Jump to content

Kieu Anh Huong

Thành viên
  • Số bài viết

    691
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    1

Bài viết được đăng bởi Kieu Anh Huong


  1. THÁNG TƯ HỘI KHÍ NON SÔNG

     

     

    Không ngờ sinh khí năm nay

    Tháng Tư - ngày nghỉ nối ngày

    Hôm qua lên Việt Trì giỗ Tổ

    Thanh minh, còn đó thứ bảy này...

     

    Chủ nhật mình về quê em nhé

    Ngày kia giỗ bạn lính anh rồi

    Ba mươi tháng tư lửa cháy

    Có lẽ nào ta chỉ rong chơi..!

     

    Hương thắp lên rồi, khấn gọi Thọ ơi

    Tháng tư, còn nhớ không một thuở ?

    Trại Quang Trung, đạn địch ken dày

    Quyết không cho quân ta tiến ta về Thành Phố

     

    Đất Củ Chi thêm một lần lửa cháy

    Máu loang ngực áo bạn rồi

    Đồng đội thêm bao nhiêu đứa

    Không kịp về Thành Phố giữa ngày vui...

     

    Nên tháng tư này ta phải về đây

    Thắp cho bạn bè ta vài nén hương thơm

    Nơi nghĩa trang Mười Tám Thôn Vườn Trầu

    Phía đầu ô Thành Phố...

    Có thể nhiều người không còn nhớ

    Nhưng trong ta, ký ức cháy lên rồi !

     

    Tháng Tư năm nay, ngày nghỉ nối ngày

    Sẽ mãi là tháng tư của thánh nhân trùng kết

    Bởi Vong linh tổ tiên sẽ nghìn lần siêu thoát...

    Nối vào ngày vui Đại Thắng

    Cùng những Vong hồn rất trẻ

    Chở che Đất Mẹ muôn năm...

     

    Ôi tháng tư - Hội khí Non Sông

    Ta đón nhận để thắp lên nguồn sống...

     

    Ngày 1/5/2007

    KAH


  2. HỒI ÂM TỪ NỬA BÊN KIA!

    Thân tặng MH

     

     

    Hình như cuộc đời luôn có hai phần

    Phần thực như Em đã thấy

    Anh có đủ đầy tất cả:

    "Nhà lầu-xe hơi

    Con ngoan-vợ đẹp"..!

    Nhưng đớn đau thay

    Đó lại là phần hư ảo nhất

    Bởi trái tim anh luôn quặn thắt

    Loạn nhịp-Vô hồn...

     

    Ta chỉ sống thực với chính mình

    Trong những giấc mơ rình rập

    Đêm Khép-Mở những gì rõ nhất

    Về quá khứ và tương lai...

     

    Em chẳng thể tin đâu

    Giờ này anh vẫn rất cô đơn

    Run rẩy... chơi vơi... hơn thế

    "Một thời tình trót tơ vương

    Một đời lệ nhỏ đêm trường đắng cay.."

     

    ***

     

    ...Cuộc đời hẳn có hai phần

    Phần thực như Em đã thấy...

    Nhưng đức tin không nằm phía ấy

    Đức tin ở phía bên kia

    Nơi có Chúa lòng lành...

    Xám hối !

     

    Em ơi!

    Giận người chi !

    Giận lòng chi !

    Trái tim khô héo tại vì ai đây ?

     

    23/5/2007

     

    Kiều Anh Hương


  3. HỒI ÂM TỪ NỬA BÊN KIA!

    Thân tặng MH

     

     

    Hình như cuộc đời luôn có hai phần

    Phần thực như Em đã thấy

    Anh có đủ đầy tất cả:

    "Nhà lầu-xe hơi

    Con ngoan-vợ đẹp"..!

    Nhưng đớn đau thay

    Đó lại là phần hư ảo nhất

    Bởi trái tim anh luôn quặn thắt

    Loạn nhịp-Vô hồn...

     

    Ta chỉ sống thực với chính mình

    Trong những giấc mơ rình rập

    Đêm Khép-Mở những gì rõ nhất

    Về quá khứ và tương lai...

     

    Em chẳng thể tin đâu

    Giờ này anh vẫn rất cô đơn

    Run rẩy... chơi vơi... hơn thế

    "Một thời tình trót tơ vương

    Một đời lệ nhỏ đêm trường đắng cay.."

     

    ***

     

    ...Cuộc đời hẳn có hai phần

    Phần thực như Em đã thấy...

    Nhưng đức tin không nằm phía ấy

    Đức tin ở phía bên kia

    Nơi có Chúa lòng lành...

    Xám hối !

     

    Em ơi!

    Giận người chi !

    Giận lòng chi !

    Trái tim khô héo tại vì ai đây ?

     

    23/5/2007

     

    Kiều Anh Hương


  4. CỎ VEN ĐƯỜNG

    Thân tặng "Cỏ ven đường"

     

     

    Cỏ ven đường, trong đời tôi đã gặp

    Biết bao nhiêu sương gió giập vùi

    Dẫu nát dưới chân, cỏ ơi, đừng khóc

    Bởi khóc nhiều, đời vẫn chẳng "thương" đâu!

     

    Cỏ ven đường, thuở chân đất, chăn trâu

    Tôi từng ấp ôm, mộng mơ kỷ niệm

    Bao ngọn cỏ non tôi từng ngồi đếm

    Trâu ơi, ngoan nhé, cỏ mềm...

     

    Ngọn cỏ nào xanh màu phiêu diêu

    Nâng tấm lưng trần, giữa trưa lịm mát

    Ngọn cỏ nào khâu quần, khâu áo

    Để chiều về roi cha tím chân...

     

    Ngọn cỏ nào là anh, là em ?

    (Khi ta lớn khôn hơn, bỗng thành thương nhớ...)

    Và bây giờ tôi có thêm ngọn cỏ

    Ngọn cỏ ven đường vương trên mạng sáng nay...!

     

     

    Hà Nội, ngày 09/05/2007

    Kiều Anh Hương


  5. CỎ VEN ĐƯỜNG

    Thân tặng "Cỏ ven đường"

     

     

    Cỏ ven đường, trong đời tôi đã gặp

    Biết bao nhiêu sương gió giập vùi

    Dẫu nát dưới chân, cỏ ơi, đừng khóc

    Bởi khóc nhiều, đời vẫn chẳng "thương" đâu!

     

    Cỏ ven đường, thuở chân đất, chăn trâu

    Tôi từng ấp ôm, mộng mơ kỷ niệm

    Bao ngọn cỏ non tôi từng ngồi đếm

    Trâu ơi, ngoan nhé, cỏ mềm...

     

    Ngọn cỏ nào xanh màu phiêu diêu

    Nâng tấm lưng trần, giữa trưa lịm mát

    Ngọn cỏ nào khâu quần, khâu áo

    Để chiều về roi cha tím chân...

     

    Ngọn cỏ nào là anh, là em ?

    (Khi ta lớn khôn hơn, bỗng thành thương nhớ...)

    Và bây giờ tôi có thêm ngọn cỏ

    Ngọn cỏ ven đường vương trên mạng sáng nay...!

     

    KAH


  6. CÓ MỘT VIỆT NAM GIỮA LÒNG THỦ ĐÔ WASHINGTON NƯỚC MỸ

     

    By. Kiều Anh Hương

     

     

    Tôi viết bài này trước hết vì một lời hứa, nhưng trên cả lời hứa là một ấn tượng thực sự, khó quên khi chúng tôi, một đoàn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã đến Washington D.C vào tháng 5, năm 2004 và thật bất ngờ khi bắt gặp một dáng hình đất nước Việt Nam ngay giữa lòng thủ đô Washington của nước Mỹ. Vậy mà, đã hơn một năm trôi qua, lời hứa ấy tôi chưa thực hiện được và tôi vẫn thầm nghĩ rằng mình là người có lỗi...

    Nhưng rồi, hình như những ngày qua, nhân sự kiện Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Phan Văn Khải sang thăm chính thức Hoa Kỳ, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ bang giao Việt – Mỹ, những hình ảnh từ Washington D.C ngày nào lại ập về bên tôi nhiều hơn, khiến tôi càng nhớ về cái ấn tượng khó quên nói trên từ một gia đình Việt kiều ở bên đó...

    Và có thể còn vì một lý do nữa, đó là trong mấy ngày rồi, khi một số tờ báo “lá cải” đã đăng loạn xạ lên về cái gọi là “biểu tình chống đối Chính Phủ Việt Nam” của người Mỹ gốc Việt khi Thủ Tướng Việt Nam sang bên ấy... Có lẽ, điều họ muốn nói là người Mỹ gốc Việt vẫn còn hận thù lắm lắm... Nhưng thương thay, cái trò hề chính trị ấy có vẻ như không thuyết phục được nhiều người, nhất là những người Việt đã một lần sang Mỹ... như chúng tôi. Vì vậy cái ý nghĩ phải nói đúng, viết trúng về những người Việt Nam chân chính đang sống bên Mỹ như câu chuyện tôi sẽ kể sau đây càng thôi thúc phải viết và kể ra để chia sẻ cùng bạn đọc, chia sẻ những tình cảm thẳm sâu đầy nghĩa tình và yêu nước của bà con Việt kiều bên Mỹ, dù họ đã sang bên đó bằng con đường nào...

    Câu chuyện bắt đầu bằng cái sự “thèm cơm Việt Nam” của chúng tôi.

    Bữa đó là một buổi chiều tháng 5 năm 2004; Đoàn cán bộ doanh nghiệp của chúng tôi sang Mỹ để tìm hiểu về công nghệ sản xuất phẩm màu hóa học (theo lời mời của đối tác) và chúng tôi đã có mặt ở Washington D.C được thêm vài ngày (tổng cộng tất cả là đã có hơn 6 ngày ở bên Mỹ) và dĩ nhiên là chúng tôi được tiếp đón, chiêu đãi đủ món ăn sang trọng từ Mỹ, Tây Âu đến Tàu, Nhật... đủ cả. Duy chỉ có những bữa ăn Việt Nam thực sự thì không !

    Các bạn, nếu ai đó đã một lần đi xa Tổ Quốc, thậm chí chẳng phải xa đi đâu hết, nhưng thử vài ngày không ăn “cơm ta” mà xem, ắt hẳn cái sự thèm cơm sẽ khát cháy biết ngần nào. Chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh như vậy và bữa đó, một chiều duy nhất không phải ăn chiêu đãi các loại cơm tây và nỗi nhớ về “cơm quê” càng cuộn dâng... Và vì vậy chẳng ai bảo ai, chúng tôi rủ nhau thử đi kiếm một quán cơm Tàu thôi cũng được để được ăn cơm cho đỡ nhớ; Ai dè, vừa lội bộ được vài bước trên con lộ N.W Georgetown, Washington D.C tất cả chúng tôi chợt òa lên khi phát hiện ra có một “quán” cơm Việt Nam xịn, với tên gọi cũng rất Việt Nam : Saigon inn ! (2928 M Street N.W Georgetown Washington D.C). Thế là cả lũ 4 tên ào zô !

    Điều thật sự bất ngờ đã xẩy ra từ đây : Khi chúng tôi vừa bước vào cửa hàng, một tấm đồ của Tổ Quốc Việt Nam thân thương hình chữ S bỗng đập vào mắt chúng tôi. Ôi Việt Nam, chúng tôi đang ở Việt Nam ! Không, chúng tôi đang có một Việt Nam thật sự mến thương giữa trung tâm của thủ đô Washington D.C của nước Mỹ; Mà đây không chỉ là cái bản đồ thông thường được in trên giấy mà là một công trình nghệ thuật thực thụ vì nó được gò, đúc từ nguyên liệu là đồng thau có mầu nâu sẫm như chất liệu của cái trồng đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ vậy ! Hơn thế, trên tấm bản đồ còn được thiết kế cả một giàn ống nước liên kết rất sinh động để giọt nước nguồn từ Pắc Pó cứ róc rách đổ xuôi về tận Miền Nam Tổ Quốc. Người sáng tạo ra tấm bản đồ này ắt hẳn đã có ý gì sây sắc đây!.. và cả “Quán” cơm Việt Nam cũng có một cái tên rất Việt Nam : SAIGON INN. Bất giác tôi phải lùi ra trước cửa để nhìn lại cho rõ dòng địa chỉ : 2928 M Street, N.W Georgetown, Washington D.C 20007.

    Khi cả đoàn đang tò mò vì sự bất ngờ này và không ngớt trầm trồ bình phẩm thì một người đàn ông trung niên, cao ráo xuất hiện và hình như đã nhận ra chúng tôi từ Việt Nam qua nên người đàn ông đã cất tiếng chào hết sức lịch sự bằng tiếng Việt :

    - Chào các quí ông ! Mời các Quí ông ngồi và chọn đồ ăn tối ạ !

    - Vâng, xin được chào ông chủ – Tôi nhanh nhẩu chào và chìa cánh tay ra xiết chặt, lắc lắc ..

     

    Hành động này gần như một thông điệp đoàn kết, chia sẻ và tin tưởng... khiến người đàn ông tự tin hơn, tự giới thiệu về mình :

    - Dạ em tên là Phú, Phát Phú ạ ! Em năm nay 48 tuổi (vậy là nhỏ tuổi hơn tôi rồi); Là chủ nhà hàng và hôm nay rất vinh dự được tiếp đón các quí ông ạ !

    ....

    Chúng tôi cảm ơn và gọi món, toàn những món rất Việt Nam :

    - Cơm trắng nhé !

    - Cá thu kho tộ này !

    - Canh cải nấu thịt heo nữa !

    - Có cà muối không ? Tuyệt quá, cho nhiều nhiều vào nhé !

    - ...

     

    À, mà hôm nay phải uống để mừng được ăn cơm Việt chính hiệu nhé! Cả đoàn ồ lên đồng ý. Chúng tôi chọn rượu vang Mỹ. Thôi thì cơm Việt rượu Mỹ cho nó “đoàn kết”, một đứa phán rất quả quyết và chương trình được thông qua, cho dù vẫn biết rượu vang Mỹ bên này tính theo giá Mỹ không rẻ chút nào (trên 100 US$ đấy).

    Trong khi chờ thực ẩm, chúng tôi uống rượu và nhấm nhi với một ít dưa muối, lạc rang theo đúng kiểu Việt Nam. Thật thú vị !

     

    Ông Phú thấy chúng tôi uống rượu khen ngon và nói chuyện rất vui nên bỏ mặc mấy bàn khách Mỹ (kêu vợ ra phụ giúp) rồi chạy hẳn qua bàn chúng tôi.

    Khát thông tin về Việt Nam, đó vẫn là đặc điểm chính của người Việt bên Mỹ. Phú hỏi chuyện nhiều lắm. Có cái gì biết chúng tôi đều trả lời hết và rất cặn kẽ, nhiệt tình. Đất nước đang mở cửa và hội nhập, về kinh tế thì chẳng có gì là phải “bí mật” cả. Chúng tôi cũng không quên khuyên Phát nên sớm trở lại thăm quê.

    Được lời như cởi tấm lòng, Phú kêu vợ mang ra thêm một chai vang, rồi một chai vang nữa, nói là các anh yên tâm đi, rượ này là rượu ngiã tình vợ chồng em chiêu đãi... ấy vậy mà vui quá, bữa đó bình quân mỗi người chúng tôi (cả Phú nữa) đã “đả” hết 1 chai.

    Khi thực khách Mỹ đã ra về gần hết, Phú gọi toáng lên, mời cả vợ ra giao lưu, rồi hỏi thăm, nói chuyện về Việt Nam.

    Khác với những giây phút ban đầu, những do dự ngập ngừng đã hoàn toàn biến mất; Chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp nhau, hàn huyên đến tận 10 giờ đêm mới quay về khách sạn. Bây giờ tôi mới chợt nhớ và hỏi :

    - Thế khách Việt Nam qua đây có nhiều không và có hay vào “quán” nhà mình không ?

    - Dạ thỉnh thoảng, nhưng có lẽ ít người biết nên chúng em cũng ít có được những bữa vui như hôm nay !

     

    Ra thế ! Tôi chợt nghĩ, từ sứ quán Việt Nam tới đây cũng không quá xa; Nếu biết có một nhà hàng Việt Nam như thế này giữa ngay thủ đô Washington D.C của nước Mỹ thì chắc hẳn không có người Việt Nam nào khi đã sang tới đây lại không muốn ghé thăm như chúng tôi và còn vì một lý do hết sức chính đáng nữa là “thèm” cơm Việt Nam như chúng tôi; Và vì vậy tôi đã hứa sẽ nhờ bạn bè giới thiệu hộ lên internet. Nhưng lời hứa đó đến tận hôm nay tôi mới thực hiện được và còn vì một lý do nữa – thằng bạn nhà báo của tôi cứ bảo : chính máy phải viết mới thật là ấn tượng. Tôi đã nghe theo và hôm nay, trước hết tôi xin được gửi tới vợ chồng Phú bài viết này và tôi chỉ muốn nói một điều duy nhất : nếu bạn không yêu nước và không có một tái tim Việt Nam đích thực thì bạn không thể tạc được dáng hình của đất nước Việt thân yêu vào giữa lòng thủ đô Washington D.C kiêu vỹ !

     

    Còn một điều nữ hết sức riêng tư nhưng tôi vẫn phải được nói : chuyến sang Mỹ đó đối với cá nhân tôi thật sự kỳ lạ như một phép màu : ngày 15/05/1970 tôi gia nhập quân đội và lên đường vào Nam đánh Mỹ và đúng ngày đó - 15/05/2004, 34 năm sau, chính tôi lại được đặt chân lên đất Mỹ để gặp lại những người bên kia chiến tuyến, nhưng bây là họ đã là những người bạn chân thành...

    Muốn khép lại quá khứ thì chính chúng ta phải đến và cá nhân tôi thực sự chăm chú dõi theo tin tức về chuyến viếng thăm của thủ tướng Chính Phủ Việt Nam có lẽ cũng vì vậy !

     

    Hà Nội, ngày 23/06/2005


  7. Kiều Anh Hương

     

     

    HẠNH

     

    Truyện ngắn

     

    Thường chị tôi vẫn hay mắng yêu:

    - Này, cậu ơi, ba mươi tuổi mà không lấy vợ là dễ bị ”hâm…” lắm đó. Thôi thì cưới đại cô nào đi mà chẳng được để tụi con nít còn ăn kẹo! Kén vừa vừa thôi…

     

    Trời đất, quả thật, nào tôi có kén chọn gì đâu! Những lúc như vậy, cái đầu của tôi như bị hấp điện; Tai tôi ù lên, còn tụi trẻ con thì được dịp adua, nhất nhất đòi quà. Tức thật, nhưng có lũ trẻ lại hóa hay, tôi có cớ để “chuột rút”…và dĩ nhiên, không quên kéo theo chúng nó.

     

    Đêm về, nằm một mình và chợt nghĩ vẩn vơ; Chẳng nhẽ mình đã hâm thật rồi sao? Có một nỗi buồn cứ mênh mang ngập tràn hồn tôi! Đêm nay trăng thật sáng. Mà lạ thật, mang tiếng là Thị Xã - Trung tâm văn hóa của cả một tỉnh mà đến giờ này đường phố khu phố nơi tôi ở vẫn chưa có điện, đêm nào cũng tối thui; Nhưng thế lại hóa hay, ánh trăng thay điện, thanh bình quá…Ngoài phố, tiếng í á, i ới của nam thanh, nữ tú đang gọi nhau; Đêm nay, ở nhà hát lớn có chiếu phim (thực ra chỉ là một cái sân khấu ngoài trời được xây giữa lòng Thị Xã vào đầu những năm 1960); Tiếng xích xe đạp khô dầu cót két, cọt kẹt; Tiếng trai gái ghẹo nhau chanh chua…Từng đôi, từng đôi đang đèo nhau bằng xe đạp và lao đi vun vút trong trăng như đi trong cổ tích…Lòng tôi đã buồn, càng buồn thêm.

    Hình như cuộc đời là phải vậy: cưới vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái…Mấy ai cưỡng lại được qui luật! Tôi đâu có phải là người ngoài hành tinh mà “dám” thờ ơ với cái qui luật muôn đời ấy. Bạn bè vẫn quanh tôi, công việc vẫn quanh tôi…, hết thảy tôi đều yêu kính. Thi thoảng trong số đó đã có lần tôi bắt gặp một ánh mắt khác thường khiến lòng mình bối rối…Nhưng thiệt tình mà nói, trái tim tôi đang thuộc về một con người; Chính xác hơn là thuộc về một kỷ niệm! Kỷ niệm đó đã theo tôi suốt một chặng đường dài trong những năm đánh Mỹ…

    ***

    Quê tôi có doi cát trắng mênh mông. Những năm đánh Mỹ, đây là vùng tuyến lửa hết sức ác liệt. Tôi lớn lên và đi học trong những chiến hào. Lớp học ngày ấy cũng phải nằm chìm sâu hơn so với mặt đất (chúng tôi gọi là Lán, làm toàn bộ bằng tranh, tre, nứa, lá…). Lán học thường ẩn dưới những lũy tre xơ xác gió…. Mỗi buổi học, thậm chí từng tiết học thường phải dừng lại vài ba lần là chuyện bình thường. Bom đã rơi cả vào lớp học trẻ thơ và đã từng hất bay Lán 10A…

    Khó khăn là vây, nhưng sự nghiệp giáo dục thì không thể dừng lại; Bằng mọi cách, thầy và trò chúng tôi vẫn phải tồn tại. Năm 1968, lớp học của chúng tôi thậm chí phải hạ sâu xuống như những hầm địa đạo mới có thể tiếp tục học tập được. Nhưng từ trong chiều sâu của lòng đất quê hương, chúng tôi đã bắt đầu làm quen với những bài toán không gian rộng lớn. Nghĩ lại cũng thật kỳ lạ, chính trong những năm tháng đó, tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi lại cảm nhận được một cách thật rõ ràng nhất về tình yêu Tổ Quốc, Quê hương thông qua việc học tập hàng ngày…

    -Ngày mai, các em ạ, chúng ta phải tin như vậy, tương lai sẽ thực sự thuộc về các em; Muốn thế, các em phải biết bắt đầu từ những công việc bình hôm nay; Đó là phải học toán-học thật giỏi môn toán!... – Cánh tay gầy guộc của thầy giáo Thành Dương dạy toán chúng tôi thường vẫn giơ lên, xòe ra rồi nắm chặt lại; Vầng trán thầy nhăn nhíu…

     

    Mà quả thật, làm sao có thể khác được, khi mỗi trái bom Mỹ đang rơi trên đầu chúng tôi đều là cả kết quả của một sự tính toán “siêu việt”. Những bài toán hủy diệt đã và đang làm điên đầu cả cái Nhà Trắng ở tận nữa bên kia địa cầu. Đối chọi lại chúng, không thể khác, cũng phải bằng trí tuệ thật sự; Trong chiên stranh, con người không thể chỉ sống đơn lẻ với một thứ tình yêu trừu tượng…Đối với chúng tôi những năm tháng ấy là phải học, học thật tốt và điều đó đã trở thành hiển nhiên như một lẽ sống giản dị không thể khác…

    Khẩu hiệu của thầy và trò là: “Học tập tốt là thắng Mỹ; Mỗi điểm 5 là một chiến công diệt Mỹ” (thời đó thang điểm học tập cao nhất là 5)… Cả trường đều ngùn ngụt khí thế thi đua học tập tốt. Nhưng, với riêng “cư dân lớp 10D” chúng tôi (chỉ vẻn vẹn có 20 người), học tập phải luôn đạt kết quả cao nhất, bởi vì chúng tôi là một trong số ít ỏi những học sinh giỏi toán của tỉnh (thời đó gọi là học sinh”đặc biệt”). Vì vậy, chúng tôi luôn trở thành niềm hy vọng của Nhà trường, thầy cô và bè bạn…

    Sẽ chẳng có điều gì phải nói thêm (và thậm chí hình như tôi đã đi lạc đề thì phải), nếu như mọi “sự đời “ đều suôn sẻ…, sau 5 năm, 10 năm, trong số chúng tôi sẽ có người trở thành kỹ sư, bác sĩ, những công trình sư, bác học…, vâng âu cũng là lẽ tự nhiên; Nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ đã diến ra ngày càng ác liệt hơn; Khi đó, tôi đang học năm chót của bậc phổ thông và nếu bình thường thì học sinh lớp “đặc biệt” của chúng tôi sẽ không đời nào được gọi đi bộ đội, chúng tôi là “của để giành”, là hạt giống cách mạng chuẩn bị cho tương lai nước nha cơ mà… Hình như tình thế đang căng lắm và ta đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công lớn ở mặt trận phía năm thì phải; Vậy nên phân nửa lớp tôi, những thằng con trai có sức khỏe tốt đều phải nhập ngũ, trong đó có tôi. Làm sao khác được, khi mà âm vang lời Bác: “Không có gì quí hơn độc lập tự do!” như một chân lý đang sục sôi khắp cả nước. Lớp 10D của chúng tôi buồn thiu, nhất là những đứa phải ở lại; Đó là vào năm 1968; Bước ngặt của cuộc đời tôi cũng bắt đầu tư đó.

     

    Buổi tiễn đưa được tổ chức tại sân trường diễn ra thật trang nghiêm; Dưới bóng tre được vít cong lại để ngụy trang, bịt mắt mấy chiếc máy bay “thần sấm, “con ma”, dù rằng không thể tập trung được toàn thể học sinh của trường (qui định của thời chiến mà!), nhưng buổi tiễn đưa như thế cũng được coi là quá đông…; Trong không khí bịn rịn đó, bỗng có một cô gái nhỏ xinh (vốn đã rất nổi tiếng vì học giỏi của lớp 8D) xuất hiện. Đám tân binh chúng tôi cứ ngẩn tò te, ai cũng cố xích gần lại, quấn quýt trò chuyện. Cơ hội mà, ngày thường đố dám!... Hình ảnh đó không bao giờ phai trong tâm trí tôi, nhất là khi thấy giáo dạy toán Thành Dương đứng lên giới thiệu người sẽ thay mặt các bạn học sinh ở lại sẽ phát biểu chia tay thì cả cái sân nhỏ như ồ lên:

    -Hạnh! Hanh! Nói thật hay vào nhé!

    -Hát đi! Hát tặng bọn mình trước khi đi nhé; Nghe hát còn hay hơn!...

     

    Hạnh mặc cái áo xanh màu nõn chuối và lọt thỏm giữa sắc xanh màu áo lính càng trở nên nhỏ bé. Hai bím tóc của Hạnh xòe ra; Đôi mắt thật to và đen; Má đỏ dừ… Tôi cố thật chăm chú để lắng nghe nhưng qua thật chẳng thể nghe được điều gì nữa, dẫu khoảng cách chỉ chừng một cái với tay. Tai tôi ù lên. Hạnh hình như cũng đáng rất xúc động và như cố tình lảng tránh cái nhìn khác thường của tôi…

    Quái lạ, chỉ ngần ấy thôi ư mà sao nó đã khắc sâu trong tâm trí tôi và theo tôi vào cuộc chiến đấu sau này…?!

     

    ***

     

    Hết chiến tranh, xuất ngũ, về quê ôn tập được hơn một tháng, tôi cũng kịp thi đỗ vào đại học. Nhớ lại giây phút khoác ba lô về làng (nhà tôi phải sơ tán về thôn quê mà), tôi thật sự vẫn bàng hoàng không hiểu vì sao mình vần còn vẹn nguyên để trở về với quê hương. Gần bảy năm bom lửa ác liệt ở mặt trận Trị Thiên với bao lần sốt rừng, đói cơm, nhạt muối, bom B52, đạn thẳng, pháo bầy… vậy mà, một đứa học trò non choẹt như tôi cũng vượt qua được, kể cũng kỳ lạ…

    Nhưng lạ kỳ hơn, hình như trong mỗi bước quân hành của tôi đều có sự góp sức của Hạnh. Những câu thơ tôi viết ngày nào, hình như cũng hàm chứa cả ý kiến của Hạnh (đã phát biểu trong ngày tiễn đưa chúng tôi ra trận). Thời ấy, đối với tuổi trẻ chúng tôi, triết lý sống thật giản dị:

    Không sợ đói nghèo

    Chỉ sợ không được đi đánh giặc

    Chiến trường hơn mọi bài ca !

     

    Bây giờ nghĩ lại thì thấy nó hào hùng vậy, nhưng những ký ức về chiến tranh và sự tàn khốc của nó, với tôi đâu có dễ nguôi ngoai. Nhiều năm sau đó, tôi vẫn luôn sống trong tâm trạng của một người lính như đi, đứng, ăn ngũ…Đã bao lần tôi giật mình, choàng tỉnh giấc mỗi khi nghe một tiếng động quanh mình và… vội vàng chộp lấy súng…Thì ra không phải, chiến tranh đã đi qua , chẳng còn súng ống đâu mà chộp; Buồn cười quá! Tỉnh giấc, không ngủ lại được nữa; Những kỷ niệm xưa lại ập về; Bao nhiêu khuôn mặt bè bạn; Bao nhiêu dáng hình đồng đội; Bao nhiêu kỷ niêm buồn vui… Nhưng bao giỡ cũng thế, cuối những dòng hồi ức ấy, điểm chốt lại vẫn luôn là một khuôn mặt có đôi mắt to đen láy… thật khó quên; Đó là Hạnh!

    Hạnh, của tôi, giờ này bạn đang ở đâu? Lại một câu hỏi lại? Thật buồn cười và cũng thật ngô nghê xấu hổ nữa. Nào biết người ta còn mảy may nhớ tới mình hay không mà cứ thầm hy vọng. Rõ là quá viển vông. Biết vậy nhưng không thể quên được. Kỷ niệm đã ngự trị trong nỗi nhớ lấp lánh; Và cái chất lãng mạn học trò vẫn luôn thôi thúc tôi đi tìm Hạnh…Tôi đã gặp may?

     

    Ba năm sau, trong một hội nghị khoa học của sinh viên với tiêu đề: “Tuổi trẻ sáng tạo”, tôi tình cờ gặp lại Đức-thằng bạn cũ cùng học 10D. Ngày ấy Đức không phải đi bộ đội vì được mệnh danh là “Đức hoi”, nhỏ thó và gầy như ma đói. Còn bây giờ Đức trông lại rất phổng phao và “hoành tráng” quá; Có lẽ “cơm tây” đã làm thay đổi hoàn toàn các tế bào sống của nó… Bây giờ Đức đã là một thầy giáo, vâng chính xác là thầy giáo dạy toán (điều không nằm ngoài dự báo của thầy Thành Dương khi xưa!). Trong hội nghị, Đức trình bày một chuyên đề có tên: “Từ lý thuyết các quá trình Optiman-ứng dụng để giải bài toán tối ưu về lược đồ mạng điện thành phố”. Tôi say sưa nghe Đức thuyết trình; Không hiểu được nhiều, nhưng thật lý thú và điều quan trong hơn là hết sức tự hào về bạn. Đức đã và đang thực hiện được những mơ ước khi xưa của Thầy giáo Thành Dương. Đúng, “không một nghiên cứu nào của con người được gọi là chân thực, nếu nó không thông qua những chứng minh khoa học!”. Chính Leona de Vanhxi-một danh họa thời phục hưng ở Ý đồng thời cũng là một nhà toán học tài ba đã từng nói như vậy. Đó cũng là câu danh ngôn mà thầy Thành Dương thường vẫn rất hay nhắc lại cho chúng tôi nghe như là một điều tâm đắc nhất trong cuộc đời dạy toán của Thầy. May mắn thay, trong lũ chúng tôi đã có người làm được những điều thầy hằng mong ước!

    Sau hội nghị, tôi gặp Đức; Hai đứa mừng vui khôn xiết tay cứ nắm mãi trong tay.

    -Mọi điều mình làm được chắc chắn bạn cũng sẽ làm được; Nhưng những điều bạn đã làm được thì không còn có cơ hội để làm. Chiến tranh đã kết thúc, mình thực sự xấu hổ với các bạn…

    Nghe có vẻ sáo quá, nhưng tôi biết, Đức nói thật với tất cả tình cảm từ trong sâu thắm của trái tim mình…Song, dù Đức có nói gì đi nữa thì điều quan trọng hơn, trong lần gặp gỡ đó tôi đã bắt đầu lần ra “dấu tích” của Hạnh.

    -…À, đúng rồi, bạn đang nói về Hạnh phải không? …

    Nghe Đức nói, tôi mừng rơn, nhưng bỗng dưng Đức lặng nhìn ra xa…

    -Tụi mình đã từng yêu nhau…

    Tôi như bị điện giật, mặt nóng bừng, nhưng may sao kịp trấn tĩnh lại. Đức không nhận ra điều đó hay bạn cố tình lờ đi để không làm tôi khó xử (ngày xưa, bọn con trai 10D chúng tôi đưa nào mà chả “tít” Hạnh!). Đức nói tiếp:

    -Khi về nước chúng mình đã chia tay nhau…

    -Vì sao?

    -Chuyện dài lắm, đại thể… nhưng mà thôi, nói ra mình chỉ thêm buồn…

     

    Tôi không tiện hỏi tiếp, chỉ biết rằng bây giờ Hạnh đã là một cô giáo cũng đang dạy toán ở một trường cấp 3 tận ngoại thành Hải Phòng.

    Có địa chỉ trong tay, nấn ná mãi, cuối cùng thì tôi cũng đã có được một quyết định dũng cảm: viết thư cho Hạnh. Thật khó viết, nhưng cuối cùng thì một bức thư thăm với những ngôn từ nghe chừng khá hợp lý đã hoàn thành. Chỉ còn chờ đợi sự hồi âm từ phía Hạnh; Một ngày, hai ngày…rồi một tuần. Sự chờ đợi đến nghẹt thở. Đồ dở hơi!

    Nhưng rồi cũng có một ngày mà tôi không thể quên và có thể nói là vui nhất trong đời tôi; Đó là ngày tôi nhận được thư Hạnh. Đây rồi, nét chữ con gái dẫu có cứng cỏi bao nhiêu cũng không dấu được sự thân thương, mềm mại, tròn tròn thường gặp. Hạnh thú nhận:”Dù bất ngờ, nhưng em đã nhận ngay ra anh bởi vì cái tên Đắc Diệu vốn đã hiếm gặp lại quá nổi tiếng đối với bọn con gái tụi em từ thời còn đi học mà lại…” Ôi, nghe mà sướng rơn hết cả người. Tôi nhảy cẫng lên, la hét om sòm trong kí túc xá khiến lớp trưởng phải xa xẩm mặt mày cho ngay một bài “đít cua”. Cũng may lớp trưởng cũng hiền và nhất là sau khi biết nội vụ đã kịp chia vui với tôi.

    Thư Hạnh cũng viết: “Mấy anh lớp “đặc biệt” cũng kiêu lắm cơ, ngày xưa tụi con gái chúng em thật khó lại gần…” và “Anh Diệu ơi, may quá, sau khi anh đi B, lại đúng vào dịp nghỉ hè, nếu không thì nguy to, lớp học ở lán Bà Tâm bị trúng bom đấy… bà con trong xóm nhiều người bị chết và bị thương lắm… ôi, buồn qua, mà sao em lại kể chuyện này vào lúc này nhỉ…”.

     

    Thế mà, phải đến mấy tháng sau chúng tôi mới gặp được nhau. Những lá thư thăm cứ dầy lên dẫu tôi rất muốn chạy ù xuống Hải Phòng để tìm Hạnh, nhưng quả là không dễ; Thời ấy đi lại khó khăn lắm. Cho dù có “hỏa xa” xuống được Hải Phòng thì xe cọ đâu mà tìm về được tận vùng biển đảo Hải Phòng trong khi tôi là sinh viên, nghỉ một ngày còn được chứ 2 đến 3 ngày thì quả là khó khăn (tôi quen sống có kỷ luật rồi). Hơn nữa, Hạnh cũng đang trong năm học bận rộn lắm…Vì vậy, cuối cùng Hạnh cũng đồng ý với tôi là sẽ gặp nhau ở quê nhà vào dịp tết sắp đến. Còn đâu xa, hơn nửa tháng nữa thôi mà. Càng đến gần ngày tết, người tôi càng nôn nao khó hiểu. Linh tính như đang mách bảo tôi có chuyện không ổn…

    ***

    Mưa xuân lất phất bay. Phố nhỏ về chiều như náo nhiệt thêm. Thị xã nhỏ “toòng teng” thôi mà vẫn chưa hết người đi sắm tết. Tôi hồi hộp về giây phút sẽ gặp Hạnh. Biết nói gì đây, kỷ niểm chủ yếu vẫn chỉ là của riêng mình. Hạnh có khác xưa nhiều không. Bạn sẽ tiếp nhận tôi như thế nào? Còn Đức nữa, hình như họ đã lại làm lành được với nhau…Ý nghĩ của tôi cứ lăn tròn, lăn tròn theo cái bánh xe đạp tập tàng và cuối cùng thì ngôi nhà của Hạnh cũng đã ở trước mặt. Một mái nhà gỗ lợp tranh đơn sơ. Khung cửa sơn màu xanh nhạt. Cái sân nho nhỏ trước nhà có cây đào phai đã nở đầy hoa, cạnh đó hoa Tường Vi đỏ chói. Thật đẹp. Cảnh cổng vẫn kép; Tôi đang tần ngần chưa biết sẽ gọi thế nào thì một giọng con gái reo vui:

    -Ôi anh Diệu, mẹ ơi, mẹ đón giúp con…

     

    Rõ là Hạnh rồi, nhưng không thấy người đâu. Một thiếu phụ có mái tóc phai bạc ra mở cổng và mời tôi vô nhà. Mẹ của Hạnh? Chắc thế. Gương mặt của người mẹ rất thanh tú; Sống mũi cao; Mái tóc bồng kẹp gọn giống con gái thời Tây… Chỉ thế thôi cũng đủ nhận ra ngày xưa bà đẹp như thế nào.

    -Cháu ngồi xuống đi – Người mẹ rót đầy cho tôi một “đoọi” nước chè xanh thơm phức. Hình như nước cũng vừa mới được ủ kín trong cái “tícmốt” cổ rất cận thận và Bà ngồi xuống hỏi han trò chuyện…

    -Em chào anh Diệu! - Bất thần Hạnh gọi và nhẹ nhàng xuất hiện từ phía sau lưng tôi. Tôi mững rỡ không dấu được. Mẹ của Hạnh xin lỗi và ý tứ nhường chuyện lại cho hai đứa.

    Tôi quay lại.

    Hạnh! Một cảm giác bất ngờ chạy dọc sống lưng. Tôi sững người. Hạnh đẹp quá, bạn như sự hóa thân của người đàn bà vừa tiếp tôi vài phút trước đây. Hạnh cười rạng rỡ, nhưng tôi lại có cảm giác thật sự ngơ ngác. Đã có sự nhầm lẫn. Tôi chợt hiểu ra. Đây là Hạnh 8A…

    ***

    Tôi bước xuống sân ga Vinh đầy bụi cát. Gió Lào ném vào mặt từng hồi rát bỏng. Những hàng cơm, hàng quà được đậy điệm qua loa bày la liệt giữa lối đi. Bụng đói meo nhưng tôi cũng không thể xà vào. Nhưng cũng đừng lo, chỉ vài phút nữa thôi, khi dòng người từ con “tàu chợ” đổ xuống, nó sẽ như một con thuồng luồng ngốn sạch tất cả.

    Nhưng hôm nay, dòng người ấy thực sự như ong vỡ tổ đang cuộn chảy về phía cổng phụ của Nhà Ga; Đơn giản vì phía ấy hôm nay không có người soát vé. Tôi vô tình cũng bị dòng người hỗn tạp ấy cuốn đi. Tiếng la hét, tiếng chửi nhau tục tĩu… Có tiếng kêu thất thanh bị móc túi, tiếng người hò hét đuổi theo…; Gồng gánh bay cả qua đầu, qua mặt…tơi bời khủng khiếp…

    Vừa thoát ra khỏi cửa ga và lang thang được mấy bước để tìm xe ngựa về bến xe Vinh tôi bỗng sững lại và không còn tin vào mắt mình nữa. Một nữ quân nhân trong bộ quân phục đã ngả bạc với ba lô túi sách đang cố ngược dòng người đi vào phía sân ga. Trời đất, người tôi như nóng hầm hập. Hạnh. Đây mới đúng thực sự là Hạnh “của tôi” ! Và như cùng lúc, hai đứa thốt lên nhận ra nhau. Tôi kéo Hạnh ra khỏi dòng người ngột ngạt. Phía sân ga, tiếng còi tàu đang rúc lên khản đặc cả vòm trời. Tôi chỉ kịp dúi Hạnh lên con tàu hướng ngược ra phía bắc và một mẩu giấy ghi vội địa chỉ nơi tôi đang làm việc…

    -Nhớ viết thư cho mình nhé…

    ***

    Anh Diệu kính mến !

    Lẽ ra em đã có thư cho anh như đã hứa, nhưng anh biết không, sức khỏe của em mặc dù đã được bồi đắp rất nhiều, vậy mà sang bên này cái rét dưới bốn độ âm đã giáng ngay cho em một trận ốm thập tử…Các vết thương lại hoành hành. Cũng may, trong bệnh viện của đất nước Lê nin vĩ đại, em lại được tận mắt chứng kiến những gương mặt tận tụy và chia sẻ của các chị ytá, hộ lý; của các giáo sư, bác sĩ…

    Mà thôi, thư sau có điều kiện em sẽ kể tiếp cho anh nghe về họ, còn bây giờ em phải giành thời gian để được tâm sự với anh nhiều hơn, mong sao sẽ bù đắp lại buổi hội ngộ bất ngờ và quá vội vã ngày nào ở Vinh…

    Như anh biết đó, một năm sau ngày các anh đi B, em cũng nhập ngũ giữa kỳ học lớp 9 còn đang dang dở. Anh đừng ngạc nhiên nhé vì đã có quá nhiều bè bạn phê phán về cái quyết định động trời này của em. Chính em, cho đến tận bây giờ cũng không thể lý giải được vì sao em lại có một quyết định khó khăn mà dễ dàng đến như vậy. Chỉ biết rằng, từ sau lần các anh ra đi, tin tức từ chiến trường về như dồn dập hơn, ác liệt hơn…Và riêng em luôn có một cảm giác lo âu…Nhất là sau bận Lán Bà Tâm bị trúng bom, em cứ nghĩ, chắc gì ngồi học đã là an toàn. Bỗng nhiên, những điều các anh nói hôm chia tay cứ vang vọng trong tâm trí em, đại loại:

    -Tụi mình là con trai, đất nước cần tụi mình phải ra đi.

    -Các bạn gái, phải học tốt thay tụi mình....

    -Nhưng hỏi thật nhé, nếu Tổ quốc cần các bạn có sắn sàng không?...

     

    Và thế là…em nhập ngũ. Con gái, nên em được bổ sung cho một đơn vị công binh trên đường 20B, ngay phía cửa ngõ của mặt trận. Em được đào tạo cấp tốc trong một tháng để trở thành y tá và biên chế về trạm quân y. Những năm tháng đó, ngày nào em cũng phải đưa đón hàng trăm, hàng nghìn thương binh từ mặt trận ra. Ác liệt lắm. Nhiều khi em cứ ao ước được gặp lại các anh ở trường ta, nhất là các anh ở lớp D, nhưng rồi lại rùng mình, nghĩ dại, ai lại mong thế!

    Trong trùng điệp những đoàn quân, trùng điệp những gương mặt vào ra ở cửa ngõ mặt trận này, kỷ niệm về mái trường, về bạn bè, về các anh như càng dần xa, tít tắp hơn, như những ngôi sao hôm thăm thẳm ấy…

    Nhưng cuối cùng. điều không mong đợi cũng đã đến với em. Cuối chiến dịch Đường chín-Nam Lào, em bị thương rất nặng. Bom bi đã găm vào hầu như khắp cơ thể em. Lúc tỉnh lại em sợ quá và đã khóc thét lên khi thấy đầy mình bông băng trắng xóa.

    Cùng năm đó, em được chuyển về hậu phương và được ở cách nhà mình không xa; Vậy mà em không dám báo tin cho gia đình biết. Tận lúc sức khỏe đã khá bình phục, em mới dám nhắn tin cho mẹ. Biết bao nước mắt của mẹ đã chảy đầm lên vai em. Em cảm thấy có tội rất to với mẹ vì em là đứa con bướng bỉnh đã không chịu nghe lời mẹ cha…

    Mẹ sẽ không thể nào chịu đựng được nỗi đau này, nếu không trực tiếp chứng kiến nhiều thương binh là con gái như em. Họ còn mất cả chân, tay, bị lửa napan làm dị dạng…Con gái của mẹ như thế là vẫn còn may mắn lắm rồi phải không anh?!

    Sau đợt an dưỡng, em được gửi lên Lạng Sơn để học tiếp văn hóa. Ở vùng cao hẻo lánh này em lại vô cùng buồn nhớ gia đình và bè bạn; Nhiều khi ý nghĩ rồ dại, thôi học mà làm gì, về với mẹ cho bõ nhớ. Nhưng thú thực, mỗi khi nhớ tới các anh, nhất là cái buổi tiễn đưa đi B ấy; Nhớ trách nhiệm các anh nhắn gửi phải học tập cho tốt mà mình chưa thực hiện được, mọi nỗi nhớ lại nguôi ngoai…

    Chính các anh đã là những tấm gương giúp em vượt qua tất cả.. Trong học tập, em không thể không nhớ tới các anh khi xưa; Nhớ những lời thầy giáo Thành Dương ngày nào vẫn hằng nhắc đến các anh mỗi khi lên lớp…Anh biết không chính vì vậy mà riêng em được biết về anh nhiều nhất đấy. Kể cũng lạ, bao nhiêu năm rồi mà lời thầy vẫn như còn vang vọng bên tai, trong những bài giảng, trong những những câu chuyện về danh nhân… và như anh biết đấy em đã cố gắng để thi đậu vào đại học, dù chậm hơn bạn bè, nhưng không có nghĩa là thua kém phải không anh?!…

    Còn bây giờ, anh hãy tin ở em. Là con gái, làm sao bọn em có thể quên được cuộc đời và tấm gương của Kovalepxkaia, của Xophia Alếchxăng đnốpna…(*). Tự nhiên, em cảm thấy xấu hổ với chính mình nhiều quá. Chúng em sẽ còn phải cố gắng nhiều, nhiều lắm…

    Nhưng trước hết em sẽ phải chống chọi khốc liệt cả với sức khỏe và nỗi nhớ thương sâu vợi từ phía quê nhà…!

     

    Hà Nội 10/1983-

    TP.Hồ Chí Minh 5/1984

     

    KIỀU ANH HƯƠNG

     

    (*)Kovalepxkaia (1850-1891) và Xophia Alếchxăng đnốpna (1891) đều là nữ giáo sư, nhà toán học Nga trứ danh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.


  8. KIỀU ANH HƯƠNG

     

     

    TRỞ LẠI TRONG MỘT ĐÊM CHIẾN TRANH…

    Truyện ký

     

    Ngồi trong ca bin tôi liếc nhìn đồng hồ. Bây giớ đã quá 9 giờ... Tôi thầm ước lượng, nếu mọi việc trôi chảy, không bị chúng nó chặn đầu, chặn đuôi thì chỉ độ hai tiếng đồng hồ nữa là cùng, xe sẽ ngang qua cái xóm Mù Đông nhỏ bé của tôi nằm ven tỉnh lộ này và tôi tin niềm vui sẽ đến…

    Đêm nay trăng sáng vằng vặc. Ôtô chẳng cần phải đèn mà vẫn cứ phóng đi ầm ầm. Tôi khẽ chợp mắt nhưng không tài nào ngủ được. Trong óc tôi cứ hiện về những hình ảnh quen thuộc của làng quê bé nhỏ nơi tôi đã sinh ra và lớn lên rồi từ đó ra đi…Những kỷ niệm cũ phút chốc ùa về, náo nức…

    Ngày ấy, khi mẹ tôi cố nhét thêm vào ba lô cho tôi một cái bánh tày* mập ú rồi quay đi.. Mẹ quệt vội dòng nước mắt bằng tà áo nâu đã ngả bạc. Tôi hiểu những điều mẹ tôi muốn nói, nhưng không thể nói vào giây phút ấy…Còn cha tôi, ông vẫn lẳng lẽ bình thản như mọi ngày, điềm nhiên phả những cuộn khói thuốc lào trắng đục lên vách nhà. Có lẽ không cần phải nói thêm điều gì nữa sao? Tôi hiểu tính cha tôi, ông vẫn vậy, rất mực thương con và cũng rất hiểu tâm tính của từng đứa. Những điều gì ông đã nói, đã nhắc nhở thì chỉ một lần, một lần thôi – “bằng việc làm rồi tụi nó sẽ tự hiểu và tụi nó mới thấm sâu được mẹ nó ạ…”

    Tối qua, sau bữa ăn, khi cả nhà còn ngồi bên mâm cơm cha tôi nói, rất nhỏ, hình như chỉ để riêng cho mình tôi nghe. Đôi mắt cha xa vời..

    - Con đi, nhớ phái cố gắng cho bằng anh, bằng em; Đừng để cha mẹ phải xấu hổ với làng nước nghe không! Việc nhà con không phải lo…

    Chỉ có thế thôi ư? Bỗng nhiên tôi cảm thấy lời dặn dò của cha là quá ít. Cha đã từng tham gia đánh Pháp, chẳng lẽ không truyền một kinh nghiệm hay một sự chỉ bảo cần thiết nào cho đứa con trai mới lớn của mình trước khi nó ra mặt trận …? Tôi tần ngần những tưởng cha tôi sẽ tiếp tục dặn dò thêm điều gì nữa, nhưng không, ông vẫn ngồi im và đột nhiên đứng dậy, đi xuống bếp…giả bộ lấy nước, nhưng kỳ thực đang dấu kín nỗi niềm xúc động của một người cha…

    ***

     

    Tôi chào cả nhà lần cuối rồi ra đi giữa sự chờ đợi của bạn bè; Cả nhà đưa tiễn; Cả làng đưa tiễn. Mấy đứa nhỏ em tôi thì hình như không biết buồn là gì khi thấy anh trai mình thật “oách” trong bộ quân phục mới coong. Làm sao chúng hiểu được nỗi buồn sâu thẳm của cả người đi và người ở lại trong những “cuộc chia ly màu đỏ” ấy.

    - Anh Minh ơi, cho em đi với – Cu Thắng “còi” cứ níu chạt lấy áo tôi. Tôi bỗng nghe tiếng gắt của cha:

    - Mấy đứa có lui ra không nào, để cho anh đi!

    Quay lại xoa đầu lũ trẻ nhỏ hết lượt và ghé tai Thắng “còi”, tôi bảo:

    - Ở nhà cho ngoan nha, khi nào về anh sẽ cho kẹo, nghe không ? Và chợt nhớ ra, tôi vội rút trong ba lô cho mấy đứa cái bánh tày to nhất, nhưng chẳng đứa nào dám cầm.

    - Không, ở nhà em có rồi, anh phải cầm đi mà ăn, mẹ cho anh mà…

    Ôi, có lẽ phải đến lúc ấy tôi mới biết được các em cũng yêu thương mình ghê gớm như vậy sao? Hình như tình yêu thương bao giờ cũng dồn ứ vào cái giây phút chia ly… Tự nhiên tôi cảm thấy ân hận và nhớ lại mấy cái roi tôi đã quất vào chân lũ trẻ mỗi khi chúng bướng bỉnh không vâng lời. Thật tội nghiệp; Tôi đã chẳng học tập được ở cha tôi bất cứ một điều gì về sự điềm tĩnh và lòng yêu thương con trẻ…Hóa ra, trẻ con không phải lúc nào cũng vô tư!

    ***

    Ngày ấy Hà không đưa tiễn tôi trong không khí bịn rịn của gia đình. Đêm trước, Hà đã đợi tôi ở đầu xóm, nơi có gốc cây đa cổ thụ sần sùi với những vết dao khắc, chém, đá ghè…như để ghi lại dấu tích cho riêng mình; Hoặc đơn giản, chỉ là trò ghẹo nhau con trẻ như chúng nó đã từng khắc rõ cả tên tôi và Hà lên đó… Bỗng dưng gốc đa đầu xóm lại hóa thành kỷ niệm thiêng liêng hơn bao giờ hết. Hà kém tôi chừng một tuổi, nhưng ngó bộ chưa thực sự lớn hẳn, nhưng đã có dấu hiệu phổng phao của một thiếu nữ rồi. Đôi mắt to, thông minh và như biết nói ấy!..

    Thật ra thì giẵ chúng tôi chẳng có gì. Tình yêu ư? Quả thật tôi chưa dám nghĩ. Nhưng cả hai đứa hình như đã cảm nhận được một tình cảm là lạ gì đó đang len vào... Chúng tôi chơi thân với nhau hết sức tự nhiên. Nhà hai đứa kề nhau; Học cùng lớp; Cắt cỏ chăn trâu cũng chẳng bao giờ thiếu nhau; Cùng lớn lên; Cùng đi học; Rồi bỗng dưng biết tránh mặt nhau khi đọc được đôi chữ Hà-Minh khắc trên gốc đa đầu xóm… Thế rồi tôi được gọi nhập ngũ; Thế rồi như bỗng nhận ra sắp có cảnh chia xa… và hình như “họ”đều cần phải nói được với nhau điều gì thì phải… Thế rồi, như một lẽ tự nhiên, hò hẹn; Thế rồi, thương thương, nhớ nhớ…Nhưng thú thật, phải mãi sau này tôi mới thực sự hiểu ra tôi và Hà đã yêu nhau, dẫu chưa một lời bày tỏ, dẫu chưa một lần cầm tay…

     

    - Gần đến chưa hử anh?

    Tôi giật mình; Anh bạn lái xe hình như đã đọc được ý nghĩ của tôi dẫu vẫn chăm chú nhìn đường và lái xe.

    - Mình đi thêm được mấy cây số rồi nhỉ?

    - Khoảng hai chuc…

    - Vậy là sắp tới rồi, chầm chậm thôi để mình coi…

     

    Ngay lúc ấy phía trước mặt chúng tôi bỗng hiện lờ mờ một ngọn đèn gác. Tôi xiết lại ba lô, thò hẳn đầu ra ngoài cabin để nhận dạng con đường và bắt đầu hình dung lại lối mòn dẫn vào xóm Mù Đông; Không biết bây giờ nó đã đổi thay nhiều chưa? Những 5 năm rồi còn gì? Những năm tháng chiến tranh, sự vật trên mặt đất quê tôi có thể biến dạng bất cứ lúc nào bởi bom đạn kẻ thù ! Xóm Mù Đông quê tôi lại nằm “chềnh ềnh” ở bên một cây cầu nên đã trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay địch gần như 24/24 giờ mỗi ngày. Nên mọi điều tôi hình dung và suy nghĩ đều có thể xẩy ra. Năm ngoái, thư mấy đứa em tôi gửi vào cũng có kể sơ sơ cho tôi nghe và hình dung được phần nào về sự ác liệt nơi làng quê yêu dấu của tôi.

    …”Cầu Đông bị đánh sập nhiều lần rồi. Bây giờ xe qua sông phải lội ngầm và phà..’

    …”Ở đầu xóm nhà mình bây giờ cũng có một trận địa pháo cao xạ; Các anh bộ đội phòng không thỉnh thoảng đóng quân trong xóm…Nhìn các anh ấy, tụi em lại nhớ tới anh vô cùng…”

     

    - Kít…! Chiếc xe bỗng phanh giật lại. Đỗ xịch. Có máy bay! Chúng tôi nhận ra qua tín hiệu ngọn đèn gác. Tiếng động cơ ào qua trên đầu. Một bóng người nhỏ nhắn lao vội vô phía chúng tôi.

    - Xe nào đơ..ới - Tiếng con gái. Tôi thò đầu ra cabin một lần nữa.

    - Xe ôtô…- Có tiếng cười ròn, khúc khích…

    - Các anh về mô?

    - Về BT 5!

    - Chở hàng chi, có nặng không?

     

    Không trả lời cô gái, tôi hỏi lại:

    - Trạm gác hay binh trạm mà tò mò rứa?

    - Binh trạm!

    Bây giờ thì tôi nghe rất rõ giọng con gái quê tôi.

    - Chở nhẹ thôi, có ưng thì lên – Mấy ông bạn đồng hành với tôi ngồi sau thùng xe đã nhanh nhẩu mời mọc tinh quái.

    - Có chở nổi cả hầm tụi em không?

    - Tắt đèn đi, không thì ngỏm hết chừ..

     

    Cô gái thông báo vắn tắt tình hình, qui luật hoạt động của máy bay Mỹ, trọng tải chiếc cầu phao, kiểm tra sơ bộ rồi mới “thả” cho chúng tôi qua sông. Xe bắt đầu rồ ga, nhưng chợt nhớ ra, tôi quay đầu lại hỏi:

    - Này mấy O ơi, đường vô xóm Mù Đông xe ôtô vào được không?

    Hơi ngạc nhiên, côgái hỏi lại:

    - Đường mô hè?

    - Đường vô xóm Mù Đông!

    - À được, nhưng hơi khó nha.

     

    Tôi băn khoăn, chưa kịp hỏi lại thì một O lại nói tiếp:

    - Mấy anh đi quá lên một tẹo, khi thấy trận địa pháo thì rẽ vô.

     

    Tôi mừng rơn, cảm ơn cô gái. Chiếc xe lại lao đi. Đúng như chỉ dẫn, anh bạn lái xe cố vô thật gần xóm và thả tôi xuống.

    - Cho tôi gửi lời thăm sức khỏe gia đình nhé!

    - Cảm ơn bạn – Tôi bắt tay và hỏi thêm:

    - Khoảng hai giờ sáng quay lại đón mình được không?

    - Chắc là được, tôi chờ anh chỗ này nhé?

    - Vậy thì tốt quá.

     

    Tôi chào tạm biệt hai chiến sĩ quân lực của Tiểu đoàn; dặn dò họ thêm vài điều khi làm thủ tục đón tân binh rồi vội vàng xốc ba lô và không quên vẫy vẫy… Chào!

    Chiếc xe lại lao về phía chân trời bàng bạc ánh trăng. Cuối chân trời nhập nhèm ánh vàng ệch của màu pháo sáng địch. Tiếng động cơ máy bay vẫn ì ầm lúc xa, lúc gần, thỉnh thoảng lại rít qua đầu, khản đặc…

    Cảm giác đầu tiên ập đến với tôi là một sự mát lành. Gió từ bờ sông lùa lên rười rượi. Dẫu là đêm, nhưng dưới ánh trăng vằng vặc, xóm Mù Đông hiện lên rất rõ trước mặt tôi với những hình thù vừa quen, vừa lạ, từ những cánh đồng lúa đang đầm trong sương khuya và hiện rõ mồn một những bờ vùng, bờ thửa thẳng tắp, trắng nhờ…đến những hàng lúa đang thì vào đòng ngan ngát hương thơm trộn lẫn với mùi khói bom từ nơi xa ngái mô đó phả lại, khen khét…

    Ngỡ ngàng trong giây lát để xác định đúng phương hướng, tôi có cảm giác như con đường làng bây giờ nhỏ lại rất nhiều… và rồi, bỗng nhận ra cả bóng cây đa cổ thụ đầu xóm. Nhưng, hình như nó không còn được xum xuê như ngày nào. Tôi lại chợt nhớ tới những vết chạm khắc trên thân cây tội nghiệp, chợt nhớ đến hai chữ Minh-Hà…Ôi, kỷ niệm tuổi thơ, hình như nó đã khắc đậm trong tâm trí tôi không thể nào phai được…

    Nhằm thẳng bóng cây đa mà đi, Tôi có cảm giác như đang trôi lâng lâng trong đêm quê hương huyền diệu. Một đêm trở lại trong chiến tranh!

    Có lẽ giờ này mẹ tôi vẫn chưa ngủ; Thành thói quen rồi, ngày nào mẹ tôi cũng thức khuya, dậy sớm, chăm chút cho từng thành viên trong gia đình; Khi thì mớ thóc, mớ dặm; Khi thì cái áo sờn vai, tuột chỉ; Khi thì nén cà, rổ khoai luộc… Có việc nào không qua đôi bàn tay gầy guộc của mẹ!. Ngày còn nhỏ, dù tôi có đi chơi về, thật khuya, nhưng mỗi khi rón rén vào nhà, tôi vẫn thấy mẹ còn thức. Một tiếng động nhỏ trong đêm mẹ đều biết. Không một tiếng rầy la, nhưng tôi hiểu, chỉ khi tôi đã lên giường đi ngủ rồi thì mẹ mới lén vào nằm cạnh mấy đứa em. Hôm sau mẹ chỉ nói:

    - Lần sau đừng để mẹ phải chờ lâu thế ha con!

     

    Tôi chỉ biết dạ vâng, ngoan ngoãn, nhưng lâu lâu lại đôi lần tái phạm. Mẹ không nói nữa, chỉ thở dài:

    – Cha con về mà biết thì mần răng đây….

     

    Tôi biết thừa cha tôi không bao giờ đánh, nhưng có lẽ vì thế mà tôi lại sợ cha nhiều nhất. May sao tôi cũng kịp lớn khôn trước khi cha biết nhiều hơn về những chuyện như vừa kể…và bất giác, tôi cảm thấy thương mẹ quá chừng. Mẹ ơi, thằng Minh của mẹ đây này, nó đang về này…Tôi như chực khóc!

     

    Năm tháng cứ vậy trôi đi, và sẽ êm đềm biết mấy, nếu không có chiến tranh. Học xong lớp 10, tôi đi bộ đội. Những năm tháng đầu xa nhau tôi nhận được thư của Hà khá đều. Những cánh thư như luôn chỉ hướng về phía tương lai cho hai đứa; Những ước mơ hy vọng rực cháy… Nhưng chỉ một thời gian sau, khi đơn vị tôi đã hành quân vào sâu trong chiến trường thì thư Hà cũng dần thưa rồi mất tăm, dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư nhà. Từ đợi chờ,, hy vọng rồi…thất vọng. Có thể lắm chứ, Hà đã hoàn toàn khác trước; Hà học giỏi, Hà sẽ vào đại học, tương lai còn rộng mở cơ mà…

    Tuổi trẻ thường mộng mơ, lãng mạn; Lớn thêm một tý, sự mộng mơ, lãng mạn hình như sẽ thuyên giảm đi một ít, nhưng vẫn luôn mộng mơ. Trở thành người lớn, người ta sẽ có ý thức hơn, thực tế hơn…? Những ý nghĩ vẩn vơ, nhỏ nhen của tôi về Hà cứ thế, chợt đến và vây quanh lấy tôi, day dứt, thật khó nói… Thế là hết. Đôi khi tôi trở nên thơ thẩn, mơ hồ và chỉ ước ao có được một dịp trở lại quê nhà xem sao. Nhưng chiến trường xa xôi vạn dặm, ác liệt khôn lường, chiến dịch, nối chiến dịch…, thời chiến không có phép và chuyện được ra Bắc đâu có dễ; Bạn bè, đồng chí, biết bao người mãi mãi nằm lại nơi đây… chỉ nghĩ vậy thôi là mọi ước ao của tôi cũng phụt tắt…Lâu rồi cũng dần quen...

    Khi bắt đầu quen được với cuộc sống chiến trường thì đùng một cái, tôi có lệnh đi công tác. Cứ tưởng như thường lệ, lại một trận đánh mới hay lại được phái lên tăng cường cho một đơn vị tuyến trước…Nào ngờ, một hạnh phúc lớn đang giành cho tôi. Buổi chiều, Chính trị viên tiểu đoàn gọi qua điện thoại:

    - Đúng 6 giờ sáng mai, đ/c phải có mặt tại tiểu đoàn bộ để nhận nhiệm vụ mới...

     

    Đúng hẹn, tôi có mặt tại hầm của Thủ trưởng. Chính trị viên như vui hơn mọi ngày và nói ngay:

    - Tiểu đoàn giao cho đồng chí cùng hai người bên quân lực về hậu phương nhận tân binh; Nếu thuận lợi, các đồng chí được phép ghé về thăm nhà, nhưng phải tổ chức đưa tân binh vào mặt trận trước tháng mười…

     

    Tôi không còn tin vào tai mình nữa, định hỏi thêm, nhưng lại thôi, chẳng may thủ trưởng đổi ý thì gay ... Dập mạnh hai gót chân vào nhau tôi như hét lên:

    - Rõ !

    ***

    Bây giờ đang là mùa mưa. Trường Sơn chìm trong màu đục của nước. Mây trời như sà xuống tận tán lá rừng, hơi ẩm nặng chịc. Cực kỳ khó khăn; Dĩ nhiên là chúng tôi phải hành quân bộ và lội rừng. Đường ra bắc, suối lũ đã “ăn đứt” hàng tuần rồi; Với lại, đường trơn, đèo cao, dốc đứng…lo cho đường ra còn khó khăn nữa là; Làm sao kịp đón quân rồi trở lại chiến trường chứ dễ gì còn kịp ghé về thăm nhà…Quân lệnh như sơn; Nhưng cũng hơn cả đánh đố! Nghĩ vậy thôi, chứ có cơ hội về hậu phương là quá sướng rồi; Chúng tôi hối hả lên đường.

    Và cũng thật lạ; Hình như tôi “quí nhân phù trợ” như lời cậu Thọ cùng tiểu đội hay “phán” mỗi khi rỗi hơi và xem tướng số cho tôi. Trời đất xui khiến thế nào ấy. Khi vượt Alưới và dốc Mèo, tôi bỗng gặp được Trọng, thằng bạn cũ hồi còn tân binh ở ngoài bắc. Trọng bây giờ là lính xế của đoàn 559. Xe của Trọng cũng đang trên đường về hậu phương nhận hàng đúng địa phương nơi tổ chúng tôi sẽ đến nhận quân. Cả tổ đồng ý và quyết định đi nhờ xe Trọng. Mùa mưa, “bom tọa độ” nhiều, nhưng chẳng hề sao, miễn là chúng tôi có thể có mặt đúng thời hạn qui định là quá tốt rồi. Lúc đó cái hy vọng sẽ được ghé về thăm nhà mới thực sự bùng lên…

    - Ai !

    Đang miên man với những suy nghĩ , tôi bỗng giật nẩy mình. Giọng chanh chua của một cô gái.

    - Tôi, người nhà đây !

    Không ngờ lời bông đùa đó đã mặc nhiên cho phép cô gái dọi thẳng đèn pin vào giữa mặt tôi. Một thoáng im lặng; Có lẽ cô gái đang cố hình dung về một điều gì…và bỗng reo lên thật to:

    - A, anh Minh ! Có phải anh Minh không hè ?!

    - Ai đấy ? Tôi cũng buột mồm kêu lên.

    - Bọn em… A, đúng anh Minh thật rồi tụi bây ơi!!..

     

    Ánh đèn pin loang loáng quét xuống mặt đường gồ ghề. Trong nháy mắt ba, bốn cô gái nhào ra, vây quanh lấy tôi. Người đầu tiên tôi nhận ra là Thoan; Trời đất, đúng là Thoan rồi. Thật đáng phải cảm ơn Ông Trăng, nó vừa kịp chiu ra khỏi đám mây đen dày đặc để tôi nhận ra cái răng sứt nhỏ xíu của Thoan, còn Thoan thì cứ nghẹo hẳn cái đầu ra một bên mà cười. Thì ra, đây là trận địa pháo 12,7 ly của dân quân huyện nhà.

    - Chà, ngó rứa mà cũng oách hè!

    - Chuyện. Tưởng gì chứ.

     

    Tôi cũng cười theo. Có cái gì đó lạ lắm như đang chạy qua người tôi. Cô bé Thoan cách đây 5 năm thôi còn bé như cái kẹo, vậy mà giờ này cũng lớn tướng, xinh đáo để. Mấy O kia thì tôi chịu; Không làm sao nhớ nổi cho dù Thoan đã liếng thoáng giới thiệu. Thoan kéo tôi về lán của cô; Đúng hơn, chỉ là một căn hầm chữ A có lợp thêm một lớp là tro (lá cọ).

    - Nó hay chụp bất thình lình lắm, vô đây ngồi nói chuyện tý đã cho an toàn.

     

    Tôi bắt đầu nhận ra cái mùi khét lẹt của thuốc súng.

    - Hắn vừa đánh vô đây à?

    - Dạ, hồi chiều.

    - Có ai …?

    - Có… có mấy con cá dưới sông !

     

    Thoan tinh nghịch giải thích. Mấy O ngồi mé công sự cũng chen vào tán đủ thứ chuyện. Tôi bị cuốn vào câu chuyện của tụi con gái như không thể dứt ra được. Đứa hỏi lương khô, đứa xin mảnh dù… Cứ như mình là anh trai của chúng không bằng. Cũng may, mặt trận, nơi tôi đóng quân có đầy giây dù bọn Mỹ thả xuống từ hồi sáu tám (1968), nên những lúc rỗi chúng tôi thường lấy về se sợi và đan võng nên cũng đã tích cóp được kha khá…

     

    - Xóm Mù Đông bây giờ ra sao rồi? Có trúng bom trận nào không ? _ Cuối cùng thì Thoan cũng cho tôi hỏi thăm vài cầu về gia đình và làng xóm.

    - Bom nó thả thì như cơm bữa anh ạ.

    - Vậy có ai chết không? Nhà mình thế nào? Làng xóm ra sao?...

     

    Tôi hơi mất bình tĩnh và hỏi dồn. Biết tôi sốt ruột, Thoan do dự giây lát rồi nói với mấy người:

    - Mấy đứa trực hộ tý nha. Tau đưa anh Minh về nhà kéo lại bị lạc…

    - Dạ, B trưởng cứ đi. Nhớ nhắc mẹ anh Minh hỏi cưới nhanh lên nha!...

     

    Thoan hơi đỏ mặt và đấm thùm thụm “mấy con ranh!” rồi vội chui ra khỏi hầm và giục tôi đi nhanh. Thì ra, Thoan đã là Trung đội trưởng rồi ta? Giỏi ghê. Đánh đấm như mình hơn ba, bốn năm ở chiến trường mà cũng mới chỉ lên được B phó; Tôi thầm “ghen”; Nhưng niềm vui sắp được gặp gia đình làm tôi phấn chấn hẳn lên và quên đi tất cả.

    - Anh mà đi một mình trong đêm như ri thì khó mà tìm ra nhà lắm nha.

    - Nói chi lạ rứa, nhà mình mà không nhận ra được thì còn nhận ra nhà ai ?

    - Thật đó anh Minh, bây giờ khác hồi anh ra đi nhiều lắm… Mà nhà anh giờ cũng đâu có còn chỗ cũ.

    - Sao? Tôi vụt quay lại. Có điều gì đó như đè nặng trước ngực tôi – Nhà mình cũng trúng bom rồi à?

    - Chi mà hoảng rứa ? Ổn cả. Không có ai bị mần răng cả. Rứa thì em mới phải dẫn anh về tận nhà chứ…

    Tôi vẫn còn chút hoang mang. Tôi nhớ hồi còn đi học, Thoan cùng lớp em gái tôi. Thi thoảng tôi cũng bị cô em gái chọc ghẹo, gán ghép tôi với Thoan, nhưng gần như tôi không hề để ý tới Thoan, bởi hồi ấy, tôi đã có Hà. Nhưng nay thì…Lòng tôi chợt lâng lâng…

     

    Nhà của tôi. Thì ra chỉ có vậy. Con đường mở men theo hố bom. Đặt chân vào giữa gian nhà đã im lìm, tim tôi như nghẹ lại. Quả vậy, mọi điều đã đổi khác quá mức tưởng tượng của tôi. Vậy mà trong ba nhiêu lá thư nhận được, chẳng ai nói cho tôi hay về những biến đổi này. Ngoài sức khỏe của mọi người và đôi khi là của bà con chòm xóm nữa; Lá thư nào chu đáo lắm thì cũng chỉ có nội dung đại loại:”Năm nay lại được mùa…”; Hoặc: “ Đang vụ cấy, mọi người tuy vất vả nhưng các em chưa phải bỏ buổi học nao…”. Cả thư của mẹ cũng viết vậy; Chẳng lẽ mẹ cũng đang dấu tôi điều gì sao? Bom chúng nó ngày nào mà chẳng dội trên đầu; Đồng ruộng của cả xóm Mù Đông thì gần như nằm rải đều hai phía đầu cầu; Bom rơi, đạn nổ…; Thế mà vụ nào, mùa nào cũng đủ thóc ăn và còn có dư dả để gửi ra tiền tuyến nữa… Chuyện thật, khó tin! Hay gia đình tôi không muốn phải suy nghĩ về những khó khăn trong chiến tranh ở hậu phương, đặng an tâm mà đánh giặc…?! Có thể là như vậy?

    Tôi đặt nhẹ balô lên bờ luỹ bằng đất chắn quanh ngôi nhà. Nền nhà cũng phải hạ thấp xuống ngang thắt lưng. Rõ là căn nhà thời chiến. Chiến tranh leo thang và ác liệt ngay cả trên hậu phương lớn của chúng tôi…Cả nhà đang chìm trong giấc ngủ mệt nhoài; Hơi thở phập phồng trong từng lồng ngực đang hắt ra nằng nặng…Tôi không nỡ đánh thức mọi người. Những phút giây yên tĩnh như thế này trong chiến tranh thật là quí. Quay trở ra sân, ngập ngừng trong ánh sáng huyền diệu của trăng sao, tôi men gần về phía hố bom. A, thì ra nõ đã biến thành một cái “ao làng” khá tốt. Không biết ai đã bắc một tấm gỗ dài vươn ra giứa hố bom như thể một cái cầu ao. Tôi ngồi hẳn xuống vốc nước phả thẳng vào mặt mát rượi.Mặt nước xao động; Sao khuya cụng vào nhau rồi lăn tăn tan ra. Nước lạnh khiến đầu tôi tỉnh táo hẳn. Những chú cá nghe động, quẫy lên lóc bóc. Chắc là cha lại thả cá để nuôi dưới hố bom này rồi; Có thể lắm chứ, đời nào cha tôi lại chịu. Giặc Mỹ đang cố điên cuồng huỷ diệt cuộc sống của nhân dân ta, nhưng chúng đâu có thể ngờ rằng, chính nới tận cùng của sự huỷ diệt, sự sống vẫn bình thản sinh sôi…Bỗng:

    - Xoẹt…xoẹt ! Một chiếc máy bay “con ma” vụt lướt qua với tầm bay rất thấp, dọc theo bờ sông. Tiếng rít lay chuyển cả mái nhà. Khối đen của thần chết lao về phía cầu…

    - Xoạt.. xoẹt ! Lại một khối đen ào qua; Tiếng cao xạ rền vang lổ lục bục trên bầu trời. Pháo sáng chợt loé lên, tắt lịm rồi rực sáng, vàng úa. Cả xóm Mù Đông như bật dậy. Bỗng hàng loạt đường đạn đại liên lỏ lừ vút lên chặn đầu một “con “. Có tiếng reo hò từ phia rất xa:

    - Cháy rồi !

    - Trúng rồi !

    Quá nhanh và quá bất ngờ; Tấ cả như một chiến trường vậy. Tôi vọt lên khỏi bờ hố bom và chạy về phía nhà mình. Chưa kịp nhận ra bóng ai từ trong nhà lao ra thì có tiếng hỏi:

    - Balô bộ đội của ai hè?

    Tôi chợt nhận ra mẹ. cả người tôi run lên:

    - Mẹ, mẹ ơi, con đây…

    - Trời, thằng Minh.. thằng Minh, ông nó ơi!...- Tiếng mẹ như bị nhoè đi.

    Cha tôi khựng lại và hình như hơi bị chói mắt vì ánh sáng đèn dù; Thì ra người vừa lao ra khỏi nhà chính là cha tôi. Tôi ôm chầm lấy cha mà cổ họng như đặc lại, đắng ngắt…Cùng lúc, mấy đứa em tôi cũng ào ra, rối rít gọi anh Minh.

    Mấy “con ma” lại rẹt qua đầu. Mẹ tôi giục:

    - Thôi, vào cả trong hầm đi kẻo hắn lại rắc bom xuống đầu bây zừ…

     

    Quả vậy, chúng tôi vừa thụt xuống hầm thì một loạt bom nổ ầm ầm, giật rung cả vách hầm chữ A. Cái hầm được làm ở ngay phía sau nha. Bụi đất rơi lả tả xuống đầu và áo mọi người. Cha tôi nhoài người ra ngó chừng:

    - Chúng nó lại đánh cầu nữa rồi – Nghe vậy, tôi cũng nhoài ra. Một trận kịch chiến đất đối không đang diễn ra quyết liệt. Bóng một cô con gái vụt chạy qua sân:

    - Có vui không hai bác ơi ?!

    Tôi nhận ra tiếng Thoan, nhưng cái bóng nhỏ ấy đã khuất nhah sau bờ tre. Thoan đang lao ra trận địa 12 ly 7 của mình.

    - Bổ nhào kìa – Tôi buột miệng. Phía cầu Đông những tràng đạn lửa 37 ly thi nhau vút lên. Tiếng bom nổ như gần thêm và tôi bỗng thấy rất rõ bóng một “con ma” đen chũi cắm xuống. Khói trùm phía trận địa đại liên. Bụng tôi như sôi lên và lao đi. Tôi nghe rất rõ tiếng cha:

    - Minh ơi, ra đó làm chi… Trời, con với cái..!

    ***

    Trận địa nghèn ngẹt khói bom. Khẩu đại liên văng ra khỏi công sự. Có tiếng người rên và cả tiếng khóc thút thít…. Một hai bóng người đang băng bó cho nhau. Tôi ào vô.Chợt Thoan nhận ra tôi và như chực khóc:

    - Con Nga nó bị nặng lắm. Mau giúp tụi em với…Còn con Việt nữa, không tìm thấy nó mô cả?

    Bỗng tôi đã nhận ra một bóng người tơi tả đang trườn phía ngoài công sự. Tôi vội nhảy ra:

    - Có bị thương ở mô không?

    - Không, nhưng mà em bị tức ngực lắm, Việt thều thào…

    Đỡ Việt vào phía trong bờ công sự và băng bó lại cho Nga, quay lại thì tôi không thấy Thoan đâu nữa. Chợt có tiếng gọi:

    - Anh Minh. Anh Minh.. giúp tụi em.

    Thì ra Thoan đang cùng với một cô gái hè nhau lôi khẩu đại liên vào trận địa. Thoan hổn hển:

    - May quá súng không bị mần răng cả!

     

    Bây giờ thì tôi thực sự phải gắt toáng lên:

    - Súng với ống cái gì, phải lo cứu người đã chứ.

    Thoan khóc:

    - Anh Minh giúp em đưa cái Nga vô xóm trước đi. Tụi em không được rời trận địa…

     

    Thwm một lóng người nữa xuất hiện; Và lại một bóng người nữa…Lực lượng dân quân của xóm Mù Đông đã kịp thời ra ứng cứu. Nga, Việt được cáng đi. Tôi chợt nhận mình vẫn là người lính. Tôi vội giúp Thoan và mấy cố gía giá lại bệ súng. Dân quân đang đắp hộ bờ công sự vừa bị xạt. Mấy “con ma” đã quay lại và quần đảo trên đầu. Không một khẩu súng nào nhả đạn. Tôi biết, chỉ khi chúng nó bổ nhào xuống cầu Đông các trận địa mới nhất tề khạc lửa. Thoan không khóc nữa; Ấn nốt băng đạn vào khẩu đại liên, bỗng hô to:

    - Khẩu đội chú ý, máy bay sắp bổ nhào; Chuẩn bị…Bắn!

    Khẩu đại liên từ tay mấy O rung lên bần bật; Chớp lửa sáng loà phía đầu nòng súng…

     

    Không biết trận chiến sẽ kéo dài bao lâu nữa, nếu không có cái bó lửa rực trời lao qua trận địa. Bỗng tiếng reo hò vang vọng đồng thời cả bốn hướng:

    - Cháy rồi!

    - Rơi tại chỗ rồi!

     

    Bó lửa “con ma” cố lết ra biển, nhưng không kịp nữa. Một tiếng nổ rất to và quầng sáng hắt lên phía hạ lưu Cầu Đông. Hai phát súng trường vang lên đĩnh đạc báo yên! Cầu phao vẫn an toàn; Tín hiệu cho xe qua sông lại được thắp lên từ hướng ngọn đèn gác.

    Bây giờ đã hơn 2 giờ sáng. Mặt trăng đã chếch về hướng núi, vàng dần, mờ dần… Thoan đang ngội tựa vào công sự và ngủ vùi. Một ngày, một tháng…rồi một năm…; Với Thoan bé nhỏ, cuộc đời sẽ còn bao nhiêu trận quyết chiến như vậy nữa ? Tôi tự hỏi và tự trả lời – Không thể tính đươc! Đế quốc Mỹ với không lực hùng hậu và tàn ác; Chúng sẽ thay nhau quần thảo trên bầu trời, đánh vào từng trận địa và không cho quân dân ta có thì gìơ để ngủ hay nghỉ…Còn nhân dân ta thì…vẫn phải lội đồng cầy cấy, mũ rơm trên đầu; Cơm ăn ngoài đồng; Cơm ăn tại trận địa; Súng khoác ngang vai, sắn sàng đánh trả chúng nó bất cứ lúc nào. Ngắm nhìn Thoan đang ngủ, tôi hiểu, một phút giây bình yên như thế này còn hơn cả vàng ngọc. Một ngày 24 tiếng, cả dân tộc ta đều phải thức; Thức cả trong giấc ngủ; Thức cả trong từng giấc mơ…Không biết mai sau sẽ ra sao, nhưng bây giờ thì chúng tôi tự tin lắm, thương nhau lắm…Chỉ một khat khao duy nhất đang rực cháy trong lòng là phải chiến thắng giặc Mỹ.

     

    Chợt có tiếng còi xe. Hình như Trọng đã quay trở lại. Tôi lặng lẽ định chạy vội về nhà lấy balô và chào cha mẹ để kịp đi thì Thoan chợt vùng dậy:

    - Anh Minh, khoan đã; Anh mà đi ngay thì… mẹ sẽ khóc hết nước mắt thôi.

    - Nhưng anh phải đi, anh sẽ xin lỗi cha mẹ…

     

    Bỗng Thoan khóc oà lên:

    - Em xin lỗi, em đã không báo để anh biết… Hà cũng đã ra đi trong một đêm như thế này!

     

    Đất trời bống như rung chuyển dưới chân tôi, dữ dội hơn cả trận đánh trong đêm vừa xong…

    ***

     

    Ngồi trong cabin xe mà lòng tôi như lửa đốt. Trọng vẫn chăm chú dán mắt vào con đường. Xe phải bật đèn gầm lên mới bò được qua những khúc đường vừa bị bom Mỹ cày xới. Mồ hôi đầm đài lưng áo Trọng. Tiếng động cơ thi thoảng lại xoẹt qua trên đầu. Phía sau lưng pháo sáng vàng ệch, để lại từng vệt khói đen ngoắn nghèo nơi chân trời. Đêm dần tan. Phía trước bình minh đang hửng sáng!

     

    Alưới 1973

    Hà Nội, 1980

    KAH


  9. KIỀU ANH HƯƠNG

     

     

     

    THÔNG-THOÁNG

     

    Truyện ngắn

     

     

    1. Hồi đầu

     

    Thông và Thoáng là đôi bạn chí cốt từ thuở tóc còn để chỏm. Song, tính cách của hai đứa lại trái ngược nhau đến 180 độ. Thế mới hay, đâu cứ phải “cốt cách” giống nhau thì người ta mới “hạp” và “chơi” được với nhau, cho dù sự hòa hợp dẫu sao vẫn phải có tính “biện chứng” cả trong tình yêu và sự nghiệp.

    Kỳ thực - tên “cúng cơm” của Thoáng không phải vậy mà là Thoảng cơ. Nhưng bây giờ nó đã trở thành “ních nêm” chính hiệu rồi bởi tính cách rất “thoáng” của khổ chủ và lâu dần, gọi mãi thành quen; Thậm chí nó cũng muốn đổi quách dấu hỏi thành dấu sắc cho suôn sẻ và dễ bề thăng tiến như mấy ông thầy thiên địa lôi vẫn hay phán về phận người theo cách đặt tên!

    Ngược lại, với Thông, đó lại đích thực là tên “cúng cơm”; Giấy trắng mực đen, chứng chỉ a,b,c… đủ cả. Thông học giỏi (cháu ba đời cụ Phó Bảng xã Đoài mà lị…). Ngặt một nỗi, trải mấy bận “can qua”, gia thất bây giờ tứ tán nên hóa thân thành con nhà nghèo…May sao, “giấy rách, vẫn còn biết giữ lấy lề…”, nên mẹ cha cậu cũng đã biết hy sinh, chắt bóp nuôi cậu ăn học nên người…

    Tuy nhiên, trong sự thành đạt của Thông, không thể không phủ nhận có “công” cưu mang đùm bọc của Thoáng về kinh tế.

    Thoáng học vào loại làng nhàng, nhưng bù vào, nó lại có được một cốt cách rất bẩm sinh như cái tên ních của nó vậy. Cũng có thể vì nó là con nhà giàu nên mới sống “thoáng” được với bạn bè như vậy?! Điều quan trọng hơn là nó biết “chọn” bạn để chơi. Thông là mẫu người nó cần để “hỗ trợ” trong học tập và vì vậy, người ta thường thấy Thông –Thoáng cặp đôi với nhau như “đôi bạn học tốt”, dìu dắt nhau vượt qua bậc phổ thông, rồi cả đại học…!

    Tình bạn vốn vị tha, bên nhau mãi rồi người ta cũng nhận ra được nhiều vẻ đẹp còn tiềm ẩn; Vậy nên, một vài thói hư tật xấu của bạn đôi khi cũng dễ được bỏ qua. Với Thông cũng vây, cậu chẳng có điều gì phải phàn nàn về Thoáng, dẫu đôi khi cũng nghe được đôi lời lời thiên hạ xầm xì…

     

    2. Hồi giữa

     

    Vào đời, với một mảnh bằng kỹ sư, khi đó hai đứa mới thực sự chia tay nhau. Như chim đã đủ lông, đủ cánh, họhăm hở vào đời. Với Thoáng, Thông không còn là “hành trang” bất ly thân nữa. Cùng với tài xoay sở vốn rất “thoáng” nên ở đâu, công việc gì đối với Thoáng cũng đều trôi chảy và được đồng nghiệp kính nể. Với chuyên môn ư? Ở công sở nhà nước, việc này thường không rõ ràng. Khó gì, khi đồng nghiệp đã “yêu” rồi thì việc bao biện cho qua cũng là lẽ thường tình; Vì vậy, Thoáng cũng luôn hoàn thành kế hoạch, thậm chí khi bình bầu lao động tiên tiến thường được phiếu cao nhất…Đối với cấp trên và cán bộ tổ chức ư? “Thằng đó chịu chơi, nghĩa là nó biết làm…”; “Lễ phép, biết thưa gởi đúng nơi đúng lúc…thế là khiêm tốn”?! “Không cãi lại xếp, như vậy là biết trên, biết dưới…”. “Đưa vào qui hoạch…phát triển”!? Cứ vậy, sự tiến thân của nó thực sự trôi chảy như một định mệnh tất yếu!

    Một thời gian sau, ở Hà Nội, người ta đã biết khá nhiều về một ông Thoáng, đẹp trai, Tổng giám đốc của một công ty có đuôi “mếch” (ex) to bự nọ. Nổi tiếng với phong thái rất lịch lãm và luôn có một nữ thư ký xinh đẹp tháp tùng…Với phương châm “mỡ nó, rán nõ” xếp Thoáng càng nổi tiếng về tính cách chơi đẹp, chơi thoáng của mình… Giới “chân dài” không thiếu “mỹ từ” ngợi ca về chàng hoàng tử hào hoa kia; Chàng sẵn sàng “bo” cho các em sau các trận bia ôm tới bến cả đến cái nhẫn (có gắn hạt xoàn) cuối cùng trên người… Đúng là danh bất hư truyền!

    Cũng ngần ấy thời gian sau khi chia tay, Thông, một nhà khoa học trẻ, đề tài nối tiếp đề tài, nhưng vẫn cứ phải loay hoay đánh vật với cái xe tạp cà khổ của mình. Cùng với năm tháng, Thông càng chìm sâu vào những hoài bão và khát vọng khoa học của mình. Nhưng oái ăm thay, nghiên cứu về “sự làm giàu hoạt tính cho một chất xúc tác vật liệu” thì cái hoạt chất đó ngày càng mất đi hoạt tính cần có trong cái thời buổi đầy sự bon chen, tráo trở... Với đồng lương khiêm tốn của một PTS, Thông phải cần kiệm lắm mới đủ sống chứ chưa dám nói đến lấy vợ, hay yêu ai… Người khen, kẻ chê; Hãy nghe lời nhận xét ở cơ quan:

    - Ối giời, nuôi mình con không xong, bầu cậu ta lên lãnh đạo để bà con mình “ăn cám à ?” (trích biên bản họp tổ công đoàn bỏ phiếu bình chọn cán bộ…).

    - Thông minh, ham việc, nhưng chưa có hiệu quả…viển vông lắm.. (trích nhận xét bình thưởng ABC của Phòng Kỹ thuật…)

    - Có trình độ, nhưng làm việc thiên về “ngẫu hứng”, chưa chín chắn… (trích đánh giá công tác cán bộ…)

     

     

    3. Hồi cuối

     

    Chán nản và mệt mỏi, Thông bỏ cơ quan ra ngoài lập nghiệp. Cũng may đúng vào thời kỳ đổi mới, vượt qua nhiều vất vả thực sự, cuối cùng thì Thông cũng đã thành công. Người đời biết đến giám đốc một doanh nghiệp trẻ sau một cơn bão đời thực sự tràn vào Miền Trung. Những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng từ vật liệu mới của Cty TNHH Thông Minh vừa nhẹ, vừa bền cũng thực sự bắt đầu bắt rễ vào cuộc sống.

    Ở đầu kia của một tư duy về “lối sống”, Công ty …ex của Thoáng bị phá sản. Dĩ nhiên người khôn là người biết chạy trước; Thoáng đã biết cách “rút lui” đẹp, khi con thuyền chưa kịp lật úp hoàn toàn và không quên “ẵm trọn một ít vốn” trước khi chia tay…

     

    4. Thay cho lời kết

     

    Tôi có dịp may mắn gặp lại Thông hồi cuối năm nhân ngày vinh danh những doanh nhân Việt Nam.

    Có một tin không làm tôi ngạc nhiên lắm, đó là Thoáng đã bị kết án 10 năm tù giam.

    Thông cũng đã có một gia đình nhỏ, người bạn đời vốn là bạn học thời phổ thông và một bé trai kháu khỉnh…

     

    Hà nội, tháng 12/1990

    Kiều Anh Hương[/color]


  10. NGÀY 30.4.2007

     

     

     

    Lại đến rồi - ba mươi tháng tư (30/4)

    Dấu chấm hết - một thời bi tráng !

    Tôi lại có dịp thắp lên bao nén hương

    Khóc thương những anh hùng đã khuất...

     

    Có thể người đời không tin vào những vong hồn

    Nhưng trong đêm tôi vẫn thầm nghe tiếng gọi

    - "Hùng ơi, Hương ơi... đừng vội

    Quên tụi mình nơi rừng thẳm, đèo cao..."

     

    - "Đừng bỏ mặc tụi mình trong gió rít, cô đơn

    Nơi Bốt Đỏ, Tà Lương...bom dội

    Nơi Núi Nghệ, Núi Bông... đạn xối (*)

    Thịt xương tụi mình giờ đã hóa hư không...!"

     

    - "Nhưng vong hồn tụi mình thì mãi vẫn còn đây

    Luôn bên cạnh chở che các bạn

    Hãy luôn sống và tự hào bởi quá khứ

    Là người lính anh dũng nơi chiến trường!.."

     

    - "Xin đừng bon chen, xin chớ công thần

    Hãy sống trọn bằng trái tim độ lượng

    Dẫu bao kẻ yếu hèn, cơ hội

    Nhởn nhơ cười trong tiền bạc, chức quyền...!"

     

    - "Xin hãy sống bằng cả một đức tin

    Có tụi mình luôn hướng về các bạn...

    Đời còn dài, nợ trần ai còn lắm

    Nhưng đừng buồn, may mắn luôn kề bên... "

     

    - "Một nén hương thơm, các bạn chớ quên

    Xin hãy thắp lên, nhân ngày ba mươi tháng tư...

    Lịch sử !

     

    30/4/2007

    Kiều Anh Hương


  11. GƯƠNG MẶT THÀNH PHỐ ĐÊM 30/4

     

     

    Ba mươi năm trước, tôi là lính

    Trẻ trung như các em bây giờ

    Chân đạp đất, tiến vào Thành Phố

    Đỏ cờ bay, như đi trong mơ

     

    Mũ tai bèo sạm khói chiến tranh

    Áo binh nhì, màu xanh hy vọng

    Trải nhiều thương đau

    Nhưng chưa bao giờ tin vào định mệnh

    Định mệnh, ta thắp trong tim !

    Rạo rực, thành phố đêm nay !

    Bông hoa in trên áo em

    bỗng đẹp hơn bao loài hoa khác

    Dẫu khuôn mặt cũ mèm sau năm tháng

    Nhưng trong mắt anh

    vẫn lấp lánh tựa thần tiên !

     

    Ơi thành phố, một thời ta mộng mơ !

    Ôm ấp sau chiến hào lửa, khói

    Sẽ không còn là anh,

    Sẽ không còn là em…

    Nếu bao gương mặt xưa, đồng đội

    Không hoá thân

    Để làm nên chiến thắng diệu kỳ !

    Gương mặt em cùng Thành phố sáng bừng

    Như giữa ngày 30 tháng tư năm ấy !

     

    Đêm Th.phố HCM 30/4/2005

     

    Kiều Anh Hương


  12. KIỀU ANH HƯƠNG

     

     

    HỌ ĐÃ YÊU NHAU NHƯ THẾ…

    Truyện ngắn

     

    … Đồng hồ chỉ 11 giờ 30. Nhà ga đã mở cửa cho khách lên tàu. Ngày hẹn cuối cùng với bà ở quê đã hết; Vậy mà em vẫn chưa lấy vé. Em vẫn đứng đơi anh. Em đứng hẳn ra mặt đường để anh dễ thấy. Nhưng bóng anh vẫn biệt tăm. Em cứ ngong ngóng hoài về phía trường anh. Muốn khóc mà không khóc được. Bỗng một chiếc xe Vonga màu đen lao tới phía em, phanh kít, sát sạt làm em bay hết cả hồn vía…

    - Bố! Em bỗng òa lên khóc…

    Anh cũng biết rồi đó, chưa bao giờ em gọi bác ấy là Bố cả. Giá như bấy giờ anh đến, chắc chắn em sẽ chạy trốn. Anh nhỡ hẹn. Anh độc ác. Em đã đỏ mắt chờ anh… Bác ấy bước lại gần em và nói:

    - Bác đang làm việc, nhưng anh Hải tin cho Bác cháu sẽ về quê chuyến tàu trưa nay. Anh Hải nhờ Bác phải ra tìm cháu. May quá cháu vẫn chưa đi. Để Bác đưa cháu về quê bằng xe ôtô cho nhanh, kẻo Bà mong!

    Thì ra là vậy! Lúc này em càng giận anh nhiều hơn, nhưng vì đứng trước mặt Bác ấy, em không thể. Anh ơi, sao anh không đến. Em đã nói với anh nhiều rồi cơ mà. Nhà anh nghèo, nhưng em có bao giờ tính toán, nghĩ suy về điều đó đâu. Sao anh lại chạy trốn em?!...

     

     

    Tâm đọc thư mà như nuốt từng chữ. Biết, mà cứ làm sao ấy; Vả lại, mình chỉ có hai bàn tay trắng; Vì mình, Lan sẽ khổ cả đời. Thế mà cũng gọi là thương nhau à?.. Cuộc đời khắc nghiệt lắm; Biết những gì sẽ xẩy ra khi hai đứa mình đến với nhau?... Ôi, giá như Bố mình vẫn còn sống. Đã bao lần mình đã nói rất rõ quan điểm với Lan rồi mà Lan vẫn không chịu hiểu cho. Đến với Hải, Lan sẽ được ở lại Hà Nội. Chắc rồi! Hai đứa sẽ được bố trí vào một cơ quan trung ương với công việc nhàn hạ, lương cao… Đó không phải là ước mơ của bao người sao? Hải cũng đẹp trai và điều quan trọng lại là con nhà tử tế... “Trai Hà thành như Hải thiếu gì cô nàng nằm mơ…” như em vẫn thường nói cơ mà! Vậy thì còn lý do gì nữa? Xin em, dẫu yêu em đến ngàn lần, anh cũng không thể tước đoạt cơ hội ngàn vàng này của em…

    Tâm nhớ rất rõ cái ngày hai đứa cùng đến trường dành riêng cho con em liệt sĩ. Lan bé nhất lớp. Ngày thường ít khi Lan có người thân đến thăm. Một mình bà ngoại ở quê đã già yếu lắm rồi, sao mà lên Hà Nội thăm Lan được. Còn Tâm, hàng tháng, dù không đều, nhưng Mẹ vẫn còn ghé thăm được. Những ngày lễ hoặc ngày nghỉ, cả trường rất vui. Riêng Lan thì chỉ biết nằm bẹp ở trong ký túc xá và khóc đỏ hai mắt. Từ ngày biết hoàn cảnh của Lan như vậy, Tâm càng thương và quí Lan nhiều hơn. Tình bạn của hai đứa càng bền chặt khi mẹ Tâm biết và coi Lan như một thành viên trong gia đình.

     

    Năm tháng trôi mau…

    Về Hà Nội học đại học, dù mỗi đứa một trường, nhưng Tâm vẫn giành riêng cho Lan mọi thứ; Những ngày nghỉ, ngày tết…Tâm không rời Lan nửa bước. Họ là một cặp tình nhân đẹp; Nhưng Tâm lại nghĩ và coi Lan như một cô em gái thực thụ và luôn chăm sóc Lan với tư cách một người anh. Mẹ Tâm thường vẫn dặn dò anh phải làm như vậy…

    Nhưng có một dạo, Tâm ít gặp được Lan vào ngày nghỉ lắm; Thậm chí cả ngày thường. Thì ra, đã có một anh chàng đẹp trai cùng lớp đang muốn chiếm trọn trái tim Lan. Tâm chỉ biết loáng thoáng qua bạn bè Lan mà thôi, đại thể… cậu ấy con nhà quyền quí, ở Hà Nội, Bố là một cán bộ cao cấp…

    Qui luật của tình yêu là như vậy ư? Tâm như bị hẫng hụt. Buồn. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại và nhớ lời mẹ dặn dò, Tâm như được an ủi phần nào; Lan là em gái mình cơ mà; Thế thì phải vui mới đúng chứ?!

    Một dạo Tâm như người mất hồn. Hình như mình đã yêu Lan. Yêu thật rồi…Chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, trong đó có Tâm và Lan; Nhưng Tâm chỉ mất một mình bố, còn Lan thì mất nhiều quá. Thương Lan lắm, nhưng khả năng bù đắp những thiệt thòi cho Lan thì quả là ngoài khả năng của Tâm. Nghĩ vậy, Tâm cảm thấy bình tâm hơn; Dù sao, Lan cũng đã gặp được người cần gặp như là một qui luật bù trừ tất yếu vậy…

     

     

    Lan lại đến…

    Đây là lần thứ ba; Bất ngờ lắm Tâm mới chịu để Lan gặp mặt. Hình như Lan đã phải ngồi chờ suốt cả buổi sáng. Lan không dám vào phòng ở của Tâm trong ký túc xá. Lan sợ các bạn Tâm lại báo trước cho Tâm biết về sự chờ đợi của Lan. Lan đứng nép dưới hàng cây xà cừ xum xuê tán lá xanh rì…Phải gặp bằng được Tâm vì ngày mai Lan về quê làm cơm giỗ bố mẹ. Những năm trước hai đứa thường cùng về. Nếu năm nay không có Tâm thì bà ngoại sẽ buồn lắm…Và cuối cùng thì Lan cũng gặp được Tâm khi tiết học cuối cùng buổi sáng vừa tan. Tâm đang lao vội về ký túc xá để cất sách vở trước khi sang nhà ăn tập thể. Tâm sững sờ, nhưng không thể trốn. Tâm chợt hiểu lý do Lan tìm gặp. Ừ nhỉ, không thể không về quê với Lan. Tâm nhận lời. Hẹn gặp nhau ở sân ga… Nhưng cuối cùng lại sai hẹn. Chuyến tàu ấy Lan phải về quê một mình. Một mình trên chuyến tàu trưa. Biết nói gì nữa anh. Tiếng còi rền giã biệt!

     

    … Bây giờ thì em ốm thực sự rồi - Tâm đọc tiếp bức thư- Em không lên kịp trường cho ngày học đầu tuần nữa. Em không ngờ anh lại có thể tàn ác đối với đến như vậy. Có phải em mới thực là nghèo; Nghèo hơn cả anh hay sao? Thì ra bây giờ em mới biết, anh cần một sự bù đắp nhiều hơn cả em. Anh cần một người con gái khác có điều kiện hơn em…

    Trái tim của Tâm như nhói đau; Một cảm giác đau không thể tả được; Vứt bỏ lá thư trên bàn học còn dang dở những trang đồ án, Tâm phóng vội ra ga nhưng không quên ngoắng vội mấy dòng : “ Tao phải về quê gấp. Các cậu đi ăn cơm, đừng chờ. Tâm…”

     

     

    Hà Nội, tháng 8/1980

    Kiều Anh Hương


  13. Nhân dịp ngày 30/4- KAH xin gửi lại bài thơ đã viết tặng người em trai đã anh dũng hy sinh đúng vào lúc 9h55' ngày 30/4/1975 trước cửa ngõ Sài Gòn (chính xác là tại cửa ngõ Trại Quang Trung-Củ Chi)

     

     

     

    BÀI THƠ VIẾT TẶNG EM NGÀY 30-4-1975

    Tặng Thọ

     

     

    Không thể cứ lặng im

    Sau tháng năm trôi

    Vết bỏng thời gian còn đầy dấu sẹo

    Em ngã xuống đúng ngày độc lập.

    Khi triệu triệu người hát khải hoàn ca ..

     

    Chen giữa Sài Gòn đỏ rực cờ hoa

    Anh tìm đến một toà soạn báo

    Với bài thơ chia biệt xót xa

    Mong được sẻ chia cùng em và đồng đội

     

    Nhưng chiến thắng men say còn đó

    Nên bài thơ ai đã vô tình

    Ném vào quên lãng

    Để anh và Em

    Cùng khắc khoải đợi chờ

    Từng ngày, từng phút

    Bài thơ in viết đề tặng Em

     

    Bài thơ xưa

    Sẽ không bao giờ còn được lên khuôn

    Như Em đã ra đi

    Mãi không bao giờ trở lại

    Nhưng anh vẫn rất tin , rất tin

    Triệu triệu người sẽ thấy

    Bóng Em vươn lên phía mặt trời

    Khi Sài Gòn vừa thức dậy

    Trong tiếng súng rền ba mươi tháng tư !

     

    Em ơi,

    Giây lát ấy ..

    Bóng Em còn hơn cả một đài thơ !

     

    Hà nội ngày 30 tháng 4 năm 2000

     

    Kiều Anh Hương


  14. ..."Tiếng chuông nhà thờ vẫn đổ

    Giáo đường vắng thêm một người

    Con quỳ dưới chân thiên chúa

    Mà lòng ở chốn… xa xôi..."

    ...

     

    Chiều nay mây trắng vẫn trôi...

    Lang thang bay về phương ấy

    Bỗng thương, bỗng nhớ cánh diều

    Tuổi thơ ta từng phiêu diêu...


  15. Nhà tôi có một chú mèo

    Sớm khuya, chiều tối...meo meo...kém gì!

    Một thôi đã khổ, nói chi

    Bảy "thằng" như thế, thôi thì... ngẻo luôn!

     

    Vậy mà Thái Hạnh vẫn tươi

    Hẳn là tâm tính mười mươi...tuyệt vời

    Vái xin thần phật...đôi lời

    Phán cho con biết về người đó không?!....

     

    21/04/2007


  16. Tăng riêng bạn Bùi Thụy

     

    BẠN BÈ TA MÃI CÒN

    Thân tặng những linh hồn bạn bè bất tử

     

     

    Chết không đồng nghĩa là hết !

    Nếu trong tim ta, hình bóng bạn vẫn còn

    Dẫu Âm – Dương - cách biệt dòng sông lạnh

    Sương khói mờ giăng... khuất núi non.

     

    Chỉ tại người trần không nhìn thấu

    Riêng ta tin lắm, bạn luôn về

    Năm tháng đồng hành, cùng cứu rỗi

    Chia sẻ với đời, bao buồn vui...!

     

    Thắp nén hương lên, ta thầm nghe

    Từ trong sâu thẳm, lời trái tim

    Bạn bè nhắn nhủ từ bên ấy...

    Chữ TÂM luôn phải sáng trong lòng!

     

    HN 19/04/2007

    Kiều Anh Hương


  17. Tôi thích Bài thơ này, vì nó nói đúng lòng người ở lại. Cảm ơn bạn Bùi Thụy Đào Nguyên.

    Nhân đây KAH xin gửi tặng bài thơ "Bạn bè ta mãi còn" và cùng post lên chùm thơ chuyên mục "thơ ngẫu hứng...viết tặng bạn thơ" để nhiều người cùng đọc.

     

     

     

    BẠN BÈ TA MÃI CÒN

    Thân tặng những linh hồn bạn bè bất tử

     

     

     

    Chết không đồng nghĩa là hết !

    Nếu trong tim ta, hình bóng bạn vẫn còn

    Dẫu Âm – Dương - cách biệt dòng sông lạnh

    Sương khói mờ giăng... khuất núi non.

     

    Chỉ tại người trần không nhìn thấu

    Riêng ta tin lắm, bạn luôn về

    Năm tháng đồng hành, cùng cứu rỗi

    Chia sẻ với đời, bao buồn vui...!

     

    Thắp nén hương lên, ta thầm nghe

    Từ trong sâu thẳm, lời trái tim

    Bạn bè nhắn nhủ từ bên ấy...

    Chữ TÂM luôn phải sáng trong lòng!

     

    HN 19/04/2007

    Kiều Anh Hương


  18. Xin được vô cùng cảm ơn các bạn đã sẻ chia; KAH tin rằng, nếu "người ấy" đọc được những lời bình từ những trái tim nhân hậu của các bạn thì ắt hẳn sẽ vợi bớt đi bao nỗi buồn, dẫu kỷ niệm đã xa vời như một áo ảnh...

    Có một điều chắc chắn, với những kỷ niệm buồn, lòng người quả thực khó mà nguôi ngoai và có thể KAH sẽ còn tiếp tục viết về nó, dù hay, dù dở, cũng là để trải nghiệm và nhấm nhí vị đắng-ngọt của tình yêu.

    Sau đây là một vĩ khúc như thế :

     

    XÁM HỐI

     

     

     

    Đột ngột ra đi...

    Rồi đột ngột trở về...

    Ta lại chém vào nỗi đau nơi trái tim em vừa khép lại

    Tên tội đồ kia, chính là ta, điên dại

    Ngươi còn cần chi trong hoang tưởng cuộc đời ?

     

    Chẳng cần chi - Lời xám hối muộn mằn

    Ta muốn gửi vào ngàn mây, lời gió:

    Hỡi Thiên thần của đời anh

    Kiếp này ta mắc nợ

    Xin để kiếp sau thân làm trâu ngựa

    Tim làm chuông đeo, chỉ lối tìm về

    Để cùng em, giữa ngát xanh trời đất

    Dựng đền thiêng và tôn thờ một trái tim

    Trái tim đầy bi tráng ...

    Quyền năng tạo hóa đã trao em !

     

    18/04/2007

    KAH


  19. Bạn Vanlydochanh thân mến!

    Bài thơ Phản bội của KAH không hề đề cập đến sự phản bội trong tình yêu mà chỉ là sự phản bội trong cuộc sống đời thường, về nhân cách chung của một con người; Tuy vậy, nêu sđề cập đến sự phản bội trong Tình Yêu thì KAH xin tăng bạn thêm mấy câu này (coi như vĩ khúc của bài thơ) zậy:

     

    ...Không sợ lòng,

    Không sợ mề...

    Trong tình yêu sợ nhất

    Trái tim của người tình

    Không nhân !

     

    Hi, hi... Vĩ khúc như vậy nghe được không. Nói rõ thêm:

    Không nhân, có nghĩa là trống rỗng; Không nhân, cũng có nghĩa không phải là con người....

     

    Chúc bạn hạnh phúc!

    KAH


  20. KAH thực sự cảm ơn ban NHD, mọi thứ cũng OK hết. Để nhiều người cùng đọc thì tốt quá còn gì.

    Địa chỉ Email : Kieu_anhhuong@Yahoo.com; Lại nữa, nêu hứng bạn có thể gọi cho KAH qua số 0903435693; Nhất là khi nào ra Hà Nội thì nhớ kêu để KAH còn mời đi uông bia hơi HN (bia vốn nổi tiếng mà);

    Thân ái

    KAH


  21. Bạn Ngô Hữu Đoàn thân mến!

     

    Trước hết KAH xin được cảm ơn bạn đã đọc thơ vì KAH biết NHĐ là một trong những "nhân vật" quan trọng của Diễn Đàn và có rất nhiều bàn viết hay. Thứ hai, bạn đã có những "bình luận" về thơ...

    Thú thật, viết bài thơ này là KAH đang tự vấn lại lương tâm của chính mình mà lẽ ra, cuộc đời đã hoàn oàn đổi khác, nếu như mình không quá "hèn yếu" trước một sự thật nghiệt ngã của cuộc đời...

    Trả lời và để làm sáng tỏ thêm mấy chỗ viết đậm của NHĐ, KAH chi có thể giải thích thêm như sau:

    - Sau cuộc chiến, đúng là KAH đã gặp người ấy và hai đứa đã thầm yêu nhau... và dĩ nhiên, kẻ phản bội tình yêu ra đi không một lời giải thích thực sự là rất "DÃ TÂM"-chí ít với người con gái cũng đang tin yêu minh thật lòng và mối tình đầu bao giờ chẳng là "TRONG TRẮNG". (Cần nói thêm rằng, "thời" của bọn mình, tình yêu thiêng liêng và trong trắng lắm; Yêu, dẫug chưa một lần cầm tay, nhưng độ đắm say có thể còn hơn nhiều lần so với tình yêu của một số ít thanh niên "thời nay" khi mà họ sẵn sàng chấp nhận sống chung trước hôn nhân; Cũng cần nói thêm rằng KAH không có ý bình luận về hiện trạng này của xã hội...)

    - Trong "cuộc tình" đó tác giả "không chạy trốn" có nghĩa là không phải buông xuôi tất cả, nhưng chí ít, tại thời điểm đó, hoàn toàn có thật một sự khủng hoảng tinh thần trước cái chết của những sinh linh bé nhỏ bởi những người bạn lính của chính tác giả đã dính chất độc màu da cam. KAH cũng đã từng sống trong vùng rừng trụi lá của đại ngàn Trường Sơn bởi chất độc màu da cam; Không có lý gì mình không bị phơi nhiễm; Chính vì vậy, hãy lặng lẽ rút lui để người mình yêu có một bờ bến mới tốt đẹp hơn êề hạnh phúc là cần thiết; Tuy nhiên, có thể sự hành xử này chưa thật "khôn ngoan" và âu đó cũng là thường tình với một người còn rất trẻ...

    - NHĐ có thể đọc toàn bộ bài thơ : “Vầng trăng Trường Sơn năm 2000” của KAH trong trang blog của diễn đàn hoặc trên 360 Yahoo (Kieu Anh Huong' Blog).

     

    Một lần nữa xin được cảm ơn bạn NHĐ và mong được thường xuyên trò chuyện cùng bạn!

    KAH

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...