của ai đó, muốn tách lớp trẻ ra khỏi vận mệnh của Tổ Quốc Việt Nam đang bị lâm nguy, dân tộc đang có cơ mất nước về tay giặc Phương Bắc ? Tất cả các bài thơ được giải của cuộc thi này không thấy đâu hình ảnh quê hương giống nòi đang bị giặc ngoai xâm cướp đất, cướp biển, giặc nội xâm cướp đất dân oan , xã hội bất công vô cùng, người dân sống đói khổ, vật giá leo thang, người ăn mày ăn xin quá nhiều, người lũ lượt đi làm thuê khắp thế giới, người dân phải sống trong bầu không khí thiếu tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do được yêu nước mình…

           Than ôi, khi thơ và người không còn gắn với nước với dân, không còn gắn với giống nòi tiên tổ, không còn gắn với sự tồn vong của Tổ Quốc, thơ ấy, tuổi trẻ ấy còn xứng đáng được hãnh diện chăng, huống hồ là một thứ thơ làng nhàng, ngõ cụt, dở và sến đến phát ngấy như loài thơ trên ?

     Sài Gòn ngày 20 – 7- 2013

     Trần Mạnh Hảo

    • Like 1

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...